MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau lở núi, xóm làng đông đúc, nhộn nhịp giờ chỉ còn trong kí ức. Ảnh: Lam Phương

Trà Vân lở núi

LAM PHƯƠNG LDO | 14/11/2017 07:45
Ngày 11.11, sau hơn 3 giờ lội bộ, chúng tôi đến được nóc Ông Tuân, xã Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) - nơi xảy ra sạt núi vùi chết 4 mạng người. Trưa 6.11, tại nóc Ông Tuân, vụ sạt lở núi “lớn chưa từng có” cướp đi sinh mạng của chị Hồ Thị Vệ (23 tuổi), cháu Hồ Thị Mộc Lan (1 tuổi), em Hồ Quang Ngữ (8 tuổi), Hồ Văn Đợi (8 tuổi) và làm 13 người bị thương. 

“Lớn chưa từng có”

Cảnh tượng nóc Ông Tuân sau thảm họa sạt núi thực sự thảm khốc. Trước đây, nóc với hơn 100 nhân khẩu đông vui thì nay vắng bóng, hoang tàn. Cảnh tượng đổ nát, ngổn ngang; không khí ảm đạm, tang tóc bao trùm cả ngôi làng. Đất đá vùi lấp khiến 4 ngôi nhà gần như mất dạng. Nóc Ông Tuân một tuần sau sự cố nhưng không khí tang thương vẫn còn u ám lắm. Với bà con thôn 2, vụ sạt lở hôm ấy quả thực “lớn chưa từng có”.

Dù đã di dời đi xa khu vực xảy ra sự việc, nhưng khi kể lại trận lở đất kinh hoàng ấy, đôi mắt chị Dương Thị Nhiệm (SN 1990, trú thôn 2, xã Trà Vân) vẫn ầng ậng nước. Chị kể, trưa hôm ấy, khi chị định sang nhà hàng xóm thăm người ốm nhưng chưa kịp đi thì “nghe tiếng nổ bùm”. “Tôi vội chạy ra ngoài thì thấy đất đá từ trên núi đổ ào xuống, nhiều hòn đá to lăn đùng đùng xuống mái nhà. Chẳng bao lâu, nhiều ngôi nhà phía trên mất dạng trong đống đất đá không ngừng đổ xuống. Tôi hoảng quá, chạy vô nhà kêu chồng một tiếng: “chạy”, rồi nắm tay 2 con kéo chạy thật nhanh” - chị Nhiệm bàng hoàng kể.

Còn chị Hồ Thị Nguyễn (30 tuổi, trú thôn 2, xã Trà Vân) cũng hoảng sợ không kém. Chị Nguyễn kể, hôm ấy, khi chị đang nấu cơm trưa thì nghe tiếng đất, đá đổ rào rào. Chị biết ngay là núi lở vì đêm trước đó cũng nghe những âm thanh tương tự từ ngọn núi phía sau nhà. Lúc ấy, đứa con lớn của chị đang bê ngồi cơm từ trong bếp ra, nghe chị hét lớn: “bỏ đi, chạy nhanh chứ chết” hoảng quá thả nồi cơm chạy một mạch. “Tôi cũng vội bồng đứa nhỏ, dắt đứa nhì chạy tuôn ra đường cái”. Chả mấy chốc, đất đá phía sau cũng lăn đùng đùng lên mái tôn nhà tôi. Mấy mẹ con tôi mà chậm chút nữa có khi cũng bị chết dưới núi đất đá rồi” - chị Nguyễn nhớ lại.

Mì gói trở thành món ăn thông dụng nhất trong khi chờ cứu trợ.

“Nhà ấy còn gì nữa đâu”

Mở đầu lời kể về gia đình anh Hồ Văn Ngọ có vợ là Hồ Thị Vệ và con gái 3 tháng tuổi bị trận lở núi cướp sinh mạng, đứa con đầu 3 tuổi Hồ Thị Nhược cũng bị đá đè nguy kịch, chị Dương Thị Nhiệm lắc đầu: “Nhà ấy còn gì nữa đâu…”. Chị Nhiệm cho biết, vợ chồng anh Ngọ có đứa con gái đầu 3 tuổi. Nhà neo người, vợ chồng anh mới sinh thêm bé gái mới được 3 tháng tuổi. Hôm ấy, đất đá đổ lăn xuống đúng vào nhà anh Ngọ, 4 con người nhỏ bé chạy không kịp với sức đổ ào ào của núi, bị vùi lấp lại. May sao, lúc ấy mấy thanh niên trong làng có mặt kịp thời.

“Tôi thấy họ bới bới đất ở trước mũi con bé 3 tuổi để nó thở, rồi họ hất đất đá đè lên người, kéo nó ra. Nó bị thương khắp người, máu chảy bê bết. Một người ẵm nó chạy khỏi mớ đất đá đang lăn loạn xạ, đầu bê bết máu” - chị Nguyễn nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Hải (55 tuổi, trú nóc Ông Vinh, thôn 2) kể: “Họ bỏ mẹ con cô Vệ trong võng, cõng chạy, máu nhỏ thành giọt trên đường. Đến gần trạm xá, chiếc võng rách toạc, cả mẹ cả con rơi huỵch xuống đường. Một lát sau, họ lại cõng ngược về, hỏi ra thì cả 2 mẹ con đều đã tắt thở…”.

“Nhà ấy khổ lắm, hai mẹ con quấn trong tấm chiếu, không có hòm hiếc gì cả. Họ đào huyệt, chặt mấy nhánh cây xếp xuống dưới, cả mẹ cả con nằm trong võng vải, quấn bằng chiếc chiếu phơi lúa rồi bỏ xuống, bên trên xếp mấy nhánh cây, rồi lấp đất. Đứa bé còn nhỏ quá, thôi thì chôn cùng với mẹ cho có mẹ có con” - bà Hải tiếp lời.

Vợ và con gái chết, ngôi nhà gần như mất dạng, anh Ngọ một mình tay trắng ôm đứa con đầu 3 tuổi xuống điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Đứa bé mới 3 tuổi với đầy thương tích do núi đè, bản thân anh Ngọ cũng bị thương.

Chị Hồ Thị Nguyễn cùng 6 đứa con nheo nhóc đùm túm mớ áo quần dắt díu nhau xuống điểm trường mầm non Ông Ní đã 4 ngày. Chị kể, chồng chị vẫn còn ở trên đó, đi sửa đường cùng nhóm người trong nóc để có đường đi lại. “Nhà bị hư, chính quyền không cho ở, bắt phải bỏ hết. Con gà, con heo, con bò, kho lúa 40 bao vừa thu được cũng phải bỏ hết, mất hết. Giờ tôi chẳng còn gì cả…” - chị Nguyễn đưa tay vệt nước mắt.

Ngoài mẹ con chị Hồ Thị Vệ và Hồ Thị Mộc Lan (1 tuổi), vụ lở núi kinh hoàng ấy còn khiến 2 em học sinh lớp 4 là Hồ Quang Ngữ con anh Hồ Văn Ngọc và Hồ Văn Đợi con anh Hồ Văn Đảm của trường Tiểu học Trà Vân thiệt mạng.

Một ngôi nhà trơ khung sau trận sạt lở núi kinh hoàng. Ảnh: Lam Phương

Sắp xếp khu dân cư để giảm sạt lở

Thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My hiện đang là điểm nóng về sạt lở núi. Toàn thôn có 4 nóc với 74 hộ/286 nhân khẩu. Theo kế hoạch di dời khẩn cấp của xã, các nóc Ông Bình (8 hộ/34 nhân khẩu), Ông Dương (19 hộ/68 nhân khẩu), Ông Tuân (20 hộ) và Ông Vinh (27 hộ) với 184 nhân khẩu sẽ được di dời về khu vực UBND xã Trà Vân, nóc Ông Ní, đường Đông Trường Sơn và nóc Ông Triều.

Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My: “Quốc lộ 40B là Quốc lộ “dở” nhất nước vì còn 2 ngầm cầu Sông Trường và cầu Sông Oa. Cứ mỗi lần mưa lớn một chút là nước tràn qua ngầm gây chia cắt. Thêm nữa, diện tích mặt đường hẹp, đi qua địa hình vòng vèo, mỗi lần mưa là gây sạt lở. Để huyện không bị chia cắt nữa thì Bộ Giao thông nên hỗ trợ cho tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My nâng cấp Quốc lộ 40B, làm cầu Sông Trường và cầu Sông Oa để nhân dân không bị chia cắt khi mưa lớn” - ông Bửu đề nghị.

Cũng theo ông Bửu, “đường dây điện, đường thông tin liên lạc của huyện đều đi theo Quốc lộ 40B. Khi Quốc lộ sạt lở, đồng nghĩa với việc điện cũng bị cúp mà thông tin liên lạc cũng không có. Những hạ tầng thiết yếu khiến huyện Nam Trà My bị chia cắt đều xoay quanh Quốc lộ 40B. Để huyện không bị cô lập nữa chỉ còn cách nâng cấp Quốc lộ 40B”.

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, huyện có đề án sắp xếp khu dân cư mới tại khu vực Khe Chữ (thuộc thôn 2, xã Trà Vân) từ năm 2015. Theo đề án, từ nay đến năm 2020 huyện sẽ thành lập 115 khu dân cư dồn từ 224 khu dân cư hiện tại. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ cho mỗi hộ dân 50 triệu để ổn định nơi ở mới. Số tiền này dùng để mua tôn, vật dụng cần thiết. Bên cạnh đó, các hộ dân được di dời đến khu dân cư mới sẽ được cấp cây dược liệu để người dân trồng trọt, tạo kế kế sinh nhai, đồng thời bảo vệ rừng. Khi người dân thấy được giá trị của cây dược liệu, họ sẽ giảm phá rừng, giúp giữ được rừng, giữ được đất. Từ đó tránh được nạn lũ ống, giảm thiểu sạt lở núi.

“Mỗi ngôi nhà sẽ dựng trên diện tích đất ít nhất là 200m2, thông thường sẽ là 500m2 với đầy đủ nhà ở, vườn, khu vệ sinh, khu chuồng nuôi động vật. Khu dân cư mới sẽ có đầy đủ “điện, đường, trường, trạm”. Vị trí đất sẽ do nhân dân và nhà nước chọn. Khu dân cư mới gần với đường Đông Trường Sơn sẽ rất thuận tiện giao thông cho người dân. Nếu người nào không ở mà lên núi phá rừng thì sẽ không cho gì cả” - ông Bửu quả quyết.

Theo ông Bửu, năm 2017, huyện đã làm được 13 khu dân cư, qua đợt mưa vừa rồi, không có khu nào bị sạt lở. Năm 2018, huyện tiếp tục lập 51 khu dân cư. “Với huyện nghèo, sự hỗ trợ của tỉnh và các cơ quan là rất quan trọng để làm sao huyện có thể quy hoạch, xây dựng được thành công 115 khu dân cư để giảm sạt lở” - ông Bửu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn