MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biển mây - Fansipan.

Sống trên đỉnh Fansipan - nơi kết nối trời và đất

Trịnh Văn Hà - Người mở tuyến xây dựng cáp treo Fansipan Sapa LDO | 15/02/2018 08:00
Mỗi lần ngắm hình ảnh cáp treo như dải lụa mềm nối giữa Sa Pa đầy bản sắc với Nóc nhà Đông Dương hùng vĩ trên bất cứ bài báo nào, ký ức về những ngày khảo sát địa hình làm cáp treo Fansipan vẫn như những thước phim sống, cứ dội về trong tôi, sống và thật đến từng khoảnh khắc.

Lên đỉnh

Đầu tháng 5 năm 2013, tôi được giao nhiệm vụ khảo sát tìm kiếm các phương án xây dựng tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan.

Ngày 11.6.2013, chúng tôi bắt đầu hành trình lên đỉnh chọn vị trí ga đến. Mỗi người một ba lô với 2 bộ quần áo, túi ngủ, trang thiết bị cá nhân, máy móc, xoong nồi, bát đĩa, bạt, gạo muối,... dễ cũng gần 20kg trên lưng. Tới điểm dừng chân cao độ 2.800m là khoảng 16 giờ, tất cả đã thấm mệt, tôi quyết định dựng trại, cả đoàn nhanh chóng chia làm 2 đội, một đội nấu cơm, một đội làm trại, chúng tôi đã có bữa cơm ấm cúng trong chính “ngôi nhà” của mình. Thầm nghĩ, Fansipan nổi tiếng khắc nghiệt, thử thách, nhưng... “ăn thua gì đâu”.

7 giờ sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục lên đỉnh. Trời bắt đầu mưa và lạnh, những cái ba lô như nặng cả ngàn cân vì sũng nước. Lặng lẽ nhích từng bước, bữa cơm trưa tạm bợ được đùm trong bọc nilon đã nguội lạnh... Tôi bắt đầu thấm thía những gì đã nghe về Fansipan.

Rồi chúng tôi cũng lên đến cao độ 3.100m nơi dự định đặt ga đến. Sương mù dày đặc, chỉ thấy những cây trúc oằn mình theo những cơn gió thổi từ hướng Lai Châu... Đói. Chẳng ai bảo ai chia nhau người kiếm củi, người tìm nguồn nước... Dựng lán trên đỉnh cao heo hút này là điều khó nhất. Không có cây to, gió thì quá lớn nên chúng tôi đành chọn phương án dựng lán kiểu gieo mạ - lán được làm vòng cung dài kín gió, nhưng mỗi lần di chuyển trong lán chỉ có cách duy nhất là bò. Nước sinh hoạt là cả một vấn đề, chúng tôi cứ theo... đường mòn mà lấy nước. Bữa cơm đầu tiên trên đỉnh dù sống nhiều hơn chín nhưng ai nấy đều hân hoan vì được ăn cơm mình nấu ở cái nơi nhóm được lửa là điều khó tưởng tượng.

Flycam - đỉnh-Fansipan.

Cơm chín là xa xỉ

Càng về đêm trời càng lạnh, hai bộ quần áo cộng thêm cái túi ngủ, sức trai sau một chặng đường dài vất vả cũng không thể nhắm mắt nổi. Xích lại gần nhau để giữ lấy chút ít hơi ấm, để chợp mắt được chút nào hay chút ấy. Càng về sáng càng thấy buốt, cái rét khiến các đầu ngón chân, ngón tay tê dại. Tiếng mưa lộp độp trên lán, gió rít từng cơn. Khó khăn thực sự chỉ mới bắt đầu.

Sáng trên đỉnh Fansipan, trời trong xanh lạ thường, khoe trọn vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng. Vẫn lạnh và ẩm ướt, đôi ủng cứng đơ như đá khập khiễng theo từng bước chân. Nấu cơm thực sự là thử thách bởi chẳng có củi khô, gió rít từng hồi, nguồn nước lấy theo đường mòn đã không còn khả thi, vì trên đó không xa là bãi rác chứa tất cả mọi thứ khách phượt để lại. Bất giác rùng mình tưởng tượng bữa ăn hôm qua...

Mỗi ngày trôi qua, thêm những thử thách chất chồng. Gạo, đồ ăn bắt đầu cạn dần, môi nứt nẻ, bàn chân bàn tay tấy đỏ, nét mệt mỏi hiện lên từng khuôn mặt... Nước được lấy từ những giọt sương hay cơn mưa đêm, củi là những cây trúc tươi được nhóm bởi miếng cao su cắt ra từ những thân ủng. Để nấu một bữa cơm chín dù không tươm tất cũng là điều xa xỉ. Trời tháng 6 thỉnh thoảng vẫn có băng giá, sáng dậy lấy cán rựa đập mạnh xuống túi chứa nước để phá vỡ mảng băng bên trên. Lác đác có đoàn du khách phượt ghé thăm chúng tôi quây quần bên bếp lửa uống ly trà nóng. Nghe câu hỏi cảm giác ngủ trên đỉnh Fansipan như thế nào, lại thấy sự hứng khởi trào dâng.

Cabin cáp Treo Sun World Fansipan ngày băng tuyết.

Những “phát minh” chỉ Fansipan mới có

Chọn vị trí ga trung chuyển cho phương án cáp 1 dây và đo cắt dọc tuyến cho cả 2 phương án 1 dây và 3 dây thực sự là một thách thức. Di chuyển trên những đỉnh núi chênh vênh, chúng tôi dựng lán cách con suối lớn khoảng 200m trên đỉnh một sườn núi, chỗ thoáng đãng để tránh cây to, bởi chỉ vị trí đó mới tránh được lũ quét và khi gió to cây đổ không ảnh hưởng đến lán. Trời lạnh, ẩm ướt, ủng cứng nước thấm vào bên trong và một “phát minh” đã ra đời. Chúng tôi truyền tai nhau dùng băng vệ sinh phụ nữ để lót ủng, hiệu quả ngay tức khắc, chân khô và ấm hơn, những bước đi thanh thoát hơn. Nhưng khổ nhất là lúc đi mua cái thứ chỉ dành cho phụ nữ ấy, người thông cảm thì nói “thương vợ thế”, kẻ ác ý nhìn từ đầu đến chân rồi nhạo “đồ bệnh hoạn”. Chúng tôi chỉ biết cười trừ.

Cáp treo Fansipan mùa lúa chín.

Công việc bắt đầu từ 5 giờ sáng. Hai người trong nhóm dậy nấu cơm cho 2 bữa, bữa sáng có thêm tý canh, bữa trưa được gói vào túi nilon bên trên cùng là miếng thịt hay cá khô, đôi khi là muối vừng. 8 giờ sáng là ra khỏi lán, mỗi người lại mang máy móc, rựa, áo mưa, chai nước, đùm cơm lủng lẳng theo sau và không thể thiếu củ tỏi trong túi áo (theo kinh nghiệm dân gian, khi sống trong rừng sâu, nước độc nên mang theo củ tỏi trong người …..!?) chia làm nhiều nhóm tản mát vào rừng.

Khác với lần lên đỉnh, khu vực chọn làm ga trung chuyển là rừng, không có lối mòn, chỉ có đỗ quyên, chè cổ, thân cây gân guốc, xù xì, với vách đá dốc thẳng đứng phủ đầy rêu. Chúng tôi tự mở đường di chuyển trên những dốc đứng cheo leo. Ngày nào cũng như ngày nào, nguyên việc di chuyển tới nơi làm việc cũng đã mất khoảng 1- 2 giờ đồng hồ...

Tới nơi, mỗi người một việc, trời lạnh, nghỉ thì rét cóng, nên cứ thế làm cho ấm người. Bữa cơm trưa ở nơi làm việc chúng tôi vẫn hay nói đùa là “ăn tiệc đứng” bởi chả ai đủ can đảm ngồi xuống dưới đất lạnh ngắt, ẩm ướt và nhiều côn trùng. Mỗi người lại mở túi nilon cơm, lấy cây rừng làm đũa, tựa vào gốc cây ăn ngon lành. Đến 3 giờ chiều, bụng đói, sương mỗi lúc một dày hơn, tầm nhìn hạn chế, chúng tôi thu dọn đồ, tới lán cũng khoảng 4 đến 5 giờ chiều.

Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa rừng mới thực sự là ác mộng. Mười con người chen chúc trong cái lán ẩm thấp và mưa dột tong tong, nếu ngồi thì tất cả cùng ngồi, nếu nằm tất cả cùng nằm, tất nhiên không thể đứng, lại tự an ủi với nhau bằng những bài hát không đầu không cuối, những câu hỏi về gia đình, người thân mà chẳng thể có câu trả lời. Mưa dài ngày, thức ăn chưa kịp gùi lên, chúng tôi tự cải thiện bằng cách xuống suối bắt ếch. Hôm nào may mắn thì được con chuột rừng. Canh nòng nọc là món khoái khẩu của dân bản xứ, nhưng với chúng tôi là nỗi khiếp sợ. Nhắm mắt húp tý nước, cái mùi tanh tanh lờ lợ ám ảnh đến tận bây giờ.

Khảo sát trong rừng, suối Mường Hoa.

Ngày qua ngày, những nỗi khiếp đảm đã trở thành điều bình thường. Yêu thương, đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia từ miếng cơm, điếu thuốc, tấm áo ấm. Ở cái nơi rừng thiêng nước độc ấy, chúng tôi vẫn đùa rằng “chỉ có những người đàn ông mới mang đến hạnh phúc cho nhau”.

Rồi cũng đến ngày cáp treo băng qua những vạt rừng xanh mướt nở rực rỡ những màu đỗ quyên, những ruộng bậc thang rực vàng màu lúa chín... để nối những ước mơ chinh phục đỉnh trời. Trong niềm hạnh phúc được chạm tay vào Nóc nhà Đông Dương của du khách, lặng lẽ những ký ức sống ở Fansipan ngày ấy của chúng tôi, những người đã làm nên cáp treo nối đất với trời cứ hiện về sống động như từng thước phim quay chậm. Vượt qua những ngày gian khó đến không thể tưởng tượng nổi ấy, chúng tôi tự hào vì đã làm nên một công trình cáp treo kỷ lục, mang lại niềm tự hào về bản lĩnh của người Việt, trong đó có niềm tự hào nho nhỏ của chúng tôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn