MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một đoàn nghệ thuật đang bắt đầu biểu diễn. Ảnh: P.V

Những mảnh đời khuyết tật, dưới ánh đèn, giữa ngã tư...

LONG NGUYỄN - PHẠM ĐÔNG LDO | 02/05/2017 06:24
Dạo trên các tuyến phố thủ đô vào mỗi tối, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những đoàn nhân đạo đang say sưa biểu diễn văn nghệ trên các sân khấu tạm bợ. Giữa dòng người ngược xuôi tất bật, chẳng mấy người đứng xem, có chăng, chỉ là qua quýt cho vài đồng tiền lẻ rồi đi. Sân khấu văn nghệ đã buồn bã là vậy, sân khấu cuộc đời khi vắng ánh đèn màu của những phận đời này lại càng ảm đạm hơn…

Những sân khấu không khán giả

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Hà Nội đang có trên 10 đoàn hát nghệ thuật từ thiện vốn là tập hợp của những mảnh đời khuyết tật. Tuy mỗi đoàn có một tên gọi khác nhau, phong cách biểu diễn riêng, nhưng đều có chung một phương thức hoạt động. Họ trưng phông bạt là Hội Nạn nhân da cam, Hội Người khuyết tật hay Hội Cứu trợ tàn tật Việt Nam... trên các tuyến phố lớn của Hà Nội như Tố Hữu (Hà Đông), Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm), Phạm Hùng Cầu  Giấy),  Huỳnh  Thúc Kháng (Đống Đa).... Nếu thời tiết khô ráo, mỗi đoàn có thể biểu diễn từ 24 - 26 buổi/tháng và không cố định địa điểm.

Từ khoảng 16h mỗi ngày, khi các con phố đông đúc dần lên, cũng là lúc những con người không lành lặn lục tục rời gác trọ để tìm cho mình một địa điểm biểu diễn. Thông thường, cả đoàn từ 8-10 người và các vật dụng như loa đài, phông bạt… sẽ di chuyển trên một chiếc xe ôtô cũ. Đoàn nào đến sớm sẽ được chọn chỗ trước, là các ngã đường tấp nập. Chỉ cần trời không mưa, với sân khấu dăm ba mét vuông, hai cọc để 
dựng phông bạt là buổi biểu diễn có thể bắt đầu với từ 3-4 nghệ sĩ chính. Số còn lại làm các công việc phụ trợ như lái xe, hiệu chỉnh âm thanh, trông giữ hòm quyên góp…

Mỗi đoàn nghệ thuật đều có cách chọn cho mình những loại hình biểu diễn khác nhau, nhưng đa phần vẫn là hát. Đoàn thì hát nhạc vàng, đoàn thì nhạc trẻ, nhạc cách mạng, nhạc tiền chiến... Thông thường, một buổi biểu diễn thường kéo dài 5 giờ đồng hồ và mỗi người nhận nhiệm vụ sẽ hát khoảng 20 bài liên tục. Ngay bên cạnh sân khấu biểu diễn của các nhóm nghệ thuật này, là dàn loa công suất lớn với đèn chiếu sáng, bàn âm ly điều khiển âm thanh, micro và luôn có sự điều phối của những người khác, làm nhiệm vụ điều chỉnh các băng nhạc và các bài hát ghi âm sẵn có. Để thuận lợi cho việc tiếp nhận những tấm lòng hảo tâm của người qua lại, các đoàn hát còn đặt từ 3-4 hòm đựng tiền từ thiện xung quanh sân khấu, ở những chỗ dễ quan sát nhất. Số tiền một đoàn thu được mỗi đêm nếu thường chỉ 2-3 triệu đồng, nhiều thì 5-6 triệu đồng. Trong đó, các thành viên trong đoàn được chia từ từ 100.000 -
200.000 đồng/người/đêm tùy nhiệm vụ. Số tiền còn lại sẽ do trưởng đoàn nắm giữ.

Nói về duyên cơ đến với nghề, Trương Thị Ngọc Nhung (SN 1990) - vốn có khuyết tật về vận động - chia sẻ: “Một hôm, tôi bế cháu ra ngoài chơi tình cờ gặp được một chị là người của Hội Người khuyết tật, được chị ấy giới thiệu vào học may được 2 năm ở trung tâm. Đến năm 2012, thấy tôi có khả năng hát được thì đoàn nhận để cho tôi đi cùng biểu diễn. Một tháng tôi được trả 4,5 triệu đồng. Cũng lâu rồi tôi chưa về quê thăm nhà, có những hôm nhớ nhà quá tôi đã ngồi khóc một mình. Từ lúc đi theo đoàn, tôi thấy yêu đời hơn, cười nhiều hơn, vui nhiều hơn chứ không còn tự ti và buồn bã như trước nữa, tôi cũng rất vui vì kiếm được tiền phụ giúp cho gia đình”.

Kể về kỷ niệm vui nhất trong cuộc đời biểu diễn đường phố, người phụ nữ đến từ Thanh Hóa xúc động nhớ lại thời khắc được song ca cùng ca sĩ Tân Nhàn trên chính sân khấu của đoàn. Chị nhớ lại: “Đó là một ngày đông năm 2013. Tình cờ ca sĩ Tân Nhàn đi qua và lên giao lưu thì mọi người đến xem rất đông, đoàn được riêng gia đình chị ấy ủng hộ 2,5 triệu đồng. Còn hôm đó cũng là ngày thu kỷ lục với số tiền là 25 triệu đồng”.

Còn anh Nguyễn Văn Trung (SN 1989, quê ở Thái Nguyên, một người khiếm thị) thì cho biết: “Khi mới sinh ra, đôi mắt của tôi đã không nhìn thấy gì, tay chân thì cũng mềm yếu nên không làm được công việc gì cả. Rất may ông trời đã không tuyệt đường sống của tôi, đã cho tôi một giọng hát để đi biểu diễn, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân”.

Bên cạnh số tiền công mà những người khuyết tật được nhận hằng tháng đi biểu diễn cho đoàn thì một số người vẫn nhận được trợ cấp của Nhà nước từ 500.000 - 700.000 đồng/tháng. Điều này cũng giúp đỡ được một phần nào đó cho cuộc sống khó khăn của họ.

Cuộc sống ban ngày khép kín

Khác với những lúc đi biểu diễn kiếm tiền vào buổi tối, cuộc sống thường ngày của những người khuyết tật này cũng tạm bợ như cái cách mà họ dựng sân khấu để biểu diễn vậy, họ sống rất khép kín, họ chỉ sống và sinh hoạt trong ngôi nhà trọ của mình chứ chẳng bao giờ ra ngoài vào ban ngày. Theo tìm hiểu của PV, phần lớn các đoàn nghệ thuật này không có mối liên kết với nhau, họ hoạt động độc lập và ăn ở cũng ở các địa điểm tách biệt. Đa số các đoàn đều thuê trọ ở những nơi xa trung tâm như khu vực cầu Thăng Long, cầu Long Biên hoặc mạn ven đê sông Hồng… có giá thành rẻ hơn và cũng tránh xa ánh mắt tò mò của người dân.

Chỉ có những người mắt sáng, được phân công nhiệm vụ đi chợ, nấu cơm thì mới ra ngoài đi mua đồ. Dù cho những chỗ mà các đoàn nghệ thuật nhân đạo này đã trọ ở đây khá lâu, nhưng những người dân sống ở xung quanh ở đây hay những tổ trưởng tổ dân phố cũng không nắm bắt được nhiều thông tin về các đoàn này. Họ cũng chẳng biết được  chính  xác  đoàn nghệ thuật đó có bao nhiêu người, trưởng đoàn là ai. Do đi biểu diễn rất khuya mới về, nên giờ giấc sinh hoạt của các đoàn nghệ thuật này cũng không giống với người thường, buổi sáng thì họ có thể ngủ đến 8-9 giờ mới dậy, đến 15 giờ thì cả đoàn lại chuẩn bị đồ đạc và di chuyển trên những chiếc xe ôtô 16 chỗ tới nơi biểu diễn.

Các chi phí ăn, ở sẽ do đoàn lo hết, nếu tháng nào số tiền đoàn nhận được mà cao thì các thành viên trong đoàn sẽ được thưởng thêm. Lúc đi biểu diễn chỉ ăn tạm một cái gì đó như mỳ tôm, bánh mỳ. Khi đi biểu diễn về mới được ăn thêm và dọn dẹp mọi thứ rồi mới nghỉ ngơi. Mặc dù cuộc sống khó khăn, khép kín là vậy nhưng những thành viên trong đoàn lại rất yêu thương nhau, chung sống hòa thuận chứ không hề cãi vã hay đố kỵ nhau. Những người chân tay đi lại được, những người mắt sáng sẽ phục vụ và giúp đỡ những
người mù, những người đi lại khó khăn.

Cạnh tranh quyết liệt

Để tránh sự nhàm chán, các đoàn nghệ thuật nhân đạo này sẽ phải thường xuyên đổi địa điểm để biểu diễn. Vì thế mà giữa các đoàn lại có sự cạnh tranh gay gắt không kém gì các ngành, nghề khác. Có đoàn khi tìm đến địa điểm dự định, thì đã bị đoàn khác chiếm chỗ, nên phải loay hoay tìm chỗ khác. Khi chưa tìm được nơi biểu diễn mới đành phải hủy cả buổi diễn. Đã có tình trạng “dở khóc, dở cười”, khi 2 đoàn cùng dựng sân khấu rất gần nhau, không đoàn nào chịu nhường đoàn nào.

Anh Nguyễn Văn Vinh - trưởng một đoàn nghệ thuật - chia sẻ: “Có những hôm đang biểu diễn thì gặp trời mưa, cả đoàn phải cuốn gói đi về. Nếu biểu diễn ở quê thì sẽ được bà con gần gũi hơn, đến xem mình biểu diễn đông hơn nên đó sẽ là một nguồn động viên tinh thần rất lớn cho anh em. Còn ở thành phố, thì họ chỉ đi qua thôi chứ cũng chẳng mấy người đứng lại xem đoàn biểu diễn, nhìn cảnh hát mà không có người xem, toàn tự mình hát cho mình nghe thì cũng buồn...”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn