MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phàn Phù Lìn trao đổi tình hình canh tác với người dân bản Phìn Ngan.

Những "cây đại thụ" vùng biên

thành vân LDO | 09/10/2017 07:00
Họ là những lão nông vô cùng thuần phác và đôn hậu đã dành cả cuộc đời mình gắn bó với chốn non ngàn biên giới. Mỗi người, theo cách của riêng mình đã có những đóng góp xứng đáng để xây dựng bản làng no ấm, bình yên, góp phần bảo vệ vẹn toàn chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Họ đã lặng lẽ tình nguyện làm ngọn đuốc sáng cho làng bản noi theo…

“Ngu công” biên giới

Ngang lưng núi Khe Mềnh, nhà của Phàn Phù Lìn - người được mệnh danh là Ngu Công của vùng biên giới Bát Xát, Lào Cai - ẩn dưới tán những cây ngoã xanh sẫm tỏa bóng mát cả một vùng núi. Người đàn ông 50 tuổi đầy khát vọng chinh phục năm xưa giờ đây đã là một cụ già 80 tuổi có nụ cười rất hiền. Hỏi cụ về những tháng ngày xẻ núi dẫn nước, cụ chỉ cười bảo hồi ấy nghèo khó quá thì phải quyết tâm thoát nghèo.

Mặc dù được Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, song việc ổn định sản xuất lâu dài còn nhiều trắc trở do thiếu nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Phàn Phù Lìn thấy những cánh rừng bị bà con đốt cháy nham nhở do tập quán phá rừng làm nương của bà con mà xót lòng quá. Lại thấy người Hà Nhì ở Y Tý được Bộ đội Biên phòng bày cách trồng cây lúa nước trên ruộng bậc thang mà no đủ, ông quyết dẫn nước từ Khe Mềnh về làm ruộng.

Khe Mềnh cách bản Phìn Ngan - một trong những bản cao nhất Trịnh Tường - nửa ngày đường, cây cối rậm rịt, đá cứng như sắt. Chỉ với một chiếc xà beng phá đá, cuốc bàn và chiếc xẻng xúc đơn sơ, suốt sáu tháng trời ông Lìn thi gan với đá, mũi chân húc vào đá tóe máu, đôi tay đánh gốc cây rừng trợt cả da tay, ngày hai bữa cơm độn ngô với rau rừng, muối rang… Cảm phục trước ý chí của ông, nhiều bà con trong bản đã đến giúp, cuối cùng con mương dài gần 4km dần thành hình dẫn nước về bản.

Đi thăm Khe Mềnh, chúng tôi thấy một mương nước đang rẽ đá sầm sập đưa nước từ lòng khe sâu đổ xuống cả triền ruộng bậc thang rộng hơn 20ha đang vào kỳ làm đòng. Người Dao, người Mông ở Phìn Ngan không gọi là mương Khe Mềnh mà hay gọi là mương ông Lìn, tên người khai phá ra dòng nước vàng, nước bạc này từ năm 1987, cũng là người đã trị thủy, “se duyên” nguồn nước bạc và cây lúa nước để làm ra hạt thóc vàng.

Từ đó, người Phìn Ngan không phát rừng nữa, các hộ dân giúp nhau cải tạo nương cũ bạc màu thành ruộng bậc thang. Người Phìn Ngan chấm dứt cảnh di canh di cư, đề ra hương ước cùng nhau bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ nước sản xuất. Phìn Ngan bây giờ nổi tiếng với cây thảo quả được trồng dưới tán rừng già, hình thành nên vùng thảo quả hàng hoá rộng hơn 80ha. Có nghĩa là cũng chừng ấy diện tích rừng đầu nguồn được khoanh nuôi, bảo vệ, mỗi năm đem về cho người dân nơi đây gần chục tỉ đồng.

Ông Phàn Phù Lìn giờ đây đã trở thành một lão nông có uy tín nhất trên đỉnh rừng này. Không chỉ làm kinh tế giỏi, nhiều năm liền tham gia công tác mặt trận của xã, ông còn là tấm gương sáng về nuôi dạy con cái, gìn giữ gia phong, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình, xứng đáng với tấm Huy chương Lao động hạng Ba và lời thư khen của Chủ tịch Nước Trần Đức Lương: “Tôi rất vui mừng được biết, ông là người đầu tiên ở thôn Phìn Ngan mạnh dạn, không nản chí phá bỏ tập tục phá rừng làm nương rẫy lâu đời của người Dao; vận động gia đình và bà con trong thôn bản san đất làm ruộng, tìm cách dẫn nước để biến những đám nương hoang hoá thành ruộng bậc thang trồng lúa nước, đạt năng suất cao...”.

“Ông lớn” vùng biên

Hàng cây thốt nốt thắm xanh như hàng tiêu binh trên đoạn biên giới thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam và huyện Mi Mốt, tỉnh Kông Pông Chàm, Campuchia. Dưới vòm trời thốt nốt, người Việt và người Campuchia nơi đây thương mến, quý trọng nhau như anh em, cùng nhau làm đồng, nghỉ ngơi bên cột mốc số 100. Và từ lúc nào không ai nhớ rõ, bà con Khmer hai bên biên giới này đã gọi ông ông Bùi Văn Nghĩa ở ấp Tân Cường, xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh bằng cái tên thân thương đầy kính trọng là: Tà Nghĩa!

Từ “Tà” trong tiếng Khmer có nghĩa là “ông lớn”, dùng để gọi những người có công giữ đất, giữ làng, trừ gian, diệt ác, bảo vệ dân lành hoặc người có uy tín, có tâm thiện được bà con yêu mến, kính trọng. Hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, trên đường phục viên về với gia đình, ngang qua vùng đất Tân Hà, Tà Nghĩa đã quyết định ở lại sinh cơ lập nghiệp trên đất biên cương…

Người dân Tân Hà nhớ rất rõ mùa mưa năm 2000, do bị kẻ xấu xúi giục, một số bà con Khmer sinh sống tại địa bàn xã Ruông, huyện Mi Mốt phía đối diện đã tập trung hàng trăm người, dùng trâu bò, đồng loạt sang cày, bừa, sạ lúa ngay trên đất của các hộ dân Việt Nam đang canh tác. Hai bên xô xát nhiều ngày, chính quyền và lực lượng vũ trang phải vào cuộc thì tình hình mới tạm yên. Từ đó về sau, nhân dân hai bên biên giới cắt đứt quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa, thậm chí còn kêu gọi tẩy chay hàng hóa của nước đối diện.

Là người giàu nghị lực, biết tư duy những vấn đề sâu sắc, Tà Nghĩa nhận ra rằng: Biên giới có đoàn kết, hòa bình thì mình mới yên ổn làm ăn. Được sự hổ trợ của Đội công tác vận động quần chúng Đồn biên phòng Tân Hà, cộng với lợi thế có nhiều kinh nghiệm về ngôn ngữ, về phong tục, tập hoán của phía bạn, ông Nghĩa quyết tâm hàn gắn lại tình đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới.

Đầu tiên ông mời bạn sang nhà chơi, tổ chức tiếp đón thịnh tình. Rồi ông lại sang nhà bạn để thăm hỏi và tìm hiểu gia cảnh nhà bạn với một sự quan tâm, sẻ chia chân thành. Tiếp cận với các hộ mà trước đây có con em, người thân sang xâm canh lấn đất, ông nhẹ nhàng phân tích, chỉ ra cái đúng, cái sai của việc xâm lấn đất đai, chỉ ra cái lợi, cái hại của việc chia cắt tình thân, không đoàn kết giúp nhau tiến bộ.

Từ việc là của Tà Nghĩa, ý tưởng liên kết bà con nông dân lại cùng nhau sản xuất, cùng nhau bảo vệ đất đai hoa màu, đường biên mốc giới đã ra đời. Đầu mùa mưa năm 2011, Tổ liên kết sản xuất vùng biên Tân Hà do ông Nghĩa làm tổ trưởng đã cùng nhau ra quân sản xuất. Những ngày đầu trở lại đồng, tuy bà con hai bên có hơi dè dặt, ngại ngùng, nhưng rồi ông Nghĩa đã phá tan cái không khí thờ ơ lạnh nhạt đó bằng những kinh nghiệm sản xuất của mình như xịt thuốc, bón phân sao cho hợp lý, cấy cày ra sao để kịp thời vụ…

Năm nào cũng thế, vào vụ cấy trồng, hễ ông Nghĩa cùng bà con nông dân Việt Nam trồng cây gì, chăm sóc ra sao thì đều chia sẻ, hướng dẫn bà con nông dân Campuchia làm y như thế. Những trường hợp bà con phía bạn gặp khó khăn về vốn giống, nông cụ sản xuất, ông Nghĩa và bà con nông dân Việt Nam sẵn lòng cho bạn mượn trâu bò cày đất, khi thì giúp máy gặt, máy kéo vận chuyển hàng nông sản không tính công.

Rồi Tà Nghĩa cũng là người đứng ra bảo lãnh cho bà con nông dân Campuchia được mua phân, mua thuốc thiếu đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Khi trúng mùa ông tiếp tục giới thiệu những thương lái có uy tín thu mua hàng nông sản cho bạn, nhằm tránh tình trạng bị thương lái ép giá, dần dần đã khiến cho bà con nông dân Campuchia nhận ra rằng, không gì tốt bằng khi biên giới luôn được hòa bình, hữu nghị.

Người Khmer ở đây nói rằng, con số 100 sẽ mang lại nhiều may mắn và thuận lợi cho việc canh nông của họ. Và sau mỗi lần làm đồng đuối sức, không kể người Việt hay người Miên, dân tộc Kinh hay dân tộc Khmer, những người nông dân thuần phác trước đây từng lao vào tranh giành đất giờ đây lại tới ngồi bên cột mốc, chia cho nhau điếu thuốc rê, trao đổi dăm ba câu chuyện về ruộng đồng, mùa vụ.

Nhìn khung cảnh bình yên, dân dã ấy, mới thấy biết bao trân trọng những nghĩa cử đơn sơ nhưng mang lại lợi ích lớn lao cho bà con hai bên biên giới của Tà Nghĩa – “ông lớn” nông dân chân chất, hiền lành, nhưng tầm suy nghĩ, ý thức trách nhiệm với đất nước, với bà con chòm xóm của ông không phải ai cũng có được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn