MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khách Trung Quốc thanh toán bằng cách quẹt thẻ bên trong các showroom. Ảnh: PV

Nha Trang, người nước ngoài "múa gậy..." (Kỳ 1): Mờ ám bên trong các showroom

NHIỆT BĂNG - HOÀNG VĂN MINH (Còn nữa) LDO | 03/05/2018 08:00
Sau Quảng Ninh, có lẽ Nha Trang là địa phương có nhiều nhất những showroom được xây lên để phục vụ riêng cho nhu cầu mua sắm của khách nước ngoài bằng hình thức khép kín như kiểu “cơm tù” trên QL1A một thuở. 

Những showroom này do người Việt đứng tên hoặc liên kết, được xây dựng có phép và cả không phép, sai phép… một cách công nhiên trước sự lúng túng, bất lực của chính quyền địa phương.

Hàng hóa nhiều “không”

Đại lộ Nguyễn Tất Thành (đoạn qua xã Phước Đồng, TP . Nha Trang) là cửa ngõ đưa các đoàn khách du lịch nước ngoài (Trung Quốc, Nga, Hàn…) vào thành phố sau khi đáp xuống Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.

Thời gian gần đây, địa phương vùng ven xa trung tâm thành phố này bỗng nhộn nhịp, sôi động cả ngày lẫn đêm, bắt đầu là các showroom đua nhau mọc lên nhưng chỉ phục vụ cho khách khách du lịch nước ngoài. Đến thời điểm này, số showroom ở xã Phước Đồng là 7, chưa tính những showroom đang hối hả xây dựng.

Điểm chung của hầu hết các showroom này là hoạt động kiểu “bất khả xâm phạm”, kín cổng cao tường, bảo vệ nghiêm ngặt. Người Việt không thể nào vào được bên trong, dù chỉ xem chứ chưa nói đến mua hàng. Sau nhiều lần đột nhập bất thành, cuối cùng, chúng tôi cũng may mắn qua mặt bảo vệ, lọt được vào bên trong showroom Nature Care (đóng tại thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng). Bất ngờ bởi trước mắt chúng tôi là quang cảnh mua sắm nhộp nhịp như 1 siêu thị. Tại đây có khoảng 10 gian phòng (từ phòng Vip 1 đến Vip 10) trưng bày gối, nệm cao su, giường nằm...

Tất cả các khách du lịch vào đây đều được phát 1 loại thẻ đeo cổ để nhận dạng. Các nhân viên, hầu hết là người nước ngoài nhanh nhảu mời chào, giới thiệu sản phẩm và cảnh mua bán diễn ra rất nhộn nhịp. Tại quầy thanh toán, nhân viên người Việt đóng gói sản phẩm không ngơi tay.

Điều kỳ lạ là các sản phẩm trưng bày ở đây chỉ có duy nhất dòng chữ Nature Care - tên của showroom. Trong khi đó, theo quy định, các sản phẩm sản xuất nội địa hay nhập khẩu đều phải ghi rõ địa chỉ nhà sản xuất, tem, nhãn mác, tem phụ, thông tin sản phẩm.

Điều lạ là khi mua hàng xong, khách hàng không trả tiền mặt, mà quẹt thẻ thanh toán, không xuất hóa đơn. Mục đích của việc này nhằm lách luật, trốn thuế. Ngoài ra, trên điện thoại của khách mua hàng ở đây còn hiển thị mã vạch khi thanh toán xong.

Đây có thể là 1 thao tác của việc chuyển tiền bằng ứng dụng Wechat quét mã QR (một hình thức thanh toán điện tử, tương tự chuyển tiền qua banking của ngân hàng trên internet hoặc mobile). Có thể thấy từ bảng mã Wechat cá nhân mà ngân hàng “nước nhà” cấp cho họ, người mua dùng điện thoại thông minh quét mã Wechat của bên bán tại quầy thu ngân để nhập lệnh thanh toán.

Không chỉ tại cửa hàng này mà tại nhiều cửa hàng khác chuyên phục vụ riêng cho khách nước ngoài ở xã Phước Đồng, TP.Nha Trang đều phát thẻ cho khách trước khi vào tham quan, mua hàng. Việc thanh toán cũng được khách quẹt thẻ, thay vì thanh toán bằng tiền mặt. Điều đặc biệt nữa là hàng hóa, ngoài những tấm nệm nhỏ được hút chân không gói thành túi để khách mang về. Còn lại nệm lớn và những hàng hòa cồng kềnh, khách thường ký gửi và nhận hàng tại… quê nhà!

Thu thuế được mấy đồng?

Ngày 17.4, chỉ mấy ngày sau khi chúng tôi đột nhập vào trong, showroom Nature Care bị cơ quan chức năng quản lý thị trường và thuế TP.Nha Trang kiểm tra đột xuất, xử phạt hơn 70 triệu đồng vì hàng hóa không ghi tên sản phẩm, vi phạm kích cỡ sản phẩm… Tại cuộc làm việc sau đó với chúng tôi, 1 phụ nữ tên Hường, tự xưng là quản lý người Việt tại showsroom Nature Care cho biết, showroom này do công ty thuê đất xây dựng và bắt đầu hoạt động từ năm 2017. “Khách đến đây không có hợp đồng tour hay thỏa thuận gì, mà họ tự đến” - bà Hường nói.

Khi chúng tôi cho xem hình ảnh ghi lại quá trình quẹt thẻ của khách khi thanh toán và hỏi máy quẹt thẻ thanh toán đưa ở đâu về, có phải Trung Quốc hay không thì bà Hường né tránh: “Máy đó của công ty thôi. Bên ngân hàng biết mà. Sau khi cơ quan chức năng kiểm tra thì khách thanh toán cho chúng tôi bằng tiền mặt”. Câu hỏi khác, bà Hường trả lời rằng, showroom của bà không cấm người Việt vào mua sắm hàng. Hàng hóa, sản phẩm được công ty mua ở Trung Quốc và chuyển về Việt Nam, sau đó bán lại cho khách Trung Quốc. “Khách sau khi mua hàng, hàng được cho lên xe, qua hải quan, rồi về lại Trung Quốc” - bà Hường nói.

Trong khi đó, 1 lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa cho biết, khách nước ngoài mua hàng ở Việt Nam mà “quẹt thẻ” thì Nhà nước sẽ không thu được thuế, gây thất thu thuế. “Dòng tiền được chuyển về tài khoản bên nước này, không thể hiện được doanh số bán hàng. Việc này cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra” - vị này nói.

Chúng tôi đem thông tin về loại máy quẹt thẻ này trao đổi với 1 cán bộ Phòng nghiệp vụ Cục Hải quan Khánh Hòa. Sau khi kiểm tra, rà soát danh mục các loại máy quẹt thẻ nhập khẩu, vị này thông tin: “Trước giờ, tại Khánh Hòa, chúng tôi chưa tiếp nhận, làm thủ tục nhập mặt hàng này. Theo tôi biết, máy quẹt thẻ nhập vào hiện nay chịu sự điều chỉnh của Quyết định 04/2017 của Thủ tướng Chính phủ là khi nhập phải được dán nhãn năng lượng và hiệu suất năng lượng tối thiểu.

Còn Thông tư 15/2014 của Bộ TTTT (ban hành danh mục hàng hóa theo mã số HS thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ TTTT) thì đã hết hiệu lực. Chúng tôi không biết họ đem sang Việt Nam qua cửa khẩu nào, bằng đường nào. Xét về thuế, đây rõ ràng là lỗ hổng trong thanh toán”.

Về phía địa phương, chúng tôi đặt nhiều câu hỏi với ông Bùi Cao Pháp - Phó chủ tịch UBND xã Phước Đồng - liên quan đến hoạt động tại các cơ sở đón khách nước ngoài khép kín, nhưng ông Phát chỉ trả lời ở mức độ “nghe thấy”, “nghe nói”, “chỉ nắm tình hình chung”. Ông Pháp bảo đại ý có nghe nói họ bán nệm cao su, ngọc trai, trang sức… nhưng cán bộ xã muốn vào bên trong cũng khó. Nghe nói, có lao động chui làm việc trong đó nhưng không nắm rõ lắm.

Hay chỉ nghe thấy đội thuế của xã thu thuế tại các cơ sở nhưng không rõ phương thức thu như thế nào... Riêng câu hỏi về thu thuế, ông Pháp rút điện thoại gọi cho bộ phận chuyên môn để “nắm lại”. Và câu trả lời sau khi kết thúc cuộc gọi là: “Thuế được thu khoán theo hộ kinh doanh ở cửa hàng”. Rồi ông Pháp tự đặt câu hỏi cho mình: “Nếu thu như vậy thì đâu có kiểm soát được doanh thu” (!?).

Cũng theo ông Pháp, ngoài 7 cơ sở chuyên đón khách nước ngoài ở xã Phước Đồng, hiện có 3 cơ sở khác đang xây dựng không phép và sai phép so với giấy phép được cấp. “Mình cho họ xây dựng chừng đó mét vuông nhưng họ xây rộng hơn” - ông Pháp thông tin. Các cơ sở này đã bị lập biên bản vi phạm hành chính, đình chỉ thi công. Xã cũng đã gửi hồ sơ liên quan đến 3 cơ sở kia lên cấp trên ra quyết định xử lý.

Và trong khi chờ ý kiến cấp trên, những cơ sở này vẫn được chủ đầu tư cho thi công giữa ban ngày. Chúng tôi đặt câu hỏi về vấn đề này, ông Pháp nói như bất lực: “Họ làm bất chấp mà. Mình cũng thu đồ đạc, chốt chặn này nọ, nhưng họ xây tốc độ nhanh quá. Nhiều khi họ đóng cổng bên ngoài, rồi âm thầm xây bên trong, thậm chí lén xây ban đêm, mình không phát hiện được”.

Nhiều lao động “chui”

Ông Nguyễn Văn Danh - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Khánh Hòa - cho biết, đầu năm 2018, qua phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) và các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện 185 người Trung Quốc làm việc cho các doanh nghiệp kinh doanh buôn bán các mặt hàng mỹ nghệ, đá quý, tơ lụa... cho khách hàng (là các tour du lịch) nhưng không được cấp giấy phép lao động theo quy định. Sở LĐTBXH đã tiến hành lập biên bản, đang củng cố hồ sơ và gửi văn bản đến Công an tỉnh Khánh Hòa đề nghị trục xuất khỏi Việt Nam.

Năm 2017, Sở LĐTBXH cũng tiến hành thanh tra đột xuất 2 doanh nghiệp có sử dụng lao động người Trung Quốc nhưng không có giấy phép theo quy định. Theo đó, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính với số tiền 180 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 3 tháng và đề nghị Công an tỉnh trục xuất về nước 7 người Trung Quốc theo quy định của pháp luật.

Theo ông Danh, những đối tượng này, các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước khó phát hiện, nếu như không có sự vào cuộc của công an, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra đột xuất về hành chính. “Các sở đi kiểm tra theo chức năng quy định thì phải xây dựng kế hoạch, báo trước cho doanh nghiệp về thời gian, địa điểm, thành phần đoàn kiểm tra, tài liệu chuẩn bị cung cấp cho đoàn thì họ đã trốn và không làm việc trong thời gian đoàn kiểm tra thì không thể phát hiện được” - ông Danh cho hay.

Vụ gỗ lậu sát Đồn biên phòng Đắk Lắk: Đình chỉ công tác 4 lãnh đạo Đồn Biên phòng

Ngày 2.5, Bộ Tư Biên phòng đã ra quyết định đình chỉ công tác 4 lãnh đạo Đồn biên phòng 747 và 749 về buông lỏng trách nhiệm quản lý trong khu vực biên giới.

Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk - đại tá Phạm Quang Hùng - cho biết: 4 cán bộ bị đình chỉ công tác gồm Đồn trưởng Đồn Biên phòng 747 - Thượng tá Cao Hữu Tùng, Phó Đồn trưởng 747 - Trung tá Bùi Khắc Hiệp, Chính trị viên Đồn Biên phòng 749 - Trung tá Phạm Công Khanh và Đại úy Trần Tiến Viên - Phó Đồn trưởng Biên phòng 749.

Việc đình chỉ công tác 4 cán bộ lãnh đạo nhằm xem xét, kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý địa bàn; gây dư luận xấu trong dư luận. Bộ Công an ngày 27.4, đã triệt phá lán trại cùng các bãi tập kết gỗ, máy móc và xăng dầu của Phan Hữu Phượng (tức Phượng “râu”, trú thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút, Đắk Nông). Đáng nói, lán trại trên nằm cách Đồn Biên phòng 747 khoảng 500m. Người của Phượng “râu” câu điện, nước, wifi từ Đồn biên phòng 747 để sinh hoạt, cắt cưa, vận chuyển và khai thác gỗ. Hơn thế, 2 xe gỗ chở 40m3 gỗ không giấy tờ từ khu vực Đồn 747 đi qua nhiều Đồn Biên phòng về Đắk Nông nhưng không bị xử lý. Liên quan vụ án, ngày 28.4, Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Phan Hữu Phượng để điều tra về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản”. Ngày 1.5, bắt tiếp đàn em “cánh tay phải” của Phượng “râu” là Nguyễn Hoàng Trang (trú Khánh Hòa). Nhiều mũi điều tra cho rằng, Phượng “râu” lợi dụng danh nghĩa trục vớt gỗ thanh lý để phá rừng và tuồn gỗ từ Campuchia về Việt Nam.ĐÌNH VĂN

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn