MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mẫu tuyển dụng đã lừa hàng chục người mỗi ngày.

Nhức nhối nạn lừa gạt, bóc lột lao động bốc xếp

NHÓM PV ĐIỀU TRA LDO | 08/04/2016 07:09
Một nhóm đối tượng đã thành lập nhiều công ty, đăng tuyển dụng rầm rộ trên Internet với công việc xếp sắp nhẹ nhàng, chế độ phúc lợi tốt… Nhưng thực tế, người lao động “dính” vào thì chẳng khác nào rơi vào địa ngục. Tình trạng lừa gạt lao động bốc xếp này đã diễn ra từ nhiều năm nay, ngay tại TP.Hồ Chí Minh, nhưng không được xử lý đến nơi đến chốn. Hậu quả là mỗi ngày có hàng trăm người lao động bị lừa tiền. Không chỉ bị bóc lột sức lao động, nhiều người phản ứng còn bị các đối tượng này đánh đổ máu!

Kỳ 1: Lần theo những kẻ “treo đầu dê, bán thịt chó”

Giăng bẫy…

Anh Đ.V.Long, ở quận 7, TPHCM, từng làm công nhân ở KCX Tân Thuận (TPHCM), hết hợp đồng lao động, công ty không ký tiếp nên thất nghiệp. Giữa tháng 2.2016, anh lên mạng internet tìm việc, khi gõ “xin viec lam”, ngay lập tức trang tìm kiếm google cho ra kết quả một số công ty cần nam nhân viên làm công việc sắp xếp thùng sữa với mức lương 500.000 đồng/ngày. Anh chọn mẫu đăng tuyển của Công ty vận tải xếp dỡ & đầu tư Phát Đạt. Với nhu cầu tuyển 200 lao động phổ thông, chuyên sắp xếp thùng sữa, bánh, kẹo, mỳ tôm trong kho lên băng chuyền, băng tải, xe nâng, xe đẩy hỗ trợ… Lương 500.000 đồng/ngày, được công ty đóng BHXH, BHYT, nghỉ phép, thưởng tháng 13, có căng tin nấu ăn miễn phí, chỗ ở, nơi làm việc thoáng mát, nếu đi lại, công ty hỗ trợ 300.000 đồng/tuần…

Trước những thông tin quá hấp dẫn, anh Long đã không ngần ngại gọi điện cho một người tên Đại, có số điện thoại 0981…131 để liên hệ xin việc. Người này đề nghị anh Long mang theo 340.000 đồng, bản sao CMND và CMND gốc đến chân cầu vượt An Sương (quận 12, TPHCM). Tới đó, sẽ có người đến đón anh Long tới trung tâm giới thiệu việc làm để nhận việc.

Đón anh Long ở gầm cầu vượt An Sương là một người thanh niên da ngăm đen, ốm, nói giọng bắc, dùng số điện thoại 0966…132. Không mảy may nghi ngờ, anh Long đi theo với hy vọng sẽ tìm được việc làm tốt. Anh Long kể lại: “Nơi làm thủ tục, ký hợp đồng là một căn nhà 2 tầng, nằm ngay mặt đường quốc lộ 1A, cách ngã tư An Sương chừng 500m. Tầng trệt căn nhà, nơi làm thủ tục có phần nhếch nhác, không biển hiệu, không số nhà. Bên ngoài có vài ba thanh niên canh chừng, mắt ngó nghiêng, đảo qua đảo lại dò xét bất kỳ người nào đến đây. Cánh xe ôm của trung tâm ra vào tấp nập, chờ người vào làm thủ tục nhận việc hoặc chở ra bến xe. Người rất đông, mặt mày ai cũng hớn hở vì nghĩ mình sẽ có được việc làm tốt”.

 Mẫu “Hợp đồng khoán việc” mà công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận chuyển Long Nam đưa cho người lao động. Ảnh: L.T

Phần mình, anh Long được một người tên Vũ Thị Hương tư vấn và yêu cầu anh đóng 340.000 đồng, theo lời giải thích của các đối tượng này thì đây chính là tiền thế chân và đồng phục. Nếu anh Long làm được 10 ngày thì công ty sẽ trả lại tiền. Sau khi đối chiếu CMND, thu tiền, các đối tượng đưa cho anh Long một tờ giấy “Hợp đồng khoán việc” với nhiều thông tin không rõ ràng đề nghị anh Long ký vào, đi làm ngay. “Họ hướng dẫn tôi chạy đến cổng KCX Tân Thuận (quận 7) rồi gọi vào số điện thoại 0126…4408 để có người hướng dẫn. Người đàn ông đón tôi nói thẳng với tôi rằng công việc không phải là xếp sữa, bánh mà là bốc vác ngoài nắng, lương tính theo tấn với tiền công là 17.000 đồng/tấn. Theo lời người đàn ông này, đã có rất nhiều người đến đây làm được một vài hôm, chịu không nổi nên bỏ việc, về trung tâm đòi lại tiền cũng không được mà còn bị đánh. Và khuyên tôi nếu chưa đến bước đường cùng, không còn việc nào khác thì quay về trung tâm, lấy lại tiền, giấy tờ. Làm liền trong ngày may ra còn kịp, nếu để sang ngày thứ 2, trung tâm sẽ không trả, lằng nhằng còn bị đánh” - anh Long kể lại.

Người đội mũ bảo hiểm là đối tượng đã quát tháo, chửi bới và là người trực tiếp đưa anh Đ.V.Long đến “văn phòng” giới thiệu việc làm của nhóm đối tượng này. 

Không chỉ mất tiền mà còn… mất máu!

Ngay lập tức, anh Long quay trở lại trung tâm giới thiệu việc làm để đòi tiền thì được 3 thanh niên mặt mày bặm trợn “hộ tống” sang một căn nhà khác, cách chỗ giới thiệu việc làm 3 căn nhà. Anh Long kể lại: “Ngoài tôi ra còn có 5, 6 người lao động khác, vẻ mặt đau khổ. Nhiều người trong số họ đã bật khóc, mắt mũi sưng húp. Một người đẩy tôi vào trong nhà, hai tên canh bên ngoài. Tôi từng là đứa vào tù ra tội, hoàn lương kiếm việc tử tế lại gặp những kẻ lưu manh, lường gạt người khác. Tôi không sợ, định liều mạng với bọn chúng vì quá tức giận. Tôi làm dữ thì được trả lại một ít tiền, nhiều người thấy vậy liền nhờ tôi can thiệp, nhưng tôi làm sao giúp hết được họ!”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài số tiền đóng thế chân tại trung tâm là 340.000 đồng/người, người lao động khi tới nơi làm việc còn phải đóng thêm các khoản tiền khác như tiền đăng ký tạm trú tạm vắng 50.000 đồng, tiền xe ôm ít nhất là 100.000 đồng. Trái với lời quảng cáo trên các trang web, các trung tâm này giới thiệu cho người lao động việc bốc vác nặng nhọc, hóa chất độc hại ở ở ga Sóng Thần, tổng kho Sacombank (Bình Dương), chỗ ở bẩn thỉu, nhếch nhác. Tiền lương không được nhận hàng ngày, lại bị bớt xén, ăn uống khổ cực… Người lao động không cầm cự nổi qua 10 ngày thì mất hết: Không được nhận lương, không lấy lại được tiền thế chân, đòi tiền thì bị hăm dọa, đuổi đánh! Trường hợp của anh Long được xem là cá biệt khi đòi lại được 1 phần trong số tiền đã đóng, còn lại đa phần người lao động đều phải chịu cảnh “tiền mất tật mang”.

Khi biết chúng tôi tìm hiểu về trung tâm giới thiệu việc làm này, chị M - buôn bán tạp hóa lâu năm gần khu vực cầu vượt An Sương, cho biết: “Mỗi ngày họ chở ra chở vào cả trăm người. Sau đó cũng từng đấy người tới đây khóc lóc xin lại tiền”.

Theo lời chị M, nếu lấy ngã tư An Sương làm tâm thì trong bán kính 1km đều có “tai mắt” của các đối tượng này. Chị M kể, nhiều người dân và một số người chạy xe ôm ở đây đã chứng kiến rất nhiều trường hợp những lao động ở quê ra bị lừa lấy hết tiền, mất cả xe máy, phải đi xin tiền làm lộ phí về quê. “Tôi nhớ nhất là một trường hợp, có một thanh niên sau mấy năm tích góp làm việc ở Bình Dương, mua được chiếc xe máy, qua mạng internet nên lên đây kiếm việc, thay đổi chỗ làm. Sau khi đóng tiền, người thanh niên đó được một nhóm 2, 3 người rủ về phòng trọ ở để chờ một công việc như ý. Khi đi nhận việc, chúng lừa người thanh niên đó vào bên trong phỏng vấn, bọn chúng ở bên ngoài lấy xe, mang theo cả túi xách, hành lý. Mất của, mất hết giấy tờ, người thanh niên đó về đây trình báo thì bị dọa nạt, đánh đuổi. Chúng tôi cho tiền, mấy ông xe ôm này chở ra bến xe để về quê” - chị M kể lại.

Nhiều người dân xung quanh, khi được chúng tôi hỏi về trung tâm giới thiệu việc làm này đều tỏ ra khá e dè, trả lời dè chừng. “Chúng tôi chứng kiến nhiều trường hợp bị đánh đến toác đầu, chảy máu, đi báo công an thì bọn họ bám theo đánh luôn. Chúng tôi làm ăn lâu dài ở đây, càng phải cẩn thận, không dám tố cáo, sợ bị trả thù” - người đàn ông chạy xe ôm ở chân cầu vượt An Sương rụt rè kể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn