MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện công việc đưa học sinh qua sông miễn phí được anh Lê Văn Duyên tiếp nối từ mẹ của mình.

Những chuyến đò cho “mầm xanh”

Trần Lưu LDO | 06/06/2014 11:15
“Nói thiệt là tui hổng... biết bơi” - lời thú nhận của “lão bà” lái đò 87 tuổi Mai Thị Kháng làm tôi giật mình. Nghe khó tin bởi “hổng biết bơi” mà trọn tuổi thanh xuân, vượt bao hiểm nguy giữa những vùng mưa bom lửa đạn, bà Kháng không quản thân mình chèo đò đưa bộ đội qua sông. Sau ngày giải phóng, bà lại dốc tâm cho những “chuyến đò khuyến học” với ước mơ giúp bà con sớm đuổi “giặc dốt” để xóa nghèo bền vững...
Từ những chuyến đò giao liên…
Những ngày đầu tháng 6, nắng như đổ lửa, khí trời ngột ngạt và oi bức, dù đã “trú thân” trong căn chòi lá, và được “hưởng” những cơn gió nhẹ từ phía bờ sông, nhưng mồ hôi của tôi vẫn đổ ra như tắm. Vậy mà, bà Mai Thị Kháng (ấp Đông Thạnh, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) vẫn đi lại, sắp xếp những chiếc xe đạp dựng ngổn ngang. “Cha mấy đứa nhỏ, cứ ra tới đây là bỏ xe tùm lum, để bà phải nhọc” - bà Kháng nói như mắng yêu với nụ cười hiền hậu.
Ở tuổi gần 90, nhưng ngoại trừ cái lưng hơi còng, trông bà Kháng vẫn còn rất khỏe và minh mẫn. Bà Kháng sinh ra ở một vùng quê nghèo, thuộc tỉnh Kiên Giang. năm 17 tuổi, thiếu nữ Mai Thị Kháng tham gia hoạt động cách mạng, nhận nhiệm vụ làm giao liên ở vùng Rạch Giá. Mỗi ngày, ngoài công việc đưa cơm, nước cho cán bộ, bà Kháng còn tham gia làm liên lạc và chèo đò, chở bộ đội qua vùng địch. 
Năm 22 tuổi, bà Kháng kết duyên cùng anh bộ đội Lê Văn Dọn (thuộc đơn vị chủ lực miền), hai vợ chồng dắt nhau về huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) sinh sống, và tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Khi quê hương giải phóng chưa được bao lâu, thì người chồng đột ngột qua đời. Giọng bà chùng xuống: “Hồi đó, trong một lần bị quân địch tập kích, ổng bị thương nặng. Hòa bình mới vài năm, thì vết thương cũ tái phát, không cứu được...”.
...đến tất cả vì những “mầm xanh”
Từ đó, bà “thân cò một mình”, với gánh nặng chăm lo cho 9 người con. Những tưởng, giữa tận cùng của cái nghèo và bất hạnh, cuộc đời bà sẽ mãi chìm trong đêm tối. Thế nhưng, bà vẫn đứng vững, để tạo cho mình, và cho đời những “mầm xanh” hy vọng.
Vẫn trên chiếc xuồng cũ kỹ, mỗi ngày bà dạo quanh khắp ngã sông để mưu sinh bằng việc bán nước tương, nước mắm. Nhờ biết dè sẻn, con cái ngày một lớn lên, đi làm phụ giúp cho mẹ, nên bà dần nhẹ gánh lo sinh kế.

Đến một ngày của năm 1984, lúc đó, bà đi bán hàng về, chèo xuồng qua dòng kênh Xáng Thị Đội, bỗng thấy mấy đứa nhỏ ngồi trên bờ thò chân xuống sông đạp nước. Bà Kháng hỏi: “Đã trễ giờ rồi, sao tụi con chưa vào lớp học?”. Tụi nhỏ trả lời mà mặt buồn rười rượi: “Tụi con không có xuồng để qua sông”. Nghe vậy, bà Kháng chạnh lòng, rồi cho tụi nhỏ quá giang vào lớp. 

Bà kể: “Qua bên, tui lấy cây cau, đám sậy làm dấu để chỉ tụi nó. Sáng hôm sau, cả đám tìm nhà tui trúng phóc, rồi năn nỉ chở tụi nó qua sông đi học. Tất nhiên là tui đồng ý”. Bà nói, những ngày đầu sau giải phóng, xứ này còn nghèo lắm, người dân phải sống đời lam lũ, chật vật lo từng bữa cơm. Thêm vào đó, đường quê chưa thông thoáng, với bao nỗi khổ sở do cách trở đò sông. Nên “suy nghĩ mãi, sau cùng, tui quyết định chèo đò đưa trẻ nhỏ đi học”. Bà không chèo xuồng đi bán nước tương, nước mắm như trước, mà dựng một căn chòi ven sông, để vừa bán, vừa chèo đò. Mỗi ngày không dưới 800 em học sinh/2 lượt, được bà chở qua sông đi học, trong số đó, có cả giáo viên, tất cả đều được miễn phí. 

Dòng kênh Xáng Thị Đội chỉ vài chục mét, nhưng khi lũ về, dòng kênh thường trở nên hung hãn. Với cặp mắt tinh tường của người lái đò, bà Kháng lúc nào cũng phải “đề cao cảnh giác”. “Chuyện sông nước mùa lũ không thể đùa được, ở trên xuồng, tôi như cha mẹ thứ hai của tụi nhỏ. Mình là người lớn, có thể chống chọi với mưa bão, còn tụi nó, lỡ có bề gì thì khổ lắm”. 

Mùa lũ về, nước ngập trắng đồng ruộng, những con đường quê cũng trở nên nham nhở, lầy lội bùn sình. Thấy vậy, bà Kháng ra tay “nghĩa hiệp”, chèo xuồng, đi chặt những cây chuối, và tìm một số cây dừa để “đắp đường” cho bà con. Học sinh đến lớp, đứa nhà nghèo thì lội bộ ra bến đò, khá giả một chút thì được cha mẹ mua cho chiếc xe đạp. Nhưng xuồng nhỏ, không thể “cõng” mấy con “ngựa sắt” qua sông, sẵn đất nhà còn rộng, bà Kháng mở luôn một điểm giữ xe miễn phí cho giáo viên và học trò.

Suýt chết vì không biết bơi
30 năm - thời gian dài đến mức bà Kháng không nhớ hết đã có bao nhiêu chiếc đò của mình phải bỏ đi vì hư mục, cũng như bà không thể nào nói được đã có bao nhiêu học sinh được bà chở qua sông đi học. Bà chỉ nhớ nhất một chuyện là có lần suýt chết đuối vì... không biết bơi. “Lần đó tụi nhỏ đùa giỡn, cứ tụm lại một đầu, làm chiếc xuồng bị mất thăng bằng, rồi lật úp. Tui uống đầy bụng nước, rất may được bà con ứng cứu kịp thời”. Thắc mắc không biết bơi sao lại cả gan đi làm nghề chèo đò? Bà nháy mắt cười: “Tui không biết bơi, nhưng được cái là chèo rất giỏi, nên trước giờ đều rất an toàn”. 
Bà kể, những ngày đầu chèo đò, con cái của bà phản đối kịch liệt. Hàng xóm thì không ít người kỳ thị: “Nhà đã nghèo, cơm ngày hai bữa còn lo chưa xong, suốt ngày cứ lo chuyện bao đồng”. Bỏ ngoài tai những lời gièm pha của thiên hạ, bà vẫn bám trụ vào công việc chèo đò. Rồi ngày qua ngày, con cái dần hiểu được nỗi lòng của bà, không còn phản đối mà thi thoảng còn góp tiền để bà sửa ghe, xuồng. Tháng 3.2002, bà vinh dự được chương trình “Những ước mơ xanh” (tổ chức tại TPHCM) trao tặng huy chương “Vì sự nghiệp khuyến học”. Sau lần đó, bà được các mạnh thường quân giúp đỡ một chiếc chẹt và một cái máy nổ để đưa trẻ sang sông. Bà hết sức vui mừng, vì từ đây đỡ phải chèo đò vất vả.
Cả cuộc đời nặng nợ với những chuyến đò trên sông nước, nhiều học trò được bà đưa qua sông ngày đó, giờ đã thành tài, có người làm giáo viên, bác sĩ, giám đốc... Họ luôn nhìn bà với ánh mắt biết ơn và trân trọng. “Nhiều lần ra chợ, có mấy đứa chạy đến gọi í ới bà Bảy ơi, bà khỏe không? Tụi nhỏ giờ lớn quá, tui nhìn hổng ra”. Ở bến đò của bà Kháng hiện treo một tấm bảng: “Bến đò Trường Trung học cơ sở Đông Thuận. Xe Honda qua đò: 2.000đ, xe đạp, đi bộ qua đò: 1.000đ. Học sinh không thu tiền”. Đặc biệt, phía dưới có ghi dòng chữ: “Con đường học vấn dài lâu. Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”. Hô khẩu hiệu là chuyện thường thấy ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng bà Kháng nói rằng “không thể không hô” với lý do: “Tui chèo đò miễn phí cho học sinh chỉ mong được góp một chút công sức nhỏ nhoi của mình vào việc cùng bà con đuổi “giặc dốt”.

Hiện công việc đưa học sinh qua sông miễn phí được anh Lê Văn Duyên tiếp nối từ mẹ của mình.


Lời bình:


 

Bà Kháng bên các em học sinh nhỏ.

 

 

Đọc cái tựa cứ ngỡ tác giả nói về những người thầy, vẫn được xã hội ví như những người đưa đò, giúp các em cập bến dòng sông tri thức. Đọc xong chuyện mới biết, đấy là người mẹ, người bà làm nghề chèo đò trên một quãng của sông nước miền Tây Nam Bộ, ngày ngày đưa các em học sinh sang sông để tìm con chữ. Trong một nghĩa nào đó, cụ Kháng - nhân vật trong phóng sự này, chẳng khác gì một người thầy, dù chưa một lần cụ bước lên bục giảng. Hàng ngàn học trò đã cập được bến bờ của mong ước nhờ đôi tay mảnh, vai gầy của cụ Kháng. Nhưng lái đò mà không biết bơi thì nguy hiểm lắm thay! Mong anh Lê Văn Duyên - con cụ Kháng - tiếp tục công việc “chèo đò miễn phí” cho học sinh như mẹ, nhưng phải là người bơi giỏi! Trần Đăng

 

 


 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn