MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lái tàu luôn đối mặt với những hiểm nguy di động trên đường sắt Bắc - Nam. Ảnh: THANH HẢI

Nước mắt cho người lái tàu

THANH HẢI LDO | 26/03/2015 09:52
Vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại huyện Hải Lăng, Quảng Trị tối 12.3 khi tàu SE5 tông thẳng vào một ôtô tải vượt ẩu qua đường ngang, 583 hành khách may mắn thoát hiểm trong gang tấc, đến giờ vẫn là nỗi kinh hoàng còn ám ảnh cho hàng vạn người ngược xuôi Bắc - Nam trên đường sắt mỗi ngày. Với những người lái tàu, sau sự cố này, nỗi âu lo hiểm hoạ sẽ trở nên ám ảnh họ từng phút trên những cung đường dày đặc các đường ngang dân sinh…

Vụ tai nạn đã xảy hơn 10 ngày, nhưng khi tiếp chuyện chúng tôi, ông Trương Văn An, Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng, đồng nghiệp của “kiện tướng lái tàu” Lê Minh Phú - người vừa tử nạn, vẫn còn bàng hoàng: “Chúng tôi vừa mất đi một người anh, người thợ đáng kính. Sau khi xuất ngũ, người lính Lê Minh Phú có 28 năm trong nghề đường sắt, với 20 năm cầm lái tàu. Anh không chỉ là người anh cả, luôn chuẩn mực trong lối sống, cẩn thận trong công việc, 2 lần đạt danh hiệu “Kiện tướng lái tàu an toàn” mà còn là người yêu quý nghề, thuộc từng cung đường khó, rành từng “điểm đen”… Thế mà tai nạn thảm khốc vẫn không chừa anh ấy. Lành nghề như anh Phú mà không thoát được thì mọi lái tàu của chúng tôi, dù thuộc hạng giỏi hiện nay, cũng khó có thể nói sẽ luôn đưa được đoàn tàu và hàng trăm hành khách đến nơi đúng giờ, an toàn, tiết kiệm được”.

5 giây quyết định sinh tử

583 hành khách của tàu SE5 may mắn thoát nạn, chỉ 2 hành khách và 1 nhân viên bị xây xát nhẹ, phụ lái Hồ Ngọc Hải bị hất tung vào buồng máy, trọng thương đến bất tỉnh, còn lái tàu Lê Minh Phú thì ở lại mãi với buồng lái khi đầu tàu SE5 bị dập nát.

Phụ lái Hồ Ngọc Hải bây giờ đã xuất viện, nhưng dư chấn tâm lý còn nặng nề. Dẫu vậy, Hải vẫn nhớ rất rõ giây phút kinh hoàng lúc đó: “Con tàu trên 500 tấn, đang lao nhanh với tốc độ 75km/giờ. Đây là cung đường thuộc đoạn Quảng Trị - Diên Sanh, cho phép tốc độ trên 80km/giờ. Đây cũng là đoạn mà QL1A chạy song song với đường sắt, lại có rất nhiều đường ngang nên ban lái tàu chúng tôi thường xuyên cảnh giác cao độ, luôn hô - đáp kéo còi liên tục. Hôm ấy, khi đoàn tàu cách đường ngang - nơi xảy ra tai nạn chừng 100m, chúng tôi đã kéo còi báo hiệu. Chúng tôi cũng đều thấy chiếc xe tải trên 50 tấn chạy tốc độ cao trên QL1A, song song với đoàn tàu. Nhưng ngay sau đó, xe tải bật tín hiệu xin đường rồi đột ngột băng qua đường sắt. Như phản xạ tự nhiên, chúng tôi bật đứng dậy, cùng hô to “phi thường” (tức dùng biện pháp kéo hãm khẩn cấp). Tôi chỉ kịp thấy anh Phú trả tay máy về số 0, kéo hết tay hãm khẩn cấp… Khi tỉnh lại, tôi mới biết mình bị văng ra phía sau khoang máy. Tôi cố đứng dậy, tìm cửa thoát khỏi đầu máy, bước xuống đất không thấy các toa tàu đâu. Đầu máy dập nát, anh Phú không còn nguyên vẹn”.

Hành động cầm chắc tay máy, hãm thắng “phi thường” của Lê Minh Phú chỉ tích tắc trong chừng 5 đến 7 giây thôi, nhưng đó là một quyết định sinh tử, một lựa chọn cao cả Bởi lúc đó, anh Phú còn một lựa chọn nữa là thoát chạy bằng cửa thoát hiểm phía sau khoang máy để bảo toàn mạng sống và chắc chắn tàu sẽ bị lật. Nhưng anh đã chọn phương án hy sinh mạng sống của mình để đảm bảo an toàn cho 583 con người khác trên đoàn tàu. Đó là khẳng định của những người đồng nghiệp của anh Phú. Lái tài Phan Minh Đài đỏ hoe mắt: “Anh Phú mất, hơn 300 lái tàu của đơn vị tôi đau buồn, xúc động đã đành, nhưng tất cả đều khâm phục hành động dũng cảm của anh ấy. Nếu thiếu trách nhiệm, không bản lĩnh, không dạn dày, gặp sự cố hiểm nguy, phút lựa chọn sai lầm, lái tàu chọn cách thoát thân thì tai nạn đó sẽ là thảm hoạ đối với hàng trăm hành khách khi bị dồn toa, trật bánh, đổ tàu… Anh Phú đã chọn phần thiệt về cho mình. Tôi và anh Phú cùng tuổi đời, tuổi nghề, cùng là bạn lính cũ. Chúng tôi chỉ còn 2 năm nữa là nghỉ hưu, nhưng anh ấy đã dừng lại ở chuyến đi cuối cùng này rồi”.

Ông Nguyễn Duy Quang, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng xót xa: “Đơn vị chúng tôi đang đề nghị Tổng Cty đường sắt Việt Nam truy tặng Huân chương dũng cảm cho anh Phú và bằng khen cho phụ lái Hồ Ngọc Hải. Tuy vậy, huân chương lớn nhất mà anh ấy đã có là lòng biết ơn của hàng trăm hành khách trên chuyến tàu định mệnh hôm ấy, là sự khâm phục, kính nể, mến yêu của những đồng nghiệp đang khóc thương cho anh. Anh Phú tử nạn, để lại gánh nặng gia đình cho người vợ với 2 con đang tuổi ăn học, mẹ già bị bệnh tâm thần. Với đồng lương hợp đồng làm cán bộ phụ nữ phường chỉ 1,2 triệu đồng/tháng, vợ anh Phú đang từng ngày đối mặt với khốn khó. Chúng tôi mong muốn, anh được tôn vinh xứng đáng với hành động dũng cảm của mình”

Câu chuyện cảm động của họ làm tôi nhớ đến bộ phim nổi tiếng của Hollywood là “Unstoppable”- “Mất phanh”: Vì một sơ suất nhỏ của nhân viên nhà ga Fuller Yard mà chuyến tàu chở hàng ngàn hành khách bỗng chốc trở thành một con quái vật trượt trên các đường ray. Với trí thông minh và kinh nghiệm lâu năm của mình, nhân vật Will Colson cùng anh chàng thử việc Frank Barnes tìm mọi cách cứu sống tất cả những hành khách trên tàu và họ trở thành biểu tượng người hùng của nước Mỹ. Còn người hùng Lê Minh Phú đã cứu 583 sinh mạng trên con tàu thống nhất SE5 chỉ được nêu trong vài dòng tin thời sự. Hành động anh hùng của anh Lê Minh Phú cần được tôn vinh, nhân rộng.

Những hiểm nguy di động

Ông Lê Xuân Linh - Quản đốc phân xưởng vận dụng thuộc Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng, nơi đang quản lý, vận hành 57 đầu máy xe lửa và trên 350 lái tàu - dắt tôi lên 1 đầu máy để trải nghiệm. Đây là một trong những đầu máy thế hệ mới, được lắp ráp trong nước, có cấu trúc trái ngược với các loại đầu máy thế hệ cũ: Khoang máy nằm phía sau, cabin, ghế ngồi của lái tàu sát phía trước, chỉ cách càn gạt đá 1 tấm kính mỏng. Điều này giúp tầm quan sát của tài xế rộng thoáng gần như tuyệt đối, nhưng nếu gặp chướng ngại vật bất ngờ như chiếc xe tải gần 60 tấn trong vụ tai nạn vừa rồi thì lái tàu không có cơ hội thoát. Ông Linh nói: “Lái tàu về mặt kỹ thuật cũng giống như bao tài xế vận hành một đầu máy kéo khác, nhưng phía sau họ là hàng trăm, sinh mạng hành khách. Vì vậy, việc đào tạo tay nghề, rèn luyện ý thức trách nhiệm, tư tưởng đạo đức cũng như kỷ luật nghề nghiệp là rất nghiêm ngặt. Thế hệ trước chúng tôi đều được nhà nước đưa đi đào tạo tại Liên Xô và các nước Đông Âu. Anh em lái tàu bây giờ cũng nhiều người xuất thân là lính, được đào tạo bài bản. Họ luôn ý thức trách nhiệm với hàng trăm tính mạng con người mà mình vận chuyển mỗi ngày. Tuy nhiên, hạ tầng hiện quá bất cập, tai nạn liên tục xảy ra, khiến anh em cũng chùng tay lái”.

Thống kê của ngành đường sắt: Tính từ đầu năm 2015 đến nay, trên tuyến đường sắt đã xảy ra 86 vụ tai nạn, làm chết 37 người và 48 người bị thương (năm 2014, số vụ tai nạn trên tuyến đường sắt quốc gia giảm so với năm 2013 nhưng vẫn xảy ra 388 vụ làm 161 người chết và 256 người bị thương). Gần như trung bình mỗi ngày có 1 vụ tai nạn đường sắt. Đáng báo động phần lớn nguyên nhân tai nạn là do người tham gia giao thông trên đường bộ vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Số liệu thống kê của ngành đường sắt: Tổng chiều dài tuyến đường sắt bắc nam chỉ trên 3.100 km, chạy qua 34 tỉnh - thành, nhưng có đến 5.784 đường ngang. Trong đó hơn 1.500 đường ngang có rào chắn, 651 đường ngang có người gác, 310 nơi có còi cảnh báo tự động… Trên 4.000 đường ngang dân sinh không có bất cứ sự cảnh báo, ngăn ngừa nào. Trong khi tốc độ chạy tàu hiện nay, có nhiều cung đường cho phép vận tốc 80 đến 100km/giờ. Điều đó cho thấy là nguy cơ tai nạn vẫn đang rình rập trên các tuyến đường sắt, luôn là nỗi ám ảnh của những người lái tàu.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn