MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiểm lâm Thịnh cùng trẻ em tại Nà Hẩu.

Người thay đổi khái niệm “kiểm lâm” nơi đại ngàn Nà Hẩu

Lê Anh - Phùng Minh LDO | 21/07/2021 15:54
Phải mất nhiều giờ đồng hồ mò mẫm, vừa đi vừa sợ lạc giữa xanh rì cây rừng, chúng tôi mới thấp thoáng nhìn thấy những túp lều lá của người dân xã Nà Hẩu (huyện Văn Yên, Yên Bái). Đón tiếp chúng tôi là anh Phạm Tiến Thịnh - một kiểm lâm viên của trạm Đại Phú An.

“Khi nào trẻ con Nà Hẩu hết cởi truồng, khi ấy mới dừng làm kiểm lâm”

Đường tới Nà Hẩu không quá khó nhưng cũng đủ ngoằn ngoèo và thăm thẳm để thử thách lòng người. Thấy chúng tôi vừa dưới xuôi lên, anh Thịnh nhiệt tình tiếp đón.

Cái bắt tay thật chặt nhưng ấm áp của người kiểm lâm năm nay 38 tuổi đã khiến những vị khách phương xa vơi đi phần nào nỗi mệt nhọc.

Anh Phạm Tiến Thịnh là một trong 2 kiểm lâm thường trực khu bảo tồn Nà Hẩu này. Cùng với anh Thịnh là anh Nguyễn Trung Kiên (Trạm phó trạm Đại Phú An).

Chỉ 2 kiểm lâm thường trực giữa hàng ngàn hecta rừng Hà Hẩu. Yên bình, mộc mạc nhưng cũng đồng nghĩa với nghèo đói, thiếu thốn đủ bề.

Đất rừng Nà Hẩu.

Anh Thịnh kể: “Người trên này sống còn hoang sơ, nghèo đói. Thế nhưng họ lại sống rất tình nghĩa”.

Có lẽ, chính cái tình cái nghĩa đó đã níu đôi chân và cả trái tim người kiểm lâm này ở lại nơi đây.

Anh Thịnh tâm sự, khi anh mới nhận công tác về Nà Hẩu, việc chặt phá rừng còn diễn ra phức tạp. Thậm chí, lâm tặc còn hống hách tới nỗi gõ cửa kiểm lâm “xin” chặt gỗ phá rừng.

"Những lời mua chuộc cũng có, dọa dẫm cũng chẳng thiếu. Thẳng tay với lâm tặc không phải chuyện đơn giản. Giữa 4 bề là rừng, mình chơ vơ ở giữa, đêm hôm khuya khoắt hoang vu, kẻ thù có thể "xử" mình bất cứ lúc nào".

“Giờ mọi chuyện khác rồi!"

Anh đưa tay chỉ về cánh rừng, tự tin: “Các anh chị phóng viên cứ thử canh đêm ở đây một hôm, không có chuyện 1 cây gỗ nào có thể lọt ra ngoài”.

Dù thế, anh Thịnh cũng phải ngậm ngùi thừa nhận, khó khăn hơn việc bắt xử lâm tặc chính là vận động người dân nơi đây không chặt rừng lấy củi, làm nương.

Cái khó nằm ở cái nghèo!

“Mùa đông tại Nà Hẩu lạnh cắt da cắt thịt. Quần áo không có đủ để mặc. Với họ, việc có củi sưởi ấm quan trọng hơn việc bảo vệ rừng” - Anh Thịnh bộc bạch.

Trẻ con tại Nà Hẩu.

Muốn người dân không chặt phá rừng, thì không được để cho họ đói, họ rét. Anh Thịnh nghĩ đủ cách, kêu gọi mạnh thường quân quyên góp quần áo đồ đạc, kêu gọi chuyển đổi cây trồng, tìm lối phát triển du lịch tại Nà Hầu,...

Tại nơi thâm sơn cùng cốc này, không có lấy 1 cái chợ cóc.

Trẻ con ở Nà Hẩu, đứa nào cũng đen thùi lùi, mặt mũi lấm lem. Đứa thì trần như nhộng, đứa có quần áo thì cũng rách đủ đường. Có cơm ăn với muối cũng đã là hạnh phúc.

Người ta vốn hay rung động với những xa hoa, hào quang, và khó thích nghi đón nhận những khó khăn vất vả. Người đàn ông kiểm lâm này lại trái ngược đến khó hiểu.

Anh Thịnh cũng chẳng thể lý giải được tình yêu với Nà Hẩu. Yêu tới nỗi quyết định bán nhà bán đất dưới xuôi, quyết tâm đón vợ con lên mảnh đất đầy chông gai này. Yêu tới nỗi học cả tiếng Mông để nói chuyện cùng người dân nơi đây.

Anh Thịnh hồ hởi kể về các loài thảo dược tại Nà Hẩu.

Đám trẻ con Nà Hẩu không đứa nào lạ mặt kiểm lâm Thịnh. Đi trên đường, cứ thấy lũ trẻ là anh dừng lại. Lũ trẻ thấy anh thì chạy ra hồ hởi, vì chúng biết sẽ được nhận một thứ gì đó từ bác kiểm lâm này, hoặc là kẹo bánh, hoặc mì tôm, hoặc tiền.

Trạm kiểm lâm là nơi chứa nhiều đồ đạc mà các đoàn từ thiện gửi tới. Lũ trẻ hoang dại, phần vì đói, phần lại vì quá quen kiểm lâm nơi đây, nhiều khi tự ý chạy vào bếp bới đồ để ăn, để mặc, để chơi.

Giữa núi rừng hoang sơ nghèo khó, tình yêu của kiểm lâm Thịnh và đám trẻ con như một nét thơ ấm áp.

Kiểm lâm Thịnh có 2 lời hứa với rừng đất Nà Hẩu. Một là không bao giờ bán đứng đất rừng Nà Hẩu. Hai là khi nào trẻ em Nà Hẩu hết cởi truồng, thì mới dừng làm kiểm lâm.

Trong suốt nhiều ngày gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện, kiểm lâm Thịnh không lúc nào ngừng chia sẻ về đám trẻ con, về rừng.

Chỉ có 1 lần duy nhất, người đàn ông này thừa nhận: “Yêu Nà Hẩu nhưng nhiều lúc cũng thấy cô đơn. Giữa núi rừng bạt ngàn, có khi ngồi 1 mình cũng trống vắng. Chẳng ai không nhớ vợ, nhớ con, không biết cô đơn cả…”.

Đó là lần duy nhất tôi thấy mắt anh đỏ, nước mắt cứ chực chờ rơi. Cũng là lần tôi thấy, đằng sau tình yêu anh dành cho Nà Hẩu là cả sự lựa chọn hi sinh, đánh đổi lớn lao đến nhường nào...

Đam mê cây thuốc Việt

Không chỉ là người gác rừng mẫn cán, phòng riêng của anh Thịnh ngập tràn sách về dược liệu, bởi trong mắt anh, rừng Nà Hẩu đâu đâu cũng là thuốc.

Đối với anh, dược liệu tại Nà Hẩu không chỉ để chữa bệnh mà còn là cơ hội để người dân thoát nghèo.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn