MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ y tế xã Hướng Lộc Nguyễn Thị Thương đang tư vấn sức khỏe cho đồng bào Vân Kiều tại gia đình. Ảnh: PXD.

Sức khỏe đại ngàn

PHẠM XUÂN DŨNG LDO | 18/06/2018 17:36
Trong lần đến Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) tôi nhớ câu ca dân gian thuở trước: “Những người lử khử, lừ khừ/ Không ở Đại Từ, cũng ở Võ Nhai” để nhắc lại nỗi ám ảnh sốt rét ở những địa danh ngày xưa được coi là “rừng thiêng, nước độc”. Còn ở Quảng Trị, thời bao cấp thấy ai da tái, môi thâm thì đoán chắc hộ khẩu ở vùng cao Hướng Hóa.

Nhưng đó là chuyện của thì quá khứ. Để thêm một lần kiểm chứng điều này, tôi lại xách ba lô lên miền tây Quảng Trị. Nơi tôi vào đầu tiên của vùng Lìa là xã Hướng Lộc, một vùng đất mà bao đời nay bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô sinh sống, sau này có thêm đồng bào người Kinh chung tay góp sức xây dựng vùng quê mới. Đập vào mắt chúng tôi là trạm y tế khang trang, sạch đẹp khiến người xem dẫu quen thuộc với vùng cao cũng không khỏi ngỡ ngàng. Lại càng ngạc nhiên khi biết trạm được trang cấp nhiều phương tiện quan trọng với y tế tuyến cơ sở như máy đo điện tim, máy siêu âm cầm tay, kính hiển vi...

Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thương, phụ trách trạm dù hơi bất ngờ trước một cuộc viếng thăm khá đột ngột vì không hẹn trước nhưng vẫn vui vẻ tiếp và giới thiệu các đồng nghiệp của đơn vị như dược sĩ trung học Hà Thị Tâm, điều dưỡng Nguyễn Thị Hải Yến, chuyên trách công tác dân số, y sĩ YHCT Nguyễn Văn Bình, y sĩ đa khoa Hồ Văn Thiệt.

Chị Thương tâm sự  mình công tác ở đây đã được 10 năm, gắn bó với bà con địa phương từ những ngày đầu khi trạm chưa xây trụ sở, phải ăn nhờ ở đậu để hoàn thành công việc của mình. Câu chuyện dẫn dắt về những kỷ niệm nghề nghiệp, cả những chuyện buồn. Kỷ niệm ư, nhiều lắm. Chị kể rằng hồi mới nhận công tác, có hôm một sản phụ người Vân Kiều sinh đôi nhưng đến cơ sở y tế muộn nên cả hai đứa con đều đã qua đời dù bác sĩ và các nữ hộ sinh đã làm hết sức mình.

Châm cứu cho người bệnh ở trạm y tế xã Hướng Lộc. Ảnh: PXD.

Nhắc lại chuyện cũ, chị vẫn thấy đau lòng và nói thêm câu chuyện đến giờ vẫn hằn sâu trong tâm trí mình. Chị nói: “Anh biết đó, bà con dân tộc ít người vùng cao, nhất là trước đây thường chỉ chú trọng đến làm ăn kinh tế, việc mang thai sinh nở coi như giao Giàng (trời), người chồng thường phó mặc cho phụ nữ. Mà việc thay đổi nhận thức, đặc biệt là quan niệm, phong tục tập quán đã ăn sâu vào cách nghĩ cả ngàn đời nào phải chuyện giản đơn”.

Hỏi chuyện vui, chị cười, nhiều lắm rồi hào hứng kể: ”Năm 2012, một hôm người trong bản Của ra báo tin có người nhà sắp đẻ. Vậy là tôi và thêm một nữ đồng nghiệp tức tốc đem dụng cụ vào tận nơi. Từ trạm vào đó cũng khoảng 8 cây số, hồi ấy đường rất khó đi, nhất là khi vào sâu trong bản, ngay cả muốn đi xe máy khi lên dốc một người chạy, một người đẩy, còn có những đoạn đường trơn, lốp xe phải quấn xích mới đi được.

Khi hai chị em vào trời cũng chiều tối. Qua thăm khám, biết sản phụ thai to sinh không dễ nhưng vẫn quyết tâm bằng mọi cách để mẹ tròn con vuông. Cuối cùng mọi chuyện đã như ý, sản phụ Pì La Vươi đã sinh được một cháu bé bụ bẫm 4,3 kilogram. Cả nhà mừng rỡ, chúng tôi cũng vui lắm. Tối hôm đó hai chị em ngủ lại nhà dân. Sáng ra nhà sản phụ làm cơm rượu mừng và cảm ơn cán bộ y tế. Bà con mời rượu hai chị em nhưng chúng tôi làm gì biết uống nên cảm ơn và từ chối. Người nhà khẩn khoản bảo rằng nếu cán bộ không uống rượu mừng, sau này cháu bé không ăn nhiều chóng lớn thì hai chị em nữ hộ sinh phải chịu trách nhiệm đó nghe.

Tác giả (thứ 3 từ trái sang) cùng cán bộ, nhân viên Trạm y tế xã Hướng Lộc. Ảnh: PV.

Tôi biết bà con thường quý mình nên mới nói khó cho vui và phấn khởi nhấp môi chung vui với mọi người. Khi chia tay, người nhà còn biếu một con gà cho hai chị em với lời cảm ơn chân tình. Chúng tôi cảm động nhưng không nhận vì anh biết đó, đời sống bà con vẫn còn nhiều khó khăn, mình chỉ nhận cái tình”.

Tôi ngồi nghe chuyện, khó lòng hình dung người phụ nữ mảnh khảnh, nhỏ nhắn ngồi trước mặt mình đã băng rừng, lội suối, ở lại đêm hôm khuya khoắt làm hết thiên chức của mình dù lúc ấy còn chưa lập gia đình. Công tác ở vùng sâu, vùng xa nam giới cũng đã phải chế ngự  nhiều gian khổ, huống chi phụ nữ thì khó khăn gấp bội.

Đang trò chuyện thì một ông lão Vân Kiều đến trạm. Hỏi ra mới biết ông tên là Hồ A Cui, đau bệnh tê chân tay, đến trạm y tế điều trị mấy ngày qua. Y sĩ Nguyễn Văn Bình đưa ông vào phòng và bắt đầu châm cứu. Không biết đồng nghiệp cùng đi thế nào chứ riêng tôi chứng kiến cảnh châm cứu giữa một  địa bàn vùng cao, ngay giữa trạm y tế xã bỗng dội lên một cảm giác tin cậy và yên lòng về một điều gì như là mới mẻ, tinh khôi. Khi người dân ở nơi xa xôi, hẻo lánh đã tin cậy thầy giáo, thầy thuốc thì sự nghiệp tạo dựng diện mạo cho vùng cao Hướng Hóa có nhiều hứa hẹn.

Thảo nào mà ông Pả Mì đã vui vẻ hiến đất của mình để nhà nước xây trạm xá. Lý lẽ của ông thật giản dị: “Mình hiến đất xây trạm y tế gần nhà thì gia đình mình có đau ốm gì cũng tiện mà bà con khắp mười bản ở xã này này cũng được hưởng lợi chung nên không tính toán lợi hại làm gì”. Cái tình, cái lý của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao như vậy thật đơn giản mà minh triết khiến ai nghe cũng phải gật đầu.

Bác sĩ Hồ Thị Hữu - Trưởng trạm y tế xã Thanh. Ảnh: PXD.

Chia tay xã Hướng Lộc, chúng tôi đến với xã Thanh cũng thuộc huyện Hướng Hóa để tìm gặp một nữ bác sĩ khá đặc biệt. Nói vậy vì đây là nữ bác sĩ đa khoa người dân tộc Vân Kiều Hồ Thị Hữu, một người có “thâm niên” 22 năm gắn bó với y tế cơ sở vùng cao.

Nghe tôi hỏi chuyện, chị cười hiền lành: "Anh hỏi tôi chuyện nghề à, nhưng biết bắt đầu từ chuyện gì, vì từ khi vào nghề đến nay, thật quá nhiều chuyện để nhớ và để nói". Nhưng rồi chị vẫn kể một câu chuyện khá ấn tượng. Hôm ấy cách đây đã nhiều năm, chị đến đỡ đẻ cho một phụ nữ cũng là đồng bào Vân Kiều vào đúng hôm người chồng đi rẫy, nói theo cách nói miền xuôi là phải vượt cạn một mình. Khi đến nơi, một cảnh tượng bày ra trước mắt mà người yêu bóng vía khó lòng chịu nổi. Sản phụ đang chuyển bụng ngoài vườn, hai tay níu hai sợi dây cột ngang trên đầu, tư thế nửa đứng nửa ngồi, miệng méo xệch vì đau đớn. Đứa con vẫn chưa ra đời khi mà người mẹ gần như kiệt sức.

Chị Hồ Thị Hữu vội làm phận sự của mình. Lát sau là tiếng oa oa chào đời của đứa bé sơ sinh. Nếu chậm chân chút nữa hoặc không đủ bình tĩnh và kinh nghiệm thì chắc rằng một tai họa sẽ phải xảy ra.

Khi nghe tôi hỏi tình hình bệnh sốt rét, chị đáp tự tin: “Đúng là giai đoạn 1996-2000 bệnh sốt rét khá phổ biến, có tháng cao điểm trạm tiếp nhận đến 70 bệnh nhân. Nhưng nay thì khác rồi, chúng tôi cơ bản đã đẩy lùi bệnh sốt rét. Vào mùa này bệnh sốt rét vẫn còn xuất hiện nhưng đáng mừng cả tháng nay trạm chưa tiếp nhận ca nào. Nhưng chúng tôi cũng không chủ quan, hễ có dịp là nhắc nhở bà con phải thường xuyên nằm màn để phòng chống bệnh sốt rét. Thay đổi thói quen lâu đời là việc rất khó nhưng không thể không làm”.

Chuyện thành tích của bác sĩ Hồ Thị Hữu được Bộ trưởng Y tế khen thưởng, được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khen thưởng... thì nhiều người đã biết nhưng chuyện chị từ chối ra công tác ở huyện thì không mấy ai hay. Đúng như thế, chị đã từ chối một cơ hội làm việc mà nhiều người mong muốn và hơn thế chị đã xin đất làm nhà ngay tại xã Thanh để gắn bó trọn đời với nghề nghiệp của mình: Chăm sóc sức khỏe đồng bào ở địa phương.

Tôi lại nhớ đến một thông tin của lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, bác sĩ Lâm Chí Đức cho hay: Toàn huyện có 22 trạm y tế cấp xã thì đã có đến 21 trạm đạt chuẩn quốc gia, đơn vị cuối cùng đang tiến hành thủ tục nói trên.

Vậy há chẳng phải là thêm một tin vui cho sức khỏe đại ngàn!

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn