MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gạo hữu cơ đen Viễn Phú - một trong những ví dụ về sản xuất càng sạch càng... bầm dập.

Sản xuất càng sạch càng bị... bầm dập

NHÓM PHÓNG VIÊN LDO | 10/10/2015 13:13
Thông tin dồn dập nông sản bị nhiễm “độc” là nguyên nhân gây ra sự bùng nổ các bệnh nan y, đã dấy lên nỗi lo lắng, bất an trong toàn xã hội. Thế nhưng trên thực tế những mô hình sản xuất sạch vẫn rất khó khăn. Thậm chí sản xuất càng sạch càng bị... bầm dập!

Những mô hình tiên phong

Có một thực tế đáng ghi nhận là ĐBSCL là “thủ phủ” của nền sản xuất lúa gạo năng suất cao, và cũng chính là nơi xuất phát nhiều mô hình sản xuất sạch đầu tiên của cả nước. Năm 2008-2009, xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) trở thành tâm điểm của cả nước khi xây dựng được vùng sản xuất lúa gạo đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường khoảng 20%. Năm 2011, Cty CP đầu tư nghiên cứu và xuất khẩu gạo thơm ITA RICE đã hợp đồng với nông dân ấp 1, xã Mỹ Thạnh Đông (Đức Huệ - Long An) sản xuất 76ha lúa “sạch” và năm 2012, sản phẩm gạo này được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP và đây cũng là đơn vị đầu tiên đạt 61 chứng chỉ về ATVSTP xuất sang thị trường Nhật Bản.

Còn ở An Giang, bắt đầu từ năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn (NC-PTNT)- Đại học An Giang - bắt tay hỗ trợ nông dân tại hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp “hồi sinh” cây lúa mùa nổi (Floating Rice) với gần 200ha. Đây là giống lúa đặc sản sạch và an toàn được gieo trồng theo phương thức tự nhiên: Chủ yếu dựa vào phù sa trong mùa lũ để phát triển, không sử dụng bất kỳ loại phân bón thuốc BVTV nào nên năng suất rất thấp: 1,5-2 tấn/ha.

Năm 2008, ông Võ Minh Khải (TPHCM) lại lầm lũi vào rừng U Minh Hạ (xã Khánh An, huyện U Minh- Cà Mau) lập Cty CP thương mại và sản xuất Viễn Phú (Viễn Phú) trồng “lúa sạch”. Sau khi bán căn nhà tại trung tâm Sài thành rồi vét vốn liếng đổ 3 triệu USD đầu tư kết cấu hạ tầng và nghiên cứu, năm 2012, sản phẩm gạo Hoa Sữa (Hoasuafoods) của Viễn Phú được tổ chức Control Union (Hà Lan) chứng nhận là thực phẩm đạt chuẩn chất lượng hữu cơ của Mỹ và Châu Âu.

Quý hiếm nhưng hiếm được… quý

Đáng nói là trong lúc “người ngoài” đánh giá cao thì những “người trong cuộc” lại dửng dưng. Sau khi bỏ tiền tự lai tạo giống, phân tích dinh dưỡng, đóng gói trong bọc hút chân không, gạo “Ngọc đỏ hương dứa” được người tiêu dùng đón nhận. Mới đây một doanh nghiệp từ Anh tìm đến đặt hàng và dù rất thích nhưng ông Dũng vẫn không dám nhận lời. Mọi chuyện bắt nguồn từ chuyện giống lúa này chưa được cơ quan chức năng “công nhận”. “Chi phí vài trăm triệu cũng là một trở ngại đối với một nông dân, nhưng trở ngại lớn hơn chính là thiếu cơ sở để tạo sự an tâm”, ThS Nguyễn Phước Tuyên (Sở NNPTNT Đồng Tháp) chia sẻ: “Một trong những tiêu chí để được công nhận là giống lúa phải được trồng khảo nghiệm tại 12 tỉnh trong 2 năm liên tiếp. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều nông dân đã bị mất bản quyền trước khi được công nhận”.

Thậm chí, ở ĐBSCL còn tồn tại nghịch lý đáng lo: Gạo càng “sạch” thì càng bị… bầm dập. Được đóng gói, hút chân không và đóng nhãn mác đẹp mắt, gạo hữu cơ mang thương hiệu Hoasuafoods được xuất khẩu với giá bán rất cao 3-8 lần so mặt bằng gạo Việt Nam. Đắt, nhưng Viễn Phú chưa xắt ra được nhiều miếng. “Chúng tôi gần như bị đóng cửa với việc vay vốn”, ông Khải bức xúc. Thậm chí năm 2014, ông Khải còn suýt bị “đóng cửa” với gạo hữu cơ do Viễn Phú không được cấp phép xuất khẩu trực tiếp (vì không đáp ứng diện tích và công suất theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP chủ yếu áp dụng cho lúa-gạo đại trà như: Kho chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ) nên phải qua ủy thác. Điều này không được phía đối tác của Viễn Phú chấp nhận. Phải đến khi lãnh đạo tỉnh Cà Mau nhiều lần kiến nghị, xin cơ chế đặc thù đối với xuất khẩu mặt hàng gạo hữu cơ, Viễn Phú mới “thoát nạn”.

Thay áo mới để đi và tới…

Những ngày đi khắp ĐBSCL để thực hiện loạt bài này, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước nghịch lý: Cả xã hội đang sợ gạo bẩn và ai cũng bày tỏ nhu cầu bức xúc về gạo sạch, nhưng gần như cả xã hội lại đang “quay lưng” với gạo sạch. Được xác nhận là doanh nghiệp duy nhất trong nước có chứng nhận gạo hữu cơ, nhưng đến nay Viễn Phú chỉ mới tiêu thụ gạo Hoa Sữa được 10% tại thị trường nội địa. Còn lãnh đạo của ITA RICE cũng xác nhận, việc tiêu thụ gạo GlobalGAP tại các siêu thị chưa nhiều, lượng tồn kho lớn.

Trong khi đó, nhiều nông dân trồng lúa mùa nổi đặc sản ở An Giang cũng thấp thỏm đầu ra. Sau nhiều năm chỉ bán với giá nhỉnh hơn lúa thường vài trăm đồng/kg, đến năm 2013, với sự tác động của Trung tâm NC-PTNT (ĐH An Giang) lần đầu tiên lúa mùa nổi bán lẻ ngay sau khi thu hoạch với giá 14.000đ/kg. Để lấy đà cho chiến lược mở rộng diện tích trong tương lai, năm 2014 An Giang kết nối Cty CP nông trại sinh thái- Ecofarm (Phú Quốc) hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên chỉ sau một lần giao dịch Ecofarm đã “rút lui”. Sau đó ngành chức năng của An Giang tích cực tạo “kết nối” mới, nhưng dường như vẫn chưa nhận được tín hiệu khả quan.

Vì sao lúa - gạo sạch vẫn phát triển ỳ ạch? Thực tế giá lúa gạo “sạch” đang được bán với giá cao hơn bình thường ở mức 10.000, thậm chí 100.000 đồng/kg, nhưng theo nhiều chuyên gia, vấn đề nằm ở chỗ người tiêu dùng bị mất niềm tin khi khái niệm gạo an toàn, gạo sạch đã và đang bị lạm dụng. Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, một số cơ sở, doanh nghiệp đã tự gắn “mác” gạo sạch, gạo an toàn để thu lợi bất chính. Thậm chí dù cả nước chỉ có 1 doanh nghiệp có chứng nhận gạo hữu cơ nhưng trên thị trường đang bày bán hàng chục thương hiệu gạo này. Ngay cả An Giang, địa phương có “thâm niên” trồng lúa năng suất cao trong đê bao cũng có doanh nghiệp rao bán gạo hữu cơ sản xuất tại chỗ.

Sau khi được đồng nghiệp địa phương “mách nước” địa điểm trồng gạo này, chúng tôi đến Phòng NNPTNT Châu Phú để tìm hiểu, nhưng nơi đây tỏ ra rất bất ngờ và khẳng định: Chưa từng biết chuyện có gạo hữu cơ sản xuất trên địa bàn. Sau nhiều kết nối, tôi gặp được anh Phạm H. L, ấp Bình Hưng (Bình Long - Châu Phú) chủ đám ruộng liên kết với cơ sở bán gạo hữu cơ. Khi mới tiếp xúc, anh L cho biết chỉ sử dụng toàn phân, thuốc sinh học, nhưng khi cán bộ BVTV huyện hỏi tên thuốc trị bệnh khi lúa bị sâu, bù lạch, anh cho là là “Regent” và giải thích đây là thuốc có nguồn gốc sinh học. Nghe đến đây, vị cán bộ lắc đầu ngao ngán rồi nói nhỏ vào tai tôi: “Đó là hóa chất, không phải sinh học gì hết”.

Vì sao có tình trạng này? “Do thiếu chiếc áo quản lý đúng cỡ”, ThS Tuyên nhấn mạnh: Đến nay, chúng ta chưa có quy chuẩn về lúa - gạo hữu cơ nên chưa kiểm soát được vấn đề. Trong khi đó quy trình thực hiện các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hiện nay chưa tạo được niềm tin người tiêu dùng trong nước và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng nước ngoài”. Vì vậy theo ThS Tuyên, để gạo sạch Việt Nam vượt qua cái “dớp” ỳ ạch như hiện nay, cần một cuộc cách mạng toàn diện, trong đó phải bắt đầu từ việc thay đổi chiếc áo quản lý!

 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn