MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều bệnh nhân ung thư và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM hạnh phúc và tự hào khi nhắc đến đội tuyển Việt Nam. Ảnh: PV

Quên nỗi đau ung thư, chờ tuyển Việt Nam chiến thắng

K’ LIỆP LDO | 27/01/2018 10:00
Ngày 27.1 diễn ra trận chung kết U23 Châu Á 2018 giữa đội tuyển U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan. Trước trận đấu, hàng triệu người hâm mộ Việt Nam (NHM) háo hức đón chờ 1 kỳ tích: Việt Nam vô địch; trong đó, có cả những bệnh nhân đang nằm điều trị tại các bệnh viện, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư. Đối với họ, bóng đá Việt Nam là “liều thuốc” điều trị tâm lý không thể thiếu.

“Tôi bị ung thư dạ dày, thường xuyên gánh chịu nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng khi Việt Nam thắng Qatar để giành vé vào đá trận chung kết, tôi cảm thấy sung sướng, tự hào lắm. Chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam khiến tôi quên đi đau đớn. Trận chung kết này, tôi sẽ xem và tin rằng, Việt Nam vô địch” - bệnh nhân Trần Văn Canh đang điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM nói.

Mọi đau đớn của bệnh tật dường như thuyên giảm

Ngày 23.1, trước giờ “vàng” trận bán kết gặp đội Qatar, hàng triệu NHM bóng đá Việt Nam trên cả nước có mặt đông nghẹt ở quán cà phê, nhà hàng, nơi làm việc, công viên, trường học…, thì tại nhiều bệnh viện ở TPHCM, nhiều NHM “đặc biệt” đã có mặt, họ cùng nhau ngồi sẵn tại một số điểm có tivi, chuẩn bị xem truyền hình trực tiếp trận đấu. Họ bàn tán, bình luận, cổ vũ khiến không khí “nóng” hẳn lên. Họ là những bệnh nhân, những người đang chịu sự dày vò, đau đớn về thể xác, tinh thần do bệnh tật. Tuy nhiên, nỗi đau ấy đã vơi đi 1 phần khi tinh thần phấn khích, háo hức, hạnh phúc xuất hiện trên khuôn mặt.

Tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM (BVUB), bệnh nhân Lê Công Huấn (quê Thanh Hóa, bị ung thư dạ dày) chia sẻ: “Lúc đội tuyển U23 Việt Nam đá với Qatar, tôi đang nằm trên giường bệnh. Thế nhưng, khi nghe mọi người cổ vũ, tôi đã không kìm được sự háo hức nên rời khỏi giường đi xem. Suốt trận đấu, tôi cảm thấy hồi hộp, mãi khi Việt Nam chiến thắng, cảm giác sung sướng òa về. Chưa bao giờ tôi thấy hạnh phúc như vậy!”.

Theo anh Huấn, trận bán kết đã khiến tâm lý anh thoải mái, mọi đau đớn của bệnh tật dường như thuyên giảm, cảm giác sức khỏe tiến triển tốt. Anh đang háo hức chờ đón trận chung kết sắp tới.

Bệnh nhân Nguyễn Đăng Thảo (bị ung thư hạch) cho biết: “Tại trận bán kết, do sức khỏe yếu nên tôi không thể rời khỏi giường bệnh để theo dõi trực tiếp, nhưng khi nghe bệnh nhân khác và người nhà họ cổ vũ đội Việt Nam, nghe bình luận viên nói… tôi cảm thấy rất vui. Lần đầu tiên, tôi vỡ òa hạnh phúc như vậy. Tôi đang cố ăn thật nhiều, uống thuốc điều đặn theo lời bác sĩ để khỏe hơn. Nhất định trận chung kết sắp tới, tôi phải xem”.

Tại nhiều bệnh viện khác trên địa bàn TPHCM, bệnh nhân cùng các y, bác sĩ, điều dưỡng và người nhà bệnh nhân cũng háo hức không kém khi theo dõi trận bán kết. Thậm chí, có bệnh nhân tay cắm kim truyền dịch vẫn hào hứng cổ vũ các cầu thủ, họ bị trận cầu cuốn hút đến nỗi quên đi nỗi đau của bệnh tật.

Liều thuốc tinh thần “đắt giá”!

Có mặt tại BVUB, chúng tôi ghi nhận, đã 3 ngày sau chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam, nhưng niềm sung sướng, tự hào vẫn hiện diện trên khuôn mặt nhiều bệnh nhân, họ bàn tán xôn xao, nhắc đến cầu thủ Quang Hải, thủ môn Bùi Tiến Dũng, những đường bóng hiểm hóc thót tim, loạt penalty cân não tại trận tứ kết và bán kết. Họ cũng không quên nhắc đến huấn luyện viên người Hàn Quốc đa tài và tinh thần bóng đá quật cường của tuyển U23 Việt Nam …

Những bệnh nhân ung thư tại đây còn không quên hẹn nhau có mặt đúng giờ để theo dõi trận chung kết chiều 27.1. Anh Trần Văn Canh (ngụ Bến Tre, bệnh nhân ung thư dạ dày) cho biết: “Nếu không có Quang Hải, không có thủ môn Tiến Dũng, có lẽ mình đã thua. Tôi xem các cầu thủ đá mà hồi hộp, sung sướng. Lần đầu tiên tôi có cảm giác như vậy. Tôi rất vui và tự hào”.

Một người nhà bệnh nhi ung thư cho biết, anh nằm bệnh viện cùng con đã nhiều năm. Nhưng năm nay không khí ở bệnh viện khác hẳn, tại nhiều phòng bệnh, nhiều người to nhỏ đủ lời khen đội tuyển U23 Việt Nam. Nhiều người bệnh háo hức đến mức dường như họ quên mình bị ung thư…

Bệnh nhân Lê Công Huấn háo hức cho biết: “Hiện tôi cảm thấy rất vui và sức khỏe tốt lên nhiều, trận chung kết ngày 27.1 tôi sẽ xuống sân bệnh viện xem trên máy chiếu màn hình rộng để cổ vũ cho đội tuyển. Việt Nam sẽ vô địch”. Nhiều bệnh nhân khác cùng người nhà, các y bác sĩ, điều dưỡng… tại BVUB cũng háo hức không kém, họ đang chờ 1 kỳ tích: Việt Nam vô địch.

Theo ước tính và thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm, trên toàn cầu có khoảng chục triệu người mới mắc bệnh ung thư và 1 nửa trong số đó chết vì căn bệnh này. Tỉ lệ mắc ung thư ở phần lớn các nước trên thế giới đều có xu hướng tăng cao. Trong đó, Việt Nam là 1 trong những nước được xếp vào top đầu các nước có tỉ lệ mắc bệnh ung thư cao nhất và số trường hợp mắc mới ung thư cũng tăng nhanh. Cụ thể, vào năm 2000, có khoảng 68.000 ca mới mắc bệnh ung thư/năm thì đến năm 2010 con số đó đã tăng lên 126.000/năm và dự kiến sẽ vượt qua con số 190.000 ca/năm vào năm 2020. Hiện nay, tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 115.000 người chết vì ung thư (tức bình quân mỗi ngày có khoảng 315 người chết vì ung thư).

Các bác sĩ tại các bệnh viện ở TPHCM cho biết, nhiều người khi biết mình mắc bệnh ung thư thường hay gục ngã và có suy nghĩ cuộc sống coi như chấm hết. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng, bởi theo các chuyên gia, bác sĩ chữa trị bệnh ung thư thì bệnh nhân có thể khỏi bệnh nếu hiểu rõ về bệnh, phát hiện sớm, tầm soát bệnh kịp thời, và có chiến lược chữa trị đúng cách…

Ngoài ra, việc các bệnh nhân ung thư cần lạc quan, tham gia các hoạt động xã hội để tâm lý thoải mái, có suy nghĩ nghiêm túc trong điều trị... sẽ giúp thuận lợi cho việc điều trị bệnh. Liệu pháp này cũng được sử dùng để điều trị cho các bệnh nhân mắc các căn bệnh khác.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn (Phó Giám đốc BVUB) cho biết, bệnh nhân cảm thấy vui vẻ, sung sướng… khi xem bóng đá sẽ tác động tích cực đến tâm lý, hỗ trợ tốt trong quá trình điều trị bệnh.

“Về mặt khoa học chung, việc tạo tâm lý tích cực cho bệnh nhân rất quan trọng trong vấn đề điều trị ung thư. Khi bệnh nhân có tâm lý tích cực, họ sẽ tuân thủ trong điều trị, tránh trầm cảm và tích cực trong ăn uống, dinh dưỡng tốt để có sức khỏe, kháng sinh tốt và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Đây cũng chính là hoạt động chăm lo tinh thần cho bệnh nhân mà tất cả các bệnh viện đều quan tâm”, bác sĩ Tuấn nói.

Theo bác sĩ Tuấn, trước hiệu quả của việc tạo tâm lý tích cực cho bệnh nhân, nhiều bệnh viện tại TPHCM đã và đang xây dựng đội ngũ chuyên chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân. Phải điều trị toàn diện gánh nặng tâm lý không chỉ riêng bệnh nhân mà cả gia đình… Vì vậy, ngay từ đầu khi bệnh nhân đến khám, điều trị thì phải có bộ phận tư vấn tâm lý để bệnh nhân giải tỏa tâm lý.

Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn khuyến cáo, các bệnh nhân sức khỏe yếu, có vấn đề về tim mạch cần được bác sĩ nhắc nhở, khuyến cáo không nên xem những trận đấu quá hồi hộp, căng thẳng vì nguy cơ tác động xấu đến sức khỏe.

Bóng đá đã mang lại cho bệnh nhân trên khắp cả nước niềm vui sướng, tự hào; bóng đá cũng khích lệ tinh thần họ. Hiện tại một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM, không khí bóng đá đang “sôi sục”. Nhiều tivi, máy chiếu màn hình rộng đã được các bệnh viện lắp đặt để phục vụ những NHM đặc biệt này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn