MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lão ngư dù đã bước qua tuổi 50 nhưng hiện vẫn còn ra khơi đánh bắt hải sản.

Ông “tọa độ”

Trần Hữu Long LDO | 01/02/2017 13:24
Ông Bùi Văn Tẩn (52 tuổi, trú thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được người dân địa phương quen gọi với tên ông “tọa độ” vì với mấy chục năm đi biển, ông Tẩn thuộc làu từng dòng hải lưu, các tọa độ có những đàn cá bơi theo mùa dưới lòng biển Đông.
Theo thời gian, những kinh nghiệm trên biển cứ thế được lão ngư người Quảng Ngãi tỉ mỉ ghi lại trong một trang nhật ký. Nhờ cuốn “bí kíp” quý giá này, những thế hệ ngư dân tại địa phương tiếp tục nối gót ông Tẩn vươn khơi bám biển.

Viết “bí kíp” suốt… 30 năm

Không khó để tìm về nhà ông Tẩn vì với người dân thôn Châu Thuận Biển, “cái ông hằng tháng, hằng năm đi bắt cá, tôm ngoài biển Đông rồi về nhà lại ghi ghi, chép chép mấy cái tọa độ vào sách vở ai mà chả biết!?”. Tại làng chài Gành Cả nơi ông Tẩn ở hiện đã thay đổi nhiều; Những con tàu công suất lớn trong liên tục được ngư dân nơi đây mạnh dạng đầu tư thay thế những tàu cá đánh bắt ven bờ, những ngôi nhà khang trang mọc lên nối tiếp nhau… Buổi trưa, có dịp đi dọc làng chài, chúng ta dễ dàng nhận thấy những đứa trẻ miệng cười toe toét trên chiếc xe đạp, hăm hở đạp xe từ trường về nhà. Sự dư dả về mặt vật chất và cả niềm vui trong mắt trẻ con có được theo giải thích của người trong làng là nhờ những ngư cần cù, chịu khó tại địa phương quanh năm đánh bắt trên biển Đông.

Tại một góc nhỏ trong căn nhà 2 gác khang trang của ông Tẩn nằm sâu ở làng chài ven biển, đều đặn sau mỗi chuyến biển dài ngày, ông Tẩn vẫn giữ thói quen ghi lại những tọa độ đánh bắt hải sản vào một cuốn nhật ký. Những tọa độ với các con số li ti trong cuốn “bí kíp” này được ông chú thích hết sức rõ ràng, dễ hiểu.

“Từ ngày đặt bút viết các tọa độ đánh bắt cá hay tọa độ giúp tàu tránh bão đầu tiên cho đến nay, tôi đều làm dấu cẩn thận từng vị trí, khu vực trên biển nhằm tránh sai sót. Thấm thoắt, cuốn “bí kíp” này giờ đây đã dày hàng trăm trang rồi” – ông Tẩn cho biết và mở đầu câu chuyện.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo nghề biển nên khi ở độ tuổi đôi mươi, ông Tẩn cùng cha thường xuyên dong thuyền ra khơi ngang dọc khắp các vùng biển ở Việt Nam. “Hơn 30 năm trước, tôi chỉ là một thuyền viên nhút nhát, chưa có kinh nghiệm đi biển. Trong những lần được điều khiển tàu cá hay trực tiếp thả lưới, tôi chỉ biết làm theo chỉ dẫn của những người đi trước vì họ là những ngư dân lão luyện, thường dựa theo kinh nghiệm của bản thân để xác định khu vực đánh bắt. Mà mỗi ngư dân lại có một kinh nghiệm khác nhau nhưng có lúc, những kinh nghiệm đó cũng mang tính… may rủi” – ông Tẩn nhớ lại và cho biết trong quãng thời gian học nghề, ông đã ấp ủ mong ước sẽ tập hợp những tọa độ nơi ông từng đánh bắt hải sản “trúng đậm” để lưu lại trong một cuốn nhật ký.

 Rồi ông Tẩn cẩn thận giở cho khách xem những trang giấy úa vàng trong cuốn “bí kíp” dày gần hơn 100 trang. Có những trang, nét chữ đã bị phai mờ, cũng có những trang nét mực còn khá mới. Nhưng dù, cuốn “bí kíp” được đánh dấu mới đây hay từ vài chục năm trước thì nó đều gắn chặt với biết bao nỗi vui buồn trên từng chuyến biển.

Như một bài kiểm tra nhỏ, chúng tôi giở một trang bất kỳ trong cuốn “bí kíp”. Đó là trang nằm gần giữa, có đề ký hiệu ghi “Đinh Ba 11-8,4/ 114-38, thuộc cụm Song Tử - Trường Sa.  Không cần suy nghĩ, ông Tẩn giải thích dễ hiểu: “11-8,4/ 114-38 là 11, 8.4 độ vĩ Bắc, 114,38 độ kinh Đông. Đây là tọa độ thuộc cụm Đinh Ba. Nơi đây có một rạn san hô vòng ngập dưới nước, nó thuộc cụm Song Tử, thuộc quần đảo Trường Sa. Bãi Đinh Ba này bị ngăn cách với bãi Núi Cầu gần đó bởi một kênh nước rộng 2 hải lý.

“Đánh đâu đúng đó”

Với 50 điểm tọa độ cá ở khu vực đảo Hoàng Sa, 100 điểm tọa độ cá ở đảo Trường Sa do ông Tẩn ghi chép như thế đã giúp gia đình lão ngư này đánh bắt thuận lợi và còn tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương. Ông Tẩn chia sẻ: “Mỗi lần đến khu vực nào đánh bắt trên biển mà thuận lợi, tôm cá đầy ắp, tôi sẽ ghi tọa độ lại “để dành” cho chuyến khác. Những tọa độ tôi đánh dấu đến khi trở lại chưa bao giờ sai lệch, đánh đâu đúng đó! Không ngoa khi nói so với máy dò ngang hay định vị  luồng cá bây giờ thì cuốn “bí kíp” này hiệu quả cho ngư dân hơn rất nhiều”.

Ông Tẩn còn nói rằng, biển cả mang lại cho ngư dân cuộc sống sung túc nhưng biển có khi lại cướp đi tất cả. Đó là những cơn bão tố dữ dằng, khốc liệt với sức tàn phá kinh hoàng, cuốn phăng bất cứ thứ gì trên biển khi chúng đi qua kể cả tàu cá. Từ thực tế đó, ông cũng không quên bổ sung trong cuốn “bí kíp” những vị trí giúp tàu thuyền trú ẩn khi bão tố.

“Cù Lao Xanh thuộc tỉnh Bình Định ở tọa độ 13, 39 độ vĩ bắc -109, 21 độ kinh đông là nơi nhiều tàu cá tại Quảng Ngãi thường cho tàu vào tránh trú bão mỗi khi biển động. Hay tại Hoàng Sa, ngư dân thường tránh bão tại các đảo Đá Bắc và Bom Bay. Tương tự như vậy, nhiều tọa độ các đảo lớn, nhỏ tại Vịnh Bắc Bộ, Trường Sa cũng được ông Tẩn lưu ý sau mỗi chuyến đi phòng bất trắc.

 Thời gian qua, hai tàu cá của gia đình ông Tẩn khi đến các khu vực được ông đánh dấu trong cuốn “bí kíp” luôn đến đúng khu vực có các loại hải sản có giá trị kinh tế như hải sâm, cá mú… đem về thu nhập ổn định trên 400 triệu đồng/năm. Dù kinh tế gia đình ổn định và luôn đảm bảo việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên nhưng ông Tẩn luôn tâm niệm: “Ngư dân ra biển may mắn có thể đánh bắt tôm cá đầy khoang, còn chẳng may gặp bão tố hay trục trặc thì người thuyền trưởng đành ra lệnh quay thuyền vào bờ và coi như chuyến biển đó sẽ lỗ nặng. Vì thế, mỗi ngư dân trẻ cần có một sức khỏe tốt, liên tục học tập kinh nghiệm, tập cách xử lý tình huống xấu trên biển chứ không nên ỷ vào một cuốn sách nào”.

Năm nay, ông Tẩn đã sang tuổi xế chiều, ông cảm nhận được sức khỏe của bản thân giờ đã không còn được như xưa. Thế nên ông Tẩn đã yên tâm để hai người con trai tên Bùi Duy Tân (36 tuổi) và Bùi Văn Tự (29 tuổi) lần lượt làm quen với vai trò là một thuyền trưởng. “Nói là bàn giao tàu cá và cả vốn quý nhất của đời tôi là cuốn “bí kíp” này cho con cái, nhưng nhiều bạn tàu vẫn không muốn tôi “nghỉ hưu” sớm. Họ tin tưởng ở tôi bởi sự am hiểu dòng chảy, hiệu quả khi tôi chỉ huy tàu cá trong đánh bắt... Mà để làm được điều đó thì những ngư dân trẻ phải học tập nhiều hơn nữa” – ông Tẩn tâm sự.

Lão ngư dù đã bước qua tuổi 50 nhưng hiện vẫn còn ra khơi đánh bắt hải sản.
Và cá

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn