MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch vụ phá thai tư nhân tràn lan ở Hà Nội. Ảnh: N.H

Phá thai - bi kịch không của riêng người trẻ

Minh Phạm LDO | 15/10/2017 06:52

Việt Nam lọt vào danh sách top 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước đứng đầu châu Á về tỷ lệ này. Kết quả này không chỉ là lỗi lầm của những người trẻ nông nổi. Thực tế, trong số những người đi phá thai còn có cả những phụ nữ đã luống tuổi, chồng con đề huề.

Yêu thì phá thai, cưới lại lo… thụ tinh nhân tạo

Thuê một căn phòng trọ ở hẻm Bùi Thị Xuân, quận1, TPHCM để tiện cho việc lui tới phòng khám, vợ chồng chị H.N và D.H (ở Hà Nội) cố gắng tiết kiệm chi phí sinh hoạt để dành cho chi phí làm thụ tinh nhân tạo. Chị N kể lại, anh chị lấy nhau được 8 năm rồi. Và 8 năm qua là hành trình đi tìm tiếng khóc trẻ thơ gian nan của hai vợ chồng. Cứ làm vài năm anh chị lại tích cóp một số tiền lớn để vào TPHCM làm thụ tinh nhân tạo. Đây là lần thứ tư nhưng vẫn chưa toại nguyện.

“Mấy lần trước cứ bơm phôi vào người là hi vọng lại dâng lên. Tôi chờ mong từng sự thay đổi của cơ thể. Thế nhưng khi bác sĩ báo không thành công, mọi thứ như sụp đổ” - Anh D.H buồn rầu chia sẻ. Anh cho biết, chị H.N - vợ anh bị mỏng thành tử cung nên rất khó mang thai. Đó là hậu quả của 3 lần phá thai khi 2 người còn chưa cưới.

“Có lẽ đó là cái giá mình phải trả. Cưới nhau lâu quá mà không có con, dòng họ ai cũng bàn ra tán vào. Thậm chí, có người ác ý xui tôi phải cưới vợ mới để có con nối dõi. Tôi thì không thể làm vậy. Cô ấy không thể có con là do những lỗi lầm của tôi” - Anh H thành thật.

Vỡ kế hoạch là phá

Là gái 2 con, chị Q.A (37 tuổi, ở TPHCM) mới đây cũng phải đến bệnh viện để phá thai. Chị Q.A cho biết, hai vợ chồng chị vô cùng hài lòng về cuộc sống gia đình với hai đứa con một trai một gái kháu khỉnh. Thế nhưng, vì cơ địa khá “nhạy” lại tính ngày không kỹ, chị đã để có thai lần 3. Vì 2 lần sinh trước chị đã sinh mổ nên nếu phải sinh mổ lần 3 thì tỷ lệ tai biến rất cao. Mặt khác, đây lại là đứa con ngoài ý muốn của 2 vợ chồng nên anh chị quyết định phá thai. Sau lần phá thai đó, khi chưa kịp đi đặt vòng tránh thai, chị Q.A lại phát hoảng vì cấn thai lần 4. Lần này, 2 người lại quyết định bỏ.

Tình trạng đi phá thai vì “vỡ kế hoạch” như chị Q.A không phải là hiếm. Đi đến phòng khám kế hoạch hóa gia đình của các bệnh viện sản có thể dễ dàng bắt gặp những phụ nữ lớn tuổi đi làm việc bất đắc dĩ này. Một nữ hộ sinh, Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ: “Nhiều người hơn 45 tuổi vẫn đến phá thai mấy lần. Trường hợp như vậy nhiều lắm. Bởi sau khi con cái đề huề, vợ chồng thường không quan tâm đến sức khỏe sinh sản, hệ lụy về sau nên thường…thả cho thoải mái. Khi cấn thai, họ không có nhu cầu có thêm con nên lại phá đi”.

Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y Tế, tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách một trong 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á. Theo thống kê từ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương - hai bệnh viện phụ sản lớn nhất khu vực phía Nam, số lượng phụ nữ đến nạo phá thai những năm qua gần như không giảm.

BS Nguyễn Thị Bích Ty, Phó khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, năm 2016, Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận 27.154 ca phá thai, riêng 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện có 14.159 ca đến bỏ thai. Phá thai ở trẻ vị thành niên chiếm hơn 1.000 ca. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 80 ca đến phá thai.

Ở Bệnh viện Hùng Vương, TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, năm 2016 bệnh viện này có 15.129 ca đến nạo phá thai, trong đó, độ tuổi từ 18-25 có 3.922 ca. 6 tháng đầu năm 2017, 7.143 phụ nữ đến phá thai, độ tuổi từ 18-25 chiếm 1.646 ca. Trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 60-70 ca.

Hướng dẫn thay vì cấm đoán

Không chỉ phá thai, phá đi giọt máu trong cơ thể mình, nhiều người phụ nữ còn nhẫn tâm vứt bỏ đứa con khi mới sinh ra chúng. Vì đó là những đứa con không mong muốn. Thỉnh thoảng, báo chí lại đưa tin phát hiện xác thai nhi trong nhà vệ sinh, trong thùng rác một Cty, khu công nghiệp nào đó. Đó là lý do, GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Ngọc Phượng, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Chủ tịch hội nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM cho rằng nên đi sâu vào đời sống công nhân, học sinh, sinh viên để hiểu và giúp đỡ họ nhiều hơn.

Nhiều năm gắn bó với công việc nhiều năm gắn bó với công việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã chia sẻ: “Tôi cứ ám ảnh câu chuyện của một cô gái 18 tuổi mà chính tay tôi tiếp nhận thời còn làm việc ở Bệnh viện Từ Dũ”. Cô gái ở Hóc Môn, có người yêu và có thai ngoài ý muốn. Sợ cha mẹ biết, cô gái đến một cơ sở phá thai chui và không may xảy ra tai biến. Người phụ nữ phá thai cho cô bé đã đưa cô vào Bệnh viện Từ Dũ bằng xích lô rồi bỏ trốn. Mặc dù đã cố gắng nhưng các bác sĩ không cứu được cô gái nữa. Tối hôm đó, người yêu của cô gái tới bệnh viện nhận xác cô. Cậu thanh niên còn rất trẻ, gương mặt hối lỗi và đầy ám ảnh.

“Trong những lần đi nói chuyện với học sinh, sinh viên, công nhân...về vấn đề giáo dục giới tính, tôi tưởng đó là chủ đề chưa phù hợp với các cháu. Vì nhiều cháu còn rất trẻ, chỉ 15-17 tuổi. Thế nhưng, khi tôi trình bày, các cháu rất lắng nghe và thậm chí đặt nhiều câu hỏi sát sườn Nhất là hỏi kỹ lưỡng về vấn đề ngừa thai, tình dục an toàn...Điều đó chứng tỏ các cháu ít ra nghĩ tới và một số cháu có quan hệ tình dục từ rất sớm”.

Do đó, GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho rằng thay vì cấm đoán các cháu không quan hệ tình dục sớm thì nên chỉ dạy cho các cháu cách tránh thai an toàn, tình dục an toàn: “Vấn đề tuyên truyền các biện pháp tránh thai là cần thiết để mấy chục năm nay, cần rốt ráo làm sao cho xã hội chuyển động. Không hẳn là vì xóa tai tiếng là Quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai top đầu thế giới. Vấn đề là mình ráng để các cháu, những người trẻ đừng để lại hậu quả đau lòng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn