MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong số những CĐV của U.20 Việt Nam tại giải U.20 thế giới có rất nhiều người là lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Ảnh: Đ.Đ

Những cổ động viên tại giải U20 thế giới: Nỗi niềm người lao động Việt ở xứ Hàn

ĐĂNG HUỲNH (TỪ HÀN QUỐC) LDO | 29/05/2017 07:00
Trong số những cổ động viên đang hừng hực khí thế “tiếp lửa” trên các khán đài cho đội tuyển U.20 Việt Nam tại VCK U.20 Thế giới, số người Việt lao động tại Hàn Quốc chiếm phần lớn. Họ làm việc ở các thành phố Cheonan, Ulsan, Busan, Asan, Incheon, Bucheon, Suwuon, Seoul… - nơi tập trung những khu công nghiệp sầm uất ở xứ Hàn.    

Những phận người chờ... “trục xuất”

Anh Tiến là một trong những cổ động viên nhiệt thành nhất của ĐT U.20 Việt Nam tôi gặp ở SVĐ Cheonan. Bởi không chỉ có áo cờ đỏ sao vàng, băng rôn buộc trên đầu, anh còn có cả bộ đồ máy ảnh tác nghiệp chẳng khác gì một phóng viên. Anh Tiến (37 tuổi) là công nhân lao động ở Pyeongtaek, anh là người cung cấp khá nhiều thông tin cũng như hướng dẫn những phóng viên lần đầu đến Hàn Quốc như chúng tôi.

Anh Tiến sang Hàn Quốc làm việc được 11 năm, lăn lộn đủ các nghề khác nhau. Hiện tại, anh đang làm thợ lắp đặt linh kiện cho các hệ thống điều hoà. Với bằng ấy thời gian, đủ để anh nói tiếng Hàn như gió và thông thạo mọi địa bàn ở xứ Kim chi cũng như có những quen biết nhất định với người địa phương cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, đặc biệt là văn hoá Hàn. Hiểu biết về văn hóa Hàn - điều kiện cần mỗi người Việt Nam ở đây đều phải có được để nhập gia tuỳ tục và có thể làm việc, tồn tại cả một quãng thời gian dài nơi đây.

Anh Tiến đi xuất khẩu lao động cùng với vợ. Vợ anh thì đã về Việt Nam được 3 năm vì sinh con và để có thời gian chăm sóc con tốt nhất chị ở lại Việt Nam luôn. Giờ chỉ còn một mình anh bên này “cày cuốc” gửi tiền về. Anh phấn khởi khoe cậu con trai đã được gần 3 tuổi. Anh nói rằng, 11 năm ở Hàn Quốc, xa quê hương lâu rồi, cũng sẽ sớm trở về. Anh tranh thủ lúc còn sức khoẻ, kiếm vốn liếng lập nghiệp.

Hiện tại thu nhập của anh Tiến 1 tháng khoảng 2.000 USD. Anh Tiến cho biết, người Việt Nam lao động phổ thông tại Hàn Quốc nếu làm đủ 8 tiếng/ngày sẽ thu nhập khoảng 1.000 USD/tháng. Nếu làm thêm giờ thì thu nhập hơn. Tuy vậy thì người Việt Nam luôn cần cù, chăm chỉ nên ở đây đa phần không ai lao động dưới 10 tiếng/ngày. Thế nên thu nhập bình quân rơi vào khoảng 1.500-1.800 USD/tháng.

Được biết, với những người lao động bất hợp pháp thì thường đi làm và nhận tiền ngay theo công nhật. Bởi sẽ không có hợp đồng ràng buộc nào giữa hai bên, tuỳ theo những trường hợp đặc biệt, ngoại lệ. Cũng bởi thế mà nhiều người có thể xin nghỉ làm bất cứ lúc nào. Kể cả chuyện đi xem tuyển U.20 Việt Nam đá World Cup.

Anh Tiến cũng như nhiều người lao động khác ở đây, những người từng nằm trong chương trình được cấp phép, ký hợp đồng. Tuy nhiên, anh Tiến nói rằng, hợp đồng của anh đã hết hạn 6 năm. Giờ anh thuộc vào diện lao động bất hợp pháp, khi nào bị họ bắt thì về nước luôn. Giống như anh Tiến, anh Toàn (31 tuổi) cũng là một lao động có thâm niên tại Hàn Quốc với 9 năm. Anh Toàn hiện là công nhân xây dựng với mức thu nhập khá cao, anh cho biết mỗi tháng có thể kiếm được số tiền quy ra tiền Việt khoảng 100 triệu đồng! Một con số mơ ước với nhiều công nhân khác như anh khi làm việc tại Việt Nam.

Anh Toàn cũng đã được liệt vào dạng lao động bất hợp pháp vì hợp đồng của anh đã hết hạn từ lâu. Thế nên, anh cũng đã trong tư thế bị cảnh sát bắt và trục xuất lúc nào thì cũng về quê luôn lúc đó. Anh Toàn nói rằng, vợ anh cũng sang Hàn Quốc cùng với mình theo dạng du học sinh nhưng đã bị trục xuất về nước trước. Anh Toàn cũng tâm sự rằng, nhiều người bạn, đồng nghiệp của anh sang Hàn Quốc theo dạng du lịch nhưng sau đó cũng ở lại luôn đến giờ cũng đã được 6-7 năm rồi. Không chỉ riêng những người lao động như anh Tiến, anh Toàn, nhiều công nhân khác tôi gặp ở SVĐ Cheonan hoà vào dòng người hâm mộ đến cổ vũ ĐT U.20 Việt Nam đều thuộc diện bất hợp pháp. Họ đều có thâm niên lao động tại xứ Kim chi này 6, 8, 9 hoặc trên 10 năm. Thế nhưng, như một... “đặc thù của nghề nghiệp” và một sự “đặc trưng nhất định của vấn đề lợi ích kinh tế”, họ vẫn là những lao động có ích cho người Hàn.

Những người lao động Việt ở Hàn Quốc trở thành những CĐV nhiệt tình của đội U.20 Việt Nam

Quan hệ cộng sinh…

Gặp anh Tiến, anh Toàn hay những người lao động Việt Nam thuộc diện “lang thang” khác, tôi trăn trở, vì sao những người lao động bất hợp pháp vẫn tồn tại và trở thành “những công dân có ích” với các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc?

Tôi liên lạc với anh Nguyễn Văn Châu - Ủy viên BCH Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc. Anh Châu cũng là Phó Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại Hàn Quốc, từng đến Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động trao ủng hộ số tiền 150 triệu đồng để xây dựng phòng học bán trú điểm trường Bản Váng (thuộc Trường Tiểu học Địa Linh) huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) vào năm 2016.

Anh Châu cho biết, theo số liệu do Bộ Tư pháp Hàn Quốc cung cấp cho Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc, thì hiện tại có hơn 48.000 lao động người Việt/170.000 người Việt Nam tại Hàn Quốc. Trong đó diện lao động theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) là 30.000, trong đó có 2.000 lao động là thuyền viên. Gần 1.000 lao động diện E7 (lao động chất lượng cao) và có đến 16.000 lao động là bất hợp pháp. Số liệu về lao động bất hợp pháp cũng là con số được Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) 
công bố. Vâng, 16.000 người. Một con số quá lớn trên tổng số 48.000 người lao động Việt trên đất Hàn! Tôi thắc mắc, tại sao các cơ quan chức năng của Hàn Quốc lại không kiểm soát được số lượng này khi nhiều người lao động bất hợp pháp khá công khai, thì được anh Châu giải thích rằng, đó là quan hệ cộng sinh, chứ cảnh sát Hàn họ thích bắt lúc nào cũng được. Anh nói: “Thực sự là họ thích bắt lúc nào cũng được. Nhưng làm như thế thì thiệt lớn vẫn là phía họ. Các chủ sử dụng sẽ không có người làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Vì những người lao động hợp pháp sẽ ít người làm và chính người Hàn Quốc cũng không muốn làm những công việc đó. Như thế sẽ là thiệt hại rất lớn về kinh tế cho chủ sử dụng lao động và xa hơn là kinh tế đất nước họ”.

Hơn nữa, nếu những trường hợp lao động bất hợp pháp bị bắt, sẽ không bị phạt mà chỉ làm thủ tục trục xuất về nước. Anh Châu cho biết: “Họ sẽ không phạt những trường hợp lao động bất hợp pháp bị phát hiện và bị bắt. Còn vấn đề họ có trục xuất về nước luôn hay không thì còn phải tuỳ vào tình hình thực tế. Nếu lao động bất hợp pháp đó có liên quan đến tiền án, tiền sự gây ra trên đất họ mà chưa bị xử lý thì sẽ phải ở lại để được xử lý theo đúng pháp luật của đất nước họ. Còn không thì sẽ được trục xuất về nước trong thời gian ngắn nhất có thể”.

Mức thu nhập của người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc như hiện nay - đúng là cơ hội đổi đời với nhiều người đến từ những miền quên nghèo ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá tôi đã gặp ở Cheonan. Có thể, cũng chính vì những điều mà anh Châu giải thích ở trên, mà tôi thấy họ không sợ sệt hay cảm giác phải sống chui lủi khi mang trên mình cái danh bất hợp pháp (?!). Tất cả dường như đều mang tâm lý sẵn sàng đối diện với lệnh trục xuất bất cứ lúc nào khi xuất hiện ở nơi mà lúc nào họ cũng có thể bị kiểm tra.

Còn tôi, tôi thích cái tinh thần dân tộc của họ trên sân bóng đá. Những người đã nghỉ làm, vượt gần 400km từ các tỉnh Busan, Ulsan đến Cheonan để cổ vũ cho thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn. Đâu đó vẫn có những niềm vui, niềm hạnh phúc ở những người Việt “lang thang” nơi xứ Hàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn