MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vợ chồng bà Hoàn thấy được an ủi khi phần mộ của liệt sĩ Đặng Quang Lý được chăm sóc chu đáo. Ảnh: HƯNG THƠ

Nụ cười của những người ở lại

LÂM HƯNG THƠ LDO | 27/07/2018 06:18
Tháng 7, Quảng Trị đón các đoàn trở về chiến trường xưa tri ân người có công với cách mạng. Ở đó, tôi đã gặp một người con sau nửa thế kỷ mới tìm được nơi an táng của người cha đã hy sinh ở trên đất lửa Vĩnh Linh.

Tôi gặp những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) với nỗi nhớ con mà chỉ cần nhắc đến hai chữ “liệt sĩ” là mắt nhòa lệ. Cũng vào dịp tri ân này, nụ cười trên môi những người con, người mẹ có người thân hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ, giải phóng quê hương đất nước mà tôi đã gặp đã trở lại…

Gặp bố sau gần nửa thế kỷ

Năm 1968, lúc đó bà Đặng Thị Hoàn (SN 1967, trú tại Hưng Lộc, TP.Vinh, Nghệ An) mới được hơn 1 tuổi, thì bố của bà là ông Đặng Quang Lý (SN 1944, nguyên quán xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) lên đường nhập ngũ. Vào chiến trường, ông Lý có cấp bậc là binh nhất, Tiểu đội phó, Đại đội 24, Trung đoàn 246. Ông Lý tham gia chiến đấu, đến tháng 6.1969 thì hy sinh và được mai táng ở mặt trận phía nam Quân khu 4.

Ông Lý ra đi lúc bà Hoàn còn chập chững, đến lúc có thông tin bố hy sinh, bà Hoàn cũng chỉ mới 2 tuổi. Bà sống cùng mẹ, tuổi thơ không biết mặt bố, lớn lên cũng không hay biết bố hy sinh ở đâu, xương cốt đang ở nơi nào? Câu hỏi đó cứ ám ảnh, theo bà suốt nửa thế kỷ trong vô vọng.

Thực ra, lúc mẹ bà còn sống, cũng đã nhiều lần cất công đi tìm chồng, nhưng thông tin thiếu thốn, giấy tờ liên quan đến chồng do bên nội giữ rồi thất lạc nên không có kết quả. Cứ mỗi lần nghe bà Hoàn hỏi bố, nước mắt lại lăn dài trên gò má của hai người phụ nữ.

“Cứ nghĩ tôi sẽ không còn gặp lại bố, con của tôi cũng sẽ không biết đến ông ngoại, nhưng giờ tìm được rồi” - bà Hoàn nói như reo lên ở trước cổng Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Trước khi vào nghĩa trang để tìm mộ của bố, con trai của bà đã đến Trung tâm Tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (gọi là Marin) ở Hà Nội. Tại đây, Marin đã cung cấp thông tin về phần mộ khuyết thông tin của liệt sĩ Đặng Quang Lý ở tại NTLS huyện Vĩnh Linh. Sau đó, bằng phương pháp thực chứng, Marin xác định đây là mộ của bố bà Hoàn.

“Hạnh phúc đến với tôi khi nghe thông tin nói trên. Lúc đó, không diễn tả được, tôi cười, rồi khóc” - bà Hoàn kể. Không thể chờ đợi hoàn tất các thủ tục, bà Hoàn cùng chồng lập tức vào Quảng Trị để thăm bố. Xe khách đưa đôi vợ chồng đến Vĩnh Linh vào giữa trưa một ngày tháng 7 dưới cơn mưa tầm tã. Chưa lần nào đi xa vào phía Nam, nên bà Hoàn hơi mất phương hướng, nhưng nhờ chủ quán tạp hóa nơi vợ chồng bà ghé mua áo mưa chỉ dẫn tận tình, nên mọi thứ được chuẩn bị đầy đủ.

Nhà quản trang giữa trưa nhưng vẫn đón tiếp nhiều đoàn người. Ông Hoàng Văn Táo - quản trang của nghĩa trang - ra bàn chào hỏi, bà Hoàn trình bày là đến thăm phần mộ của bố, nhưng lần đầu đến nên chưa rõ ở vị trí nào. Chẳng mất đến 10 giây suy nghĩ sau khi nghe tên liệt sĩ “Đặng Quang Lý”, ông Táo nói: “Phần mộ bị khuyết thông tin, chỉ có tên chứ chưa có quê quán. Được quy tập từ xã Vĩnh Thủy vào năm 1987. Mộ thứ 3, hàng thứ nhất, khu C”.

Ở nghĩa trang này, có đến 5.600 mộ liệt sĩ, trong đó có 2.000 mộ chưa biết tên, 360 mộ khuyết một phần thông tin, nhưng chỉ loáng mắt người quản trang đã đọc theo trí nhớ vanh vách, khiến bà Hoàn và chồng ngạc nhiên.

Rời nhà quản trang, theo con đường với hai bên là hàng dài mộ liệt sĩ, bà Hoàn đã rưng rưng nước mắt. Đến ngôi mộ ở ngay phía ngoài, số 3, ở bia khắc dòng chữ đỏ “Đặng Quang Lý”, bà Hoàn và chồng quỳ xuống, chắp tay: “Con lớn lên không biết mặt bố, mẹ nhắm mắt cũng không biết bố nằm lại nơi nào, cháu của bố cũng chưa được gọi tiếng ông ngoại. Hôm nay con về đây, sau gần nửa thế kỷ mới tìm được bố”.

Mưa thêm nặng hạt, nhưng những nén nhang thơm vẫn cháy rực, bà Hoàn không khóc, cứ nén nước mắt rồi cười. Nhưng cuối cùng, khi nén nhang cháy cạn, bà Hoàn tay xoa lên tấm bia, lên dòng chữ, rồi nức nở. Sự chia lìa bởi chiến tranh, bởi đau thương đối với bà Hoàn rất dài với gần nửa thế kỷ. Vì vậy, phút giây tìm được bố, mặc trời mưa, bà vẫn cứ vương vấn, bà bảo phải “nén nước mắt để nhìn kỹ tên bố”.

Ông Võ Văn Trang (chồng bà Hoàn) sau phút giây xúc động, đã tìm đến quản trang để hỏi việc bổ sung thông tin bị khuyết ở tấm bia. “Chỉ 2 ngày sau khi hoàn tất hồ sơ, là sẽ có tấm bia đầy đủ thông tin. Gia đình chỉ việc làm hồ sơ, việc còn lại chúng tôi lo” - ông Táo ngắn gọn.

Nhìn những bông hoa đầy màu sắc được gắn lên các dãy bia mộ ở khu nghĩa trang, bất kể mộ có danh tính, chưa biết tên hay khuyết thông tin, ông Trang và bà Hoàn cảm thấy được an ủi, ấm áp. Trước lúc lên xe về quê để hoàn tất các thủ tục còn lại bổ sung phần thông tin bị khuyết cho bố, bà Hoàn nói với ông Táo rằng cứ nghĩ đến việc bố nằm đây không người thân thích là đau lòng lắm.

“Nhưng khi đến đây, thấy bố được bác Táo và mọi người cũng như chính quyền quan tâm chăm sóc phần mộ, thấy được an ủi rất nhiều” - bà Hoàn cười, dù đôi mắt sưng húp lên vì nước mắt.

Bữa cơm “niềm vui” của mẹ

Tại huyện Triệu Phong của tỉnh Quảng Trị, hiện còn 8 Bà mẹ VNAH còn sống. Tuổi của các mẹ thuộc vào hàng xưa nay hiếm, nhưng ai cũng còn minh mẫn để vào ngày kỷ niệm 27.7 lại rưng rưng khóc vì thương nhớ các con đã hy sinh. “Làm gì để mẹ được vui, được an ủi?”, câu hỏi này anh Nguyễn Trịnh Điển - Bí thư Huyện đoàn huyện Triệu Phong - cùng các đoàn viên đã tự đặt ra từ lâu.

“Thăm hỏi, tặng quà cho các Mẹ VNAH vào dịp này thì nhiều đơn vị hưởng ứng rồi. Nên chúng tôi bàn tổ chức chương trình Bữa cơm gia đình - ấm tình lòng mẹ” - anh Điển nói. Để có được số tiền hơn 15 triệu đồng làm kinh phí tổ chức chương trình, Huyện đoàn Triệu Phong huy động từ các đơn vị, trong đó có VNPT Quảng Trị.

“Tiền nhỏ nhưng vào tay Đoàn thanh niên sẽ làm được việc không nhỏ” - anh Điển tự hào nói.

Mẹ VNAH Trần Thị Chánh nay đã 96 tuổi ở xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong. Áp ngày 27.7, mẹ được các đoàn viên thanh niên đưa ra NTLS - nơi có hai phần mộ liệt sĩ là con của mẹ để mẹ hương khói. Sau khi viếng nghĩa trang, các đoàn viên đưa mẹ Chánh về nhà. Tại nhà, mẹ được một bác sĩ đa khoa khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, còn các đoàn viên thanh niên lau chùi, quét dọn, vệ sinh từ ngoài ngõ vào đến nhà và chuẩn bị nấu nướng cho bữa trưa.

Trước đó mấy ngày, việc tổ chức nấu bữa trưa tại nhà mẹ đã được thông báo cho gia đình kèm lời mời họ hàng thân thích của mẹ đến dự.

Việc nấu ăn được các đoàn viên nữ đảm nhận rất bài bản với nhiều món. Không chỉ nấu ngon mà còn rất bắt mắt. Gần trưa, một mâm cơm được dọn ở ngay gian thờ. Run run cầm nén nhang, mẹ Chánh thắp lên bàn thờ, sau đó người thân của mẹ, các đoàn viên thanh niên ngồi vào 2 mâm để dùng bữa. Mẹ Chánh đã già, nên các món ăn được nấu cẩn thận và phù hợp. Mẹ nói bữa ăn rất ngon, hợp khẩu vị, và đặc biệt là đông đủ mọi người nên rất vui. “Mấy khi đông đủ và vui như ri, mọi người ăn nhiều vào” - mẹ Chánh cười tươi.

Anh Trần Thiên (SN 1989, trú tại TP.Đà Nẵng) là cháu nội của mẹ Chánh. Anh Thiên ở với bà nội từ lúc lên 3 cho đến lúc đi học đại học. Thương nội, nên cứ vào dịp kỷ niệm hay ngày giỗ các bác là liệt sĩ, anh đều về quê.

“Thường vào dịp này, khi cả nước kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ, bà nội em hay buồn và khóc vì nhớ thương hai người bác đã hy sinh. Chỉ riêng năm nay, Huyện đoàn Triệu Phong về đây tổ chức các hoạt động và nấu bữa ăn này, nội em rất vui, cười miết. Dù chỉ một bữa ăn thôi, nhưng rất ý nghĩa không chỉ với bà nội mà với cả gia đình em” - anh Thiên nói.

Cũng ngày hôm đó, cũng là bữa ăn trưa có đầy đủ họ hàng ở 7 gia đình Mẹ VNAH tại huyện Triệu Phong, nơi nào cũng đầy ắp tiếng cười và sự an ủi…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn