MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà

Sau lũ, Đoàn Kết lại đứng lên

NGUYỄN HÀ - PHẠM DUNG LDO | 22/10/2017 06:34
Vừa kết thúc chuyến công tác tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình - nơi xảy ra sạt lở khiến 18 người bị vùi sâu trong đống đổ nát chưa lâu, nhóm phóng viên chúng tôi có dịp quay trở lại vùng lũ Hòa Bình. 

Lần này là xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc, nơi bị thiệt hại nặng nề. Và điều chúng tôi cảm nhận, đúng như tên xã, dù vẫn còn ngổn ngang, người Đoàn Kết vẫn đồng lòng, vẫn biết cách nắm tay nhau cùng đứng lên…

Vị khách đặc biệt

Lần này, chuyến đi có một vị khách đặc biệt: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà.

Từ TP.Hòa Bình lên Đà Bắc, đoàn công tác của Bộ trưởng phải đi qua những con đường chênh vênh đất đá, mặt đường sụt lún và những dấu hiệu sạt lở vẫn còn vẹn nguyên. 50km từ thành phố tới huyện Đà Bắc nhưng đoàn xe phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới vượt được qua.

Qua cửa kính xe, chúng tôi thấy những thanh niên nghỉ ngơi sau chuỗi ngày mệt mỏi góp sức dọn dẹp, khắc phục hậu quả cho thôn xóm. Thấy những trẻ nhỏ thì lang thang trong khu chợ Đà Bắc vắng người bán kẻ mua. Sau trận lũ kinh hoàng, chợ vẫn đìu hiu!

Hiện trường ở xã Đoàn Kết sau trận lũ lịch sử.

Làm việc nhanh với lãnh đạo huyện Đà Bắc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, trong bối cảnh mưa lũ diễn ra phức tạp như hiện nay thì bố trí dân cư là vấn đề lâu dài, sự cố sạt lở diễn ra tại Đà Bắc chứng tỏ cấu trúc đất ở đây đang dần kém đi nên cần có phương án khắc phục lâu dài.

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ TNMT, lãnh đạo huyện Đà Bắc cho biết, trận mưa lớn trên diện rộng từ ngày 9 đến ngày 11.10 trên địa bàn huyện đã gây ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Theo thống kê sau lũ, toàn huyện có 6 người thiệt mạng, 5 người mất tích, 8 người bị thương, 50 nhà dân bị sập hoàn toàn và bị lũ cuốn trôi.

Hiện nay, tại các xã Đồng Ruộng, Vầy Nưa, Yên Hòa, Suối Nánh, Mường Chiềng, Tiền Phong, Cao Sơn, Mường Tuổng, Đồng Chum, Toàn Sơn, Tu Lý, Giáp Đắt, Trung Thành, Đồng Nghê, Đoàn Kết có 345 hộ dân cần di rời khẩn cấp do hiện tượng đồi trên phía sau nhà bị nứt, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây mất an toàn.

Nắm bắt tình hình, Bộ trưởng dẫn đầu đoàn công tác chúng tôi đến xóm Kìa, xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc - một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề sau trận lũ quét kinh hoàng. Khó khăn lắm đoàn xe mới có thể di chuyển qua được con đường gần như đã nứt toác, sụt lún để đến được với nơi mà người dân đang hứng chịu muôn vàn khó khăn.

“8 tiếng mới lên tới bệnh viện, mẹ em mất rồi”

Gần hai tuần sau trận lũ quét, sạt lở đất, con đường 500m tại xóm Kìa, xã Yên Hòa vẫn ngổn ngang. Từng vệt đứt gãy lớn vẫn chưa được khắc phục, giao thông hoàn toàn bị chia cắt. Giữa những con đường sụt sâu đến 1m là những mảng vỡ của mái nhà, là cột biển báo giao thông nằm ngổn ngang giữa đống đổ nát chưa được dựng lại, là những chiếc cầu tạm bắc ngang cho dân lấy lối lại qua, là cả những cái nhìn ảm đạm của người lớn, trẻ nhỏ nơi đây.

Trước đó, đêm mùng 9, rạng sáng 10.10, một trận lũ quét lớn đã xảy ra tại đây. Mưa lớn khiến cho lưu lượng nước lên cao, lũ dữ dội, tràn qua kè, tạo thành dòng lớn “như thác lũ” đổ ập xuống con đường. Sau trận lũ quét kinh hoàng vào rạng sáng mùng 10, đoạn đường đất bị chia cắt đôi bờ, dân của xã Đồng Ruộng không thể đi qua bên xã Đoàn Kết, các em học sinh cũng không thể đi học được.

Vượt qua những con đường ngổn ngang đất đá, chúng tôi đến gia đình em Vũ Thị Tố Uyên, trong trận lũ giữ vừa qua, mẹ em đã không may thiệt mạng. Hai chiếc khăn tang trắng trên đầu, Uyên cùng chị gái mình thẫn thờ trước những nỗi đau quá lớn vừa xảy ra với gia đình mình chưa lâu.

Nghẹn ngào kể lại giây phút bất lực nhìn mẹ bị lũ quấn trôi xuống con đường đất đứt gãy và gồ ghề sỏi đá, em Uyên không kìm được nước mắt, “thấy lũ lớn quá, sợ mấy chậu hoa ở hè nhà có thể trôi và gây tắc cống, mẹ cháu đã ra lấy chậu hoa vào và không may bị rơi xuống cống và bị lũ dữ cuốn đi. Thấy mẹ bị ngã, bố em liền chạy theo với lấy tay mẹ nhưng nước chảy xiết quá nên không thể cứu được mẹ”.

Đau lòng hơn, còn là những cản trở giao thông do thiên tai gây đến đã khiến mẹ em mất đi cơ hội sống, 8 tiếng đồng hồ di chuyển từ xóm Kìa lên đến bệnh viện tuyến trên qua những đoạn đường ngổn ngang đất đá là quá sức đối với một người đang ở giữa ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, chị Đinh Thị Nhàn - mẹ em đã mãi ra đi để lại ba đứa con nhỏ còn đang tuổi ăn tuổi lớn, để xóm Kìa mang trong mình một nỗi đau và lo sợ mỗi đợt mưa lũ về.

“Ông ơi, bao giờ con mới được đến trường?”

Ở trường Đoàn Kết, xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc, sau mưa lũ, điểm trường này vẫn đang bị bùn đất bao vây, các em học sinh tại đây đã phải nghỉ học hơn hai tuần. Cổng trường mầm non Đoàn Kết lún sâu hơn nửa trong đống bùn đất. Lớp bùn dày đến 2m, vẫn còn ướt và lún sâu khiến công tác di chuyển vào trong để dọn dẹp, cải tạo gặp nhiều khó khăn. Học sinh phải nghỉ học nhiều ngày, vừa qua, xã phải mượn nhà văn hóa thôn để các em quay trở lại học tập.

Gia đình anh Sa Văn Đức sống đối diện với trường học chứng kiến toàn bộ trận lũ quét. 2h sáng 10.12, anh nghe thấy tiếng động lớn như bom, nước lũ kèm theo đất đá đổ ập từ trên ngọn đời phía trước nhà. Chưa biết chuyện gì xảy ra, anh chỉ biết hô hoán vợ con, hàng xóm xung quanh và các cô giáo của Trường Mầm non Đoàn Kết chạy trong đêm.

“Mở cửa ra, tôi thấy nước dồn xuống mạnh, cao tới 1m dưới nhà sàn. Tôi hô to “Mọi người ơi, chạy đi, sập rồi”, rồi ôm con chạy.” Anh cho biết, một hòn đá lớn từ trên đồi xuống đã đánh thẳng vào tường lớp học khiến cho mảng tường bị đánh bay, để lại một khoảng trống lớn sau khi lũ dừng.

Hai tuần sau trận lũ quét và sạt lở, bùn đất vẫn ngập sâu gần 2m, chính quyền địa phương vẫn chưa thể tiếp cận để khắc phục. Hơn 100 cháu nhỏ của xã trong đó có đứa con nhỏ của anh vẫn chưa thể đến trường.

Chúng tôi gặp bà Hà Thị Hằng - Phó Chủ tịch xã Đoàn Kết. Gần nửa tháng khắc phục hậu quả sau lũ, nét mỏi mệt hằn lên dáng hình của người phụ nữ, những bùn đất lấm lem còn hằn trên áo quần chưa kịp gột rửa.

Bà cho biết: “Cơn mưa lớn kéo dài từ đêm mùng 9, rạng sáng 10.10 đã khiến cho khu vực xóm Cang, xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc vốn đã mang trong mình cấu trúc yếu lại càng bị đè nặng hơn. Đến đêm 10.10 thì xảy ra lũ quét, sạt lở nhiều tài sản của nhân dân, may mắn không có ai thiệt mạng. Riêng Trường Mầm non Đoàn Kết bị vùi trong đống đất đá, bùn lầy đến nay đã hơn một tuần nhưng vẫn chưa thể khắc phục.

Lớp bùn dày đến 2m và vẫn còn lún sâu khiến công tác di chuyển vào trong để dọn dẹp, cải tạo gặp nhiều khó khăn hơn. Các cháu phải nghỉ học gần hai tuần nay và vừa qua xã phải mượn nhà văn hóa thôn để các em quay trở lại học tập”.

Hiện trường ở xã Đoàn Kết sau trận lũ lịch sử, người dân thẫn thờ.

Thẫn thờ nắm tay ông đi nhìn vào cánh cổng trường mầm non, đứa cháu buồn rầu ngước lên hỏi ông: “Ông ơi, bao giờ con mới được đến trường?” - Chúng tôi chưa kịp hỏi bé tên gì, bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng câu hỏi của bé và khung cảnh ngổn ngang hiện ra trước mắt khiến cả đoàn công tác chúng tôi ai cũng lặng người đi. Không rõ bao giờ, hàng trăm em nhỏ mới được quay trở lại trường để học tập, những con đường bị sụt lún bao giờ mới được khắc phục, chỉ biết rằng, tới nay, Đà Bắc vẫn còn đó những nỗi đau!

Dù vậy, trong ánh mắt, trong nỗ lực của mỗi người dân ở Đoàn Kết, chúng tôi tin chắc không có sự tàn phá của thiên nhiên nào khiến người Đoàn Kết nhụt chí. Họ không đơn độc, họ nắm tay nhau, có sự giúp sức sẽ chia của xã hội, Đoàn Kết sẽ lại đứng lên…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn