MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thành cổ Nghệ An (phường Đội Cung - TP Vinh). Ảnh: Quang Đại

Quê của những con người Nhân-Trí-Dũng

PHẠM XUÂN DŨNG LDO | 10/08/2020 11:00

Lịch sử cũng có thể coi là một phép đếm và kiểm nghiệm chân lý, nhưng ở một phía khác, nó còn là biên bản ghi nhận những nghịch lý song hành làm nên tính đa diện của bức tranh hiện thực mà xứ Nghệ là một tham chiếu bền lâu.

Sức hút kỳ lạ từ người xứ Nghệ  

Chẳng hạn chúng ta đang ở trong mùa thu nhớ lại năm 1945 với "Tháng Tám không vua" ở Huế. Nhưng thật bất ngờ và lý thú, khi lịch sử cầm tay anh thanh niên Đặng Văn Việt là một trong hai chàng trai của mái trường Thanh niên tiền tuyến Huế kéo cờ quẻ ly xuống, hạ bệ cả triều đại phong kiến trong cuộc tổng khởi nghĩa.

Đền Quả Sơn (xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương), thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang- một trong những ngôi đền linh thiêng nhất xứ Nghệ. Ảnh: Quang Đại

Hành động quả cảm không chút đắn đo đã thức tỉnh bao người như vẫn còn đang mê ngủ và dội một gáo nước lạnh vào những kẻ bảo hoàng hơn vua bởi cứ nuối tiếc vàng son xưa cũ. Vì chưng Đặng Văn Việt là con của một tổng đốc trọng thần, cháu của một Đình nguyên hoàng giáp, một căn cước sáng giá của danh gia vọng tộc nhiều đời nhưng lại đồng tâm, đồng chí với cần lao buộc hoàng đế Bảo Đại thoái vị.

Ông Đặng Văn Việt là người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu của tỉnh Nghệ An. Về sau trong kháng chiến chống Pháp, ông được mệnh danh "Hùm xám đường số 4" khiến đối phương cũng phải ngả mũ, cúi đầu thán phục.

Nói qua một chút để thấy rằng, cho đến bây giờ và có lẽ cả sau này nữa, xứ Nghệ vẫn là một vùng quê có sức hút lạ kỳ rồi cũng còn đó bao nhiêu câu hỏi hóc búa và thú vị chưa phải đã tường minh. Nhưng có thể khẳng định một điều: Kể cả nghịch lý cũng có căn cứ của nó, vì chứa đựng hạt nhân hợp lý và bổ sung cho chân lý lịch sử, cũng là cách minh họa (làm sáng tỏ) đôi điều đang nói.

Mấy năm trước, tôi có dịp theo anh bạn đồng nghiệp VTV Bùi Đức Chung (Đà Nẵng) ra thăm bạn lính hải quân ở Diễn Châu. Đêm hội ngộ của những người từng là lính biển mặn mòi như muối khiến mọi người có mặt như không muốn ngủ. Mà lạ thật, cứ ngỡ làng quê xứ Nghệ nơi đây chắc cũng giống như nhiều nơi trên dải đất miền Trung vất vả, nhọc nhằn, ai ngờ ở quê mà như phố xá; toàn nhà lầu, xe hơi khiến chúng tôi cũng hoa cả mắt.

Đương nhiên không phải nơi nào cũng giống như một số xã ở Diễn Châu, nhưng vượt trội được như vậy để thành làng tỉ phú, xã tỉ phú như Diễn Tháp (Diễn Châu), Đô Thành (Yên Thành)... là một ý chí, nỗ lực làm giàu rất đáng khâm phục của người dân xứ Nghệ. Bà con những nơi này rất mực chịu khó và năng động.

Họ làm ăn trong nước và ra cả nước ngoài, không quản đường xa vạn dặm, miễn sao có thu nhập bằng bàn tay, khối óc của mình, buôn từ đồng nát cho đến những thứ đắt tiền, thượng vàng hạ cám đều không nề hà, miễn là có thể cải thiện đời sống gia đình. Tôi nhớ mình buột miệng nói với Bùi Đức Chung và bạn lính của anh: "Làng quê như thế này thì chắc nhiều người ao ước".

Nói đến Diễn Châu lại nhớ một nghệ sĩ ở đây, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Tôi có biết anh, từng chứng kiến anh đọc thơ ở Huế và ra chơi ở Quảng Trị. Tạp chí Cửa Việt ngày đầu tái lập tỉnh Quảng Trị đã mời anh tham gia ban biên tập và trình bày, minh họa, vì ngoài tài thơ, nhạc, anh còn vẽ tốt với tố chất của một nghệ sĩ tạo hình.

Đóng góp của anh đối với các miền quê, trong đó có Quảng Trị vì một số lý do dù chưa được nhiều người biết đến, cần được nhắc lại như một ân tình với một người xứ Nghệ, một nghệ sĩ tài hoa đã khuất.

Trí tuệ, nghĩa nặng tình sâu

Nói chuyện trải lòng với người khác thì đây cũng là vốn quý của xứ Nghệ. Đôi khi người ta vẫn nghĩ cuộc sống gian khó thì tình người dễ eo hẹp, nhưng kỳ thực chuyện đời rất nhiều câu chuyện lại không phải thế, đó cũng là một nghịch lý nhân văn. Tôi đã từng đến xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương (Nghệ An) để thực chứng một sự lạ.

Hang Bua - lễ hội đặc sắc ở miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Quang Đại

Ông Trần Võ Nhâm, thủ từ nhà thờ họ Trần Võ ở thôn 2, xã Thanh Đồng sau khi mời tôi uống nước đã ôn tồn kể chuyện. Ông bảo: "Anh hỏi nguồn cội họ Trần Võ phải không? Họ Vũ chúng tôi vốn gốc Hải Dương, ngày xưa vào Nghệ, lúc đầu ở Diễn Châu, sau vào Thanh Chương. Các vị tiền hiền đổi thành họ Võ nhưng Võ Hay Vũ cũng đều là một".

Ngừng một chút, nhấp chén trà rồi ông kể tiếp: "Vào đây, lúc đầu họ Võ chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn nhưng nhờ họ Trần Tử gốc ở đây tận tình giúp đỡ như với người ruột thịt. Quá cảm kích ân tình này, họ chúng tôi bèn làm lễ, quyết định cải họ thành Trần Võ, cho đến bây giờ.

Họ chúng tôi khi sinh con trai lấy họ Trần Võ, sinh con gái lấy họ Võ. Nhiều người vẫn đùa chúng tôi là người hai họ. Nói đúng ra chúng tôi không phải cải họ, Võ là gốc gác, Trần là tình nghĩa. Từ xưa đến nay, họ chúng tôi và họ Trần Tử vẫn ăn ở có trước có sau, như bát nước đầy".  

Trong lịch sử, xứ Nghệ nổi tiếng bởi sự nghèo nhưng là sự nghèo hiếu học và học giỏi. Nghèo thì nhiều nơi có nhưng tạo lập được ý chí, học hành thành đạt làm được nhiều điều có ích cho dân, cho nước thì không phải ở đâu cũng có. Thiên hạ đã rất khâm phục và yêu quý những nhân vật thành người, thành tài, thành danh của xứ Nghệ lẫy lừng.

Phương Tây ngày trước có câu ngạn ngữ: "Học trò nghèo ở xóm La Tinh" ngợi ca người có học tuy nghèo nhưng thông thái, câu này xứng đáng dành cho xứ Nghệ nước ta.

Người xứ Nghệ thông minh, hiếu học, cần cù, chịu khó sống nghĩa tình có trước có sau nhưng cũng rất kiên cường, quật khởi. Nếu không làm gì có Xô viết - Nghệ Tĩnh.

Người trí thức, đảng viên Đặng Chánh Kỷ quê ở Nam Đàn đã tiên phong xông xáo, kịp thời sáng tác "Bài ca cách mạng" hùng tráng để cỗ vũ đồng bào chống thực dân, phong kiến, phá bỏ xích xiềng nô lệ: "Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên/Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên/Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi/Không có lẽ ta ngồi chịu chết/ Phải cũng nhau cương quyết một phen/Tổng này xã nọ kết liên/Ta hò, ta hét, thét lên thử nào/Trên gió cả cờ đào phất thẳng/ Dưới đất bằng giấy trắng tung ra/Giữa thành một trận xông pha/Bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng".

Biển xứ Nghệ với phong cảnh, bản sắc văn hóa độc đáo. Ảnh: Quang Đại

Người chiến sĩ yêu nước, giác ngộ cách mạng, phấn khởi tìm thấy được lý tưởng cộng sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc "Người đi tìm hình của nước" (Chế Lan Viên) soi đường cho một Việt Nam. Con đường này tạo nên bước ngoặt lịch sử chưa từng có.

Ông Đặng Chánh Kỷ đã hiến trọn tuổi thanh xuân và sinh mệnh của mình cho độc lập tự do. Ông đã bị giặc bắt và hy sinh oanh liệt trong tù vào năm 1931. Máu đào của những nghĩa sĩ cách mạng như thế đã thấm đỏ từng tấc đất Nghệ An.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám, một chuyến đi được nhà nước Cộng hòa non trẻ tổ chức từ miền Trung ra Hà Nội với các nhân vật đặc biệt, trong đó có Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, người kỹ sư đã thiết kế đập Bara Đô Lương, một công trình thủy lợi ở Nghệ An, về thủ đô gặp mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh để càng gắn bó hơn tình nghĩa keo sơn đặc biệt Việt-Lào.

Đó cũng là viễn kiến của một lãnh tụ nhìn xa trông rộng như Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử của hai cuộc kháng chiến vừa qua và trong hòa bình, đổi mới lại cũng đã minh chứng điều này.

Một Nghệ An luôn đi đầu trong sự nghiệp chống giặc dốt, giặc ngoại xâm thì nhất định sẽ tiếp tục chiến thắng giặc đói nghèo, lạc hậu. Đó là nội lực sâu dày và cũng  là phương lược dài lâu của mảnh đất này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn