MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà lưới của ông Bùi Văn Mười (Khánh An, An Phú, An Giang) ngập cỏ dại. Ảnh: Lục Tùng

Rau an toàn không bán được vì… quá sạch !

Nhóm phóng viên LDO | 12/10/2015 10:03
Bữa ăn hàng ngày của mỗi chúng ta, món gì cũng có thể nhiễm độc tố nhưng nghịch lý là trong thực tế, các mô hình sản xuất sạch, an toàn… lại sớm nỏ tối tàn, sản phẩm không bán được vì… quá sạch! 

Không hiệu quả vì… quá sạch!

“Tôi đã xin ra khỏi Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn (RAT) nửa năm nay rồi”, câu nói qua điện thoại của ông Lê Phước Lập, nguyên tổ trưởng Tổ hợp tác RAT xã Mỹ An Hưng B (Lấp Vò – Đồng Tháp) khiến chúng tôi chưng hửng bởi chỉ mới năm trước thôi, ông là “điểm đến” của giới truyền thông và doanh nghiệp kinh doanh RAT bởi sự nhiệt tình với công việc. 

Tổ hợp tác RAT của ông Lê Phước Lập được thành lập vào năm 2014 gồm 3 thành viên tham gia với diện tích 0,68ha. Hoạt động được 6 tháng thì Lê Quang Toàn xin ra khỏi tổ, tròn 1 năm thì đến lượt ông Lập… Giờ thì Tổ hợp tác RAP chỉ còn lại mỗi Đặng Thanh Thống với 0,4ha. Cũng như anh Toàn, ông Lập cho biết lý do xin ra THT RAT là do thiếu lao động tại chỗ…

Nhưng khi tôi đặt vấn đề: “Sao không thuê giá cao để hút lao động từ nơi khác đến?”, thì ông Lập thú thật: “Sản xuất chưa hiệu quả”. Theo lời ông Lập, bình quân mỗi ký RAT bán ra thị trường cao hơn rau thường 4.000đ, nhưng thực chất người trồng chỉ hưởng được 1.000đ vì 3.000đ còn lại là chi phi vận chuyển, bao bì và sơ chế…

“So với công sức, tiền của đầu tư RAT thì mức chênh lệch này không nhiều, thậm chí là quá thấp so với người trồng bình thường”, ông Lập phân tích: “Do đảm bảo thời gian cách ly thuốc BVTV bình quân 15 ngày trước khi bán, nên RAT thường xấu về hình thức và thấp về năng suất. Trong khi đó các mô hình đại trà có thể sử dụng cả thuốc kích thích sinh trưởng nên rau, cải vừa đẹp mắt, vừa có trọng lượng vượt trội”.

Đây cũng là lý do khiến nhiều mô hình sản xuất nông sản sạch ở nhiều tỉnh ĐBSCL bị teo tóp sau thời gian ngắn ra đời, hoặc chỉ dừng lại ở mức độ…“trình diễn”.

Phó chủ tịch AFA Lê Chí Bình cho biết: An Giang có 2 cơ sở nuôi cá tra GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) với khoảng 40ha, nhưng nhiều năm qua diện tích này không tăng thêm vì đầu tư tốn kém mà giá bán ngang ngửa với cá nuôi bình thường”.

Con ông Lâm Văn Triệu (An Phú - An Giang) thu gom phần còn lại của ngôi nhà lưới trồng rau an toàn. Ảnh: Lục Tùng 

Thậm chí có trường hợp vì đeo đuổi sản xuất “sạch” mà nông dân “sạch túi” như ông Lâm Văn Triệu, ấp An Khánh, xã Khánh An (An Phú – An Giang). Sau khi được giới thiệu về tính vượt trội của mô hình RAT, năm 2013, ông Triệu hăm hở vay tiền làm nhà lưới trên 0,3 ha đất với hy vọng sẽ đổi đời.

Nhưng chỉ sau 2 năm, xác nhà lưới hỏng, kinh tế gia đình lại đi xuống. “Anh Triệu phải bán 5/6 con bò đang nuôi để trả tiền nhà lưới”, ông Huỳnh Văn Trạo – phó trưởng ấp An Khánh - xác nhận: “Do chỉ bán được bằng giá rau cải bình thường lại gặp phải thời điểm giá rau cải thấp nên không có tích lũy”.

Nhờ tận dụng được vật liệu cũ giá rẻ và công nhà nên chưa lâm nợ như ông Triệu, nhưng chỉ sau 1 năm dựng lên 3 nhà lưới trên 3 công đất (3.000m2) ông Bùi Văn Mười (ấp An Khánh) đã dẹp bớt 1 nhà lưới. “Thị trường cần nhiều thứ rau, nhưng nhà lưới chỉ phù hợp với cây cải”, ông Mười cho biết thêm: “Xài hết xác nhà lưới này, tôi trở lại trồng rau bình thường để chủ động loại rau đáp ứng nhu cầu luôn biến động của thị trường”.

“Sạch” cũng nhiễm… “dơ”

Trái với một số ý kiến cho rằng RAT “thụt lùi” là do thiếu vốn và người tiêu dùng chưa mặn với sản xuất “sạch”, thực tế cho thấy,  ngay cả khi chi xài cả “núi tiền”, RAT vẫn tự đánh mất niềm tin người tiêu dùng. Tại Đồng Tháp, người tham gia trồng RAT được ưu đãi đặc biệt. “Ngoài nhà lưới, giống… với mức bình quân 16-18 triệu đồng/hộ có quy mô 0,2 ha trở lên, THT RAT Mỹ An Hưng B còn được hỗ trợ thêm máy làm đất”, ông Lập xác nhận.

Thực tế ĐBSCL còn cho thấy, chính lối xây dựng chính sách phát triển nông sản “sạch” thiếu “lương thiện” đã dồn đẩy cả chuỗi hàng này vào thế chân tường. Đó không chỉ là việc dựng lên các vùng nguyên liệu hẻo lánh, thiếu đường giao thông thuận tiện, hệ thống tưới an toàn… mà còn là chuyện bỏ mặc nông dân “sống chết mặc bây”. “Do diện tích quá nhỏ nên sau khi gieo trồng được 3-5 loại rau là hết đất. Đợi tháng sau thu hoạch xong mới xuống giống trở lại.

Điều này không chỉ làm khó nông dân mà còn làm khó cho người tiêu thụ”, ông Lập chia sẻ: “Doanh nghiệp không có hàng thường xuyên, còn đất không được nghỉ ngơi, tiêu tốn thêm phân bón mà cây vẫn khó tươi tốt như bên ngoài”.

Tuy nhiên điều khiến dư luận xã hội lo hơn là chính điều này đã châm ngòi dấy “bẩn” ngay vùng trồng nông sản an toàn. “Năm 2014, kiểm tra 5 mẫu rau tại 5 vùng sản xuất RAT tập trung như Hồng Ngự, Lấp Vò, Châu Thành, Thanh Bình và TP. Sa Đéc thì cả 5 mẫu đều nhiễm vi sinh vật gây bệnh (Coliform), Nitrate và E.coli”, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp xác nhận. 

Đáng nói là không chỉ các mô hình sản xuất sạch, an toàn… với tiêu chuẩn trong nước mà cả lúa hữu cơ trồng theo chuẩn Global GAP (thực hành tốt toàn cầu) của ITA-RICE (Long An) có đẳng cấp quốc tế cũng gặp khó trong khâu tiêu thụ. Một vị lãnh đạo ITA- RICE hé lộ bí mật đầy cay đắng: “Dù đầu tư hàng tỷ đồng cho quy trình khép kín từ ruộng đến bàn ăn, nhưng liên tiếp 3 năm qua công ty đều thua lỗ”.
 Ruộng dưa leo xanh mướt, lá và đươm đầy bông vàng... của người trồng theo mô hình đại trà, điều mà các cây trồng nhà lưới không có được. Ảnh: Lục Tùng

Thậm chí, trong trường hợp được khách hàng quốc tế đón nhận với giá đắt, nhưng chúng ta vẫn chưa thể xắt thành miếng thậm chí còn đứng bên bờ vực bế tắt. “Nhiều nhà nhập khẩu uy tín nước ngoài điện thoại, gởi Email đến đặt mua gạo hữu cơ Hoa Sữa với số lượng lớn và tất nhiên là giá rất cao, nhưng gần như tôi đều từ chối vì không thiếu “lực” đáp ứng”, ông Võ Minh Khải, Giám đốc Cty Viễn Phú (Cà Mau) chia sẻ.

Điều này không chỉ đánh mất cơ hội mở rộng tên tuổi gạo Việt Nam tại các thị trường cao cấp, mà còn dồn đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn. “Bởi một khi bị từ chối, các nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ tìm kiếm nhà cung cấp mới. Điều này cũng đồng nghĩa, chúng ta đã tự khép lại cánh cửa đầu ra, tự làm yếu mình trước khi đón nhận sự cạnh tranh khốc liệt từ thương trường xuất khẩu”, GS.TS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ không kìm được bức xúc trước thân phận bèo bọt của mặt hàng gạo hữu cơ đẳng cấp quốc tế duy nhất của Việt Nam.

Nghịch lý hơn là trong lúc “rộng đường” cho những mô hình trồng “mù”, bán “mờ”, thì lại rất “cứng” với mô hình đã được thị trường quốc tế chấp nhận. “Phải từ chối cung cấp gạo nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài, rất tiếc, nhưng không thể làm khác hơn vì chúng tôi gặp khó”, ông Võ Minh Khải thật lòng. Được biết sau khi bị “vướng” Nghị định 09/2010/NĐ-CP (vốn để quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo đại trà), Viễn Phú “gõ cửa” nhiều cơ quan xem xét loại hình đặc thù thì được cấp phép tạm thời đến 2015. Sau đó sẽ ra sao? Đến nay ông Khải cũng mù tịt.

Tuy nhiên, điều khiến ông Khải bức xúc hơn là không tiếp cận được vốn: “Theo các quy định hiện hành, Viễn Phú thuộc diện ưu đãi đầu tư, nhưng 5 năm qua dù rất khát vốn để cải tạo hạ tầng mở rộng quy mô sản xuất, nhưng không hiểu sao ngân hàng luôn tìm cách từ chối xem xét đề nghị của chúng tôi”, ông Khải bức xúc.

 Cận cảnh trái dưa leo non mơn mởn tại rẫy trồng theo phương pháp đại trà. Ảnh: Lục Tùng

Cần tập trung giải quyết 2 điểm “nghẽn”

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thuỷ sản - Bộ NNPTNT cho biết: Để các mô hình hình sảm xuất an toàn, sạch… sống được và các mô hình sản xuất bẩn tiêu tan, chúng ta phải giải quyết vấn đề mang tính tổng thể, trong đó cần tập trung vào 2 điểm "nghẽn": Thứ nhất, cần nhìn thấy mục tiêu của nhà sản xuất kinh doanh là lợi nhuận, từ đó hỗ trợ họ bằng các chính sách phù hợp, sát thực tiễn, ứng dụng phù hợp với lợi ích sát sườn của nông dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh.

Trong đó, cần có sự tham gia đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành như: Ngân hàng, y tế, công thương... Vấn đề ở đây không chỉ phải dừng lại ở xử phạt, tước giấy phép, mà cốt lõi là phải tạo điều kiện để người sản xuất, kinh doanh có thể sản xuất được những sản phẩm sạch, an toàn và có được đầu ra, có lợi nhuận. Chúng ta không thể hô hào suông người sản xuất kinh doanh phải đưa ra thị trường những sản phẩm đạt tiêu chuẩn nhưng chính doanh nghiệp lại thua lỗ. Vì nếu thua lỗ, sẽ không ai làm.

Vấn đề thứ hai, là sau khi xác định được vấn đề cốt lõi đó, chúng ta tạo điều kiện để người sản xuất, kinh doanh nông sản có thể yên tâm sản xuất theo quy định, không lo lắng vấn đề "đầu ra" và không bị thua lỗ.

 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn