MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vợ chồng Đinh Zit và Ksor H’veo

Rổ rá ráp lại và chuyện tình đẹp ứa nước mắt của hai bệnh nhân phong bị gia đình ruồng bỏ

Xuân Nhàn LDO | 13/07/2015 17:00
Một chuyện tình, chuyện đời cảm động và đẹp đến ứa nước mắt của hai bệnh nhân phong bị gia đình, người thân ruồng bỏ ở Trại phong Quy Hòa một lần nữa minh chứng: Hạnh phúc lắm khi thật giản đơn và lạ lùng đến nỗi nó thừa khả năng đề kháng đói nghèo, éo le, tật bệnh. Hạnh phúc đôi khi chỉ cần một tấm lòng, chỉ cần biết nhớ thương nhau, biết vị tha, buông bỏ...

Đinh Zit đẩy chiếc xe ba bánh từ nhà ra nghĩa địa. Trên xe lỉnh lỉnh dao rựa, chổi xương, cuốc xẻng. Dáng Zit ngả nghiêng, thập thững, chốc chốc anh lại như “đứng hình”, nhăn mặt. Chiếc xe thành điểm tựa đồng hành suốt cơn đau. Rồi anh bặm môi bước tiếp. Bàn tay cong queo, sứt sẹo. Đôi chân bị gặm nhấm hao mòn.

Ba năm rồi, nắng cũng như mưa, ở nghĩa địa Quy Hòa (Bình Định), nơi khép lại số kiếp khốn cùng, bất hạnh của hàng ngàn bệnh nhân phong, không hình ảnh nào lặng lẽ, nhẫn nại và thân thuộc như của Đinh Zit.

Zit được Hội đồng Bệnh nhân Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa thuê giữ vệ sinh, quét lá, tưới cây, nhổ cỏ cho những mộ phần riêng và chung, có tên hay không tên. Trước, mỗi ngày anh được trả 20.000 đồng, gần đây tiền công tăng thêm 3.000 đồng nữa.

Zit nói, hơn chuyện công sá, anh vui với công việc làm chiếc cầu nối giữa sống và chết; giữa thân nhân người vắn số với phần máu mủ bạc phước của họ. “Tôi còn thấy tôi của ngày sau nằm xuống, thấy vợ con, bạn bè...”.

 
Đinh Zít với công việc mỗi ngày  

Bị chị, mẹ ruột đuổi ra khỏi nhà…

Zit, sinh năm 1978 tại làng Đak Hre, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, Gia Lai. Cho đến khi phát hiện ra căn bệnh quái ác, cuộc sống người trai làng Ba Na vẫn diễn ra êm ả. Ở Đak Trôi, Zit kịp có cho mình một gia đình nhỏ. Đứa con trai mới 8 tháng tuổi buộc phải chứng kiến cuộc chia lìa buồn tủi của cha mẹ nó.

“Vợ mình làm hung lắm. Sợ bệnh lây sang đứa con, nó không nhận nuôi luôn. Thằng bé phải gửi cho bà chị trên làng- Zit kể về quãng đời ngập tràn cay đắng – Hồi đó, đâu ai biết là bệnh phong. Thầy cúng rước về cứ phán bị ma làm, bị Giàng phạt. Cúng miết, 2 năm một lần, mỗi lần một con trâu; heo, gà không tính. Giết tới con trâu thứ 3, tà ma chẳng những không đuổi nổi mà bệnh mỗi ngày một nặng thêm; tiền bạc, của cải trôi sông trôi suối hết”.

Zit đột nhiên chuyển hướng: “Mình còn đỡ. Con đây mới tệ”. “Con đây” tức Ksor H’veo, người đàn bà đầu gối tay ấp của anh. H’veo, dân tộc Jrai, ở làng Du, xã Chư Răng, huyện Ia Pa, Gia Lai. H’veo cho biết chị không muốn nhắc chuyện cũ chút nào, rằng đó là “ngày tháng đáng phải quên đi” nhưng rồi âu yếm dõi theo nỗi niềm “ông chồng lớn hơn 8 tuổi”, cô nhập cuộc lúc nào không hay: “Ông già mất sớm, lúc H’veo còn trong bụng mẹ. Cũng không nhớ mình mắc bệnh từ bao giờ. Chính mẹ, chị ruột chứ không ai khác đã đành đoạn hắt hủi mình. Bả... ác lắm. Ngày nào mình cũng bị đánh. Đi đứng nặng nhọc, khó khăn, đánh. Nhặt không đủ 2 gùi phân bò cũng bị đánh”.

 
Bữa canh rau rừng "tẩm bổ chồng con"  

H’veo quá thơ dại để khắc ghi cái ngày cô giọt ngắn giọt dài bấm bụng ra đi. Chỉ nhớ hôm đó có hội làng. Túm chặt tay bà xơ tốt bụng từ Phú Thiện tìm lên, cô cắn răng lầm lũi bước. Ra tới bến sông, người mẹ lạt lòng còn sấp ngửa chạy theo, dặn với: “Cho nó đi luôn đi, đừng bao giờ về nữa. Phải làm cho nó quên con đường này, quên cái làng này”. Năm 1999, lần đầu tiên được gửi xuống Quy Hòa, H’veo tự nhủ, đây chính là nơi chốn bấy lâu từng ao ước.

Số phận chưa thôi trớ trêu khi đẩy cô vào tình cảnh một bà mẹ đơn thân nơi đất khách quê người. “Nó (chỉ mối tình đầu) ở Đức Cơ, người dân tộc như mình. Hai đứa gặp nhau khi nó xuống thăm chị ruột. Nó chắc chẳng xấu gì, chỉ vì gia đình cản trở. Khi mình bụng mang dạ chửa, nó bỏ đi luôn...

Đính hôn bằng… nhẫn giả

Một ngày, Zit gặp H’veo. Zit: “Năm 2006, một người quen bên Chư Sê đưa mình xuống đây. Anh ấy từng điều trị tại Quy Hòa nên rành đường đi nước bước. Từ đó, mỗi khi đau nhức chịu không nổi, mình lại xuống núi. Một lần, hai lần; tới 2012 thì xuống hẳn. Đầu đuôi là do “nó”.

H’veo: “Mới đầu không có thương. “Gai tinh” là khác. Chê qua chê lại hoài. Lần thứ hai ổng xuống, cũng chỉ là bạn bè thôi. Một bữa, cả nhóm ra suối bắt cá, H’veo bị ong chích vào đầu. "Đau quá, ổng chở mình về bằng xe đạp. Giữa đường té xe, cả hai lăn cù cù xuống dốc. Đã định la lên cho bõ tức, nhưng nhìn ổng lấm lem bơ phờ, lại không nỡ. Chừng ổng về Mang Yang, mình mới bắt đầu nhớ thương da diết".

Người Jrai bắt chồng theo truyền thống mẫu hệ. Đứa con bị gia đình, dòng tộc chối bỏ từ tuổi lên 10 là Ksor H’veo hãy còn nguyên dòng máu nguồn cội. Mượn điện thoại Zit... nghe nhạc, H’veo âm thầm lấy số trước khi gửi dòng tin nhắn thẳng thừng: “Em muốn làm bạn gái anh, có được không?”. Cô không phải chờ lâu: “Được chớ”.

Lần gặp gần nhất, mẩu đối thoại trên “biến tấu” như sau: “Thương tui thiệt không vậy?”. “Thương chớ”. Ngày ra nhà thờ làm lễ thánh, gia đình hai bên không có mặt, cô dâu, chú rể tự lo. Cũng chẳng có gì để lo. Không tiệc tùng, không nhẫn cưới. Chỉ khi cha chủ lễ hỏi tới, “đương sự” mới ngã ngửa nhìn nhau. Vừa may, có người giúp 8.000 đồng, ra hàng quán mua 2 chiếc nhẫn đồ chơi. Họ đính ước với nhau, ký thác cuộc đời cho nhau, khởi động con đường hạnh phúc bên nhau bằng món kỷ vật “dỏm òm” như thế. Hai chiếc nhẫn giả nay hãy còn lấp lánh trên tay.

Gia đình 4 miệng ăn (thành viên nhỏ nhất là bé trai Ksor Guillơ 19 tháng tuổi đang vắt vẻo ngủ ngon lành trong lòng mẹ kia) ngoài nguồn chăm sóc nghĩa trang của Zit là khoản trợ cấp 400.000 – 500.000 cho hai trường hợp thương tật loại 3.

Thiếu thốn, gieo neo là điều không cần bàn cãi. H’veo nói tụi nhỏ đau ốm luôn, nợ nần trả hoài không dứt, “tới giờ còn nợ 3 triệu đồng”. Nhưng thật kỳ lạ, trong ngôi nhà cũ kỹ, ẩm thấp ở làng phong, tôi chỉ thấy bầu không khí rộn ràng hạnh phúc. Tiếng thằng bé trở mình ọ ẹ, tiếng cặp vợ chồng trêu chọc lẫn nhau.

Zít vừa giãi bày rằng anh đã thực sự hòa nhập, không còn mặc cảm, khép kín bởi nỗi lo sợ kỳ thị, xa lánh, ngôn ngữ bất đồng, đã nghe “đốp chát” dỗi hờn từ người phụ nữ: “Bạn đời, bạn nhậu ổng đó, thiếu gì!”.

Nhờ Zit dẫn đường lên nghĩa địa, anh chàng tỏ ra bối rối, dẫu đề nghị của tôi được người vợ khuyến khích. “Còn xuống bếp lấy cơm cho mẹ con em chớ”, anh nói với H’veo mà cũng để đả thông cho tôi cái hành động trùng trình, nấn ná. Hai cuộc đời nhàu nát, ê chề, sứt mẻ, muộn màng phát hiện ra nhau, họ đang cuống quýt với thời gian để chăm chút cho nhau, để bù đắp, vá víu, giành giật lại những gì đã mất.

“Lâu lâu, có việc trên quê, ổng về Mang Yang là dưới này mất ăn mất ngủ. Túng thiếu cỡ nào cũng chịu, chớ đừng bắt tui xa ổng. Sợ mất ổng thiệt tình”- đôi tay băng bó trồi thụt của H’veo chậm chạp gỡ từng lá khổ qua rừng, cô bảo, sẽ nấu với mớ cá vụn “tẩm bổ mấy cha con ổng”.

Hạnh phúc là tha thứ

Vết thương thể xác đã lành, chấn thương trong họ cũng tới ngày liền sẹo. Người vợ cũ của Zít sau rất nhiều dằn vặt, đã quay đầu ăn năn. Zít nói, anh cũng chẳng hơi đâu ôm giữ oán hận trong lòng, nhất là bây giờ, đã có một cộng đồng yêu thương, chia sớt, có H’veo, có Ksor Guillơ.

Điều duy nhất anh làm được để ruột gan nhẹ nhàng, thanh thản là cho đứa con trở về bên mẹ nó. Đứa bé vẫn siêng tới lui hai nhà nội ngoại như là sợi dây chắp nối giữa hiện tại với quá khứ. Mẹ nó cũng vui.

 
Nghĩa địa trai phong Quy Hòa

Chuyện của H’veo khó khăn hơn. “Tui đã quên lối về, quên ngôi làng ấy, quên cái bến sông ngày đi không ai trì níu. Tui cũng muốn quên luôn “bả” cho rồi. Nhưng càng sống nhiều càng bứt rứt. Ai bỏ thì bỏ, chớ tui không bỏ mẹ, bỏ chị tôi được. Huống chi “bả” đã đổi thay, đã nhìn lại con và cháu ngoại”.

H’veo kể, ngay cú điện thoại đầu tiên gọi xuống từ làng Du, cô đã dắt con quày quả quay về. Tính tới nay, đã 2 chuyến đi – về như vậy. “Nhưng không ở lâu, Quy Hòa và cái gian nhà này đã là cơm ăn nước uống của mình rồi. Hễ bước chân ra là cồn cào không chịu nổi”.

Chợt nghĩ, hạnh phúc lắm khi thật giản đơn. Lạ lùng đến nỗi nó thừa khả năng đề kháng đói nghèo, éo le, tật bệnh; chỉ cần một tấm lòng, chỉ cần biết nhớ thương nhau, biết vị tha, buông bỏ...

 
 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn