MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên trong nhà thuốc của bà Lý Thị B P

Truyền thông "bẩn" tiếp tay cho "thần y" dỏm (kỳ cuối): Bịp bợm công nghệ “thổi” “thần y”

NHÓM PHÓNG VIÊN BẠN ĐỌC LDO | 31/07/2018 07:30

Nếu mạng xã hội và các diễn đàn online còn có thể gợn lên sự hồ nghi, thì giờ đây, các “thần y” có thể xuất hiện trường kỳ trên các trang báo, tạp chí hay chuyên trang kể lể liên tục về các thành tích cuộc đời mình. Người tiêu dùng có tâm lý “báo đã viết là đúng” sẽ cảm thấy tin tưởng hơn khi bỏ tiền mua thuốc mà có thể không biết rằng, đằng sau đó là cả 1 guồng máy quảng cáo, thổi phồng cực kỳ tinh vi. Thậm chí, không ít bài báo còn là sản phẩm của sự bịa đặt kiểu “ăn đứng, dựng ngược”, cố tình viết sai sự thật, nguỵ tạo nhân vật…

Guồng máy quảng cáo, thổi phồng tinh vi

Sau thời gian dài tìm hiểu, nhóm PV Báo Lao Động có cơ sở để khẳng định, có 1 nhóm người đang lợi dụng sức mạnh của truyền thông, trong đó có báo chí để thu lợi bất chính những khoản khổng lồ từ các “thần y”. Họ phần đa có quan hệ tốt với các cơ quan báo chí, có thể đạo diễn nội dung đăng tải trên khá nhiều trang báo. Nói một cách khác, trên hệ thống báo chí bị thao túng, nhóm người giấu mặt “biến mèo thành cáo cũng được mà thành hổ thì cũng xong”. Cuối cùng, chỉ có người bệnh thiệt đơn thiệt kép.

Để kiểm chứng, nhóm PV đã thu thập nhiều kỳ báo in của một vài đầu báo, tạp chí và chuyên trang có trụ sở tại Hà Nội. Đều đặn trong một vài năm trở lại đây, những tờ dạng này đã dễ dãi đăng tải hàng trăm bài quảng cáo trá hình về các “thần y” dưới dạng những chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp có phần bí hiểm. Cá biệt, có những “thần y” xuất hiện liên tục trong hàng chục kỳ báo, ở nhiều tờ báo khác nhau, rồi lại đăng chéo lên các trang mạng xã hội, từ đó tạo nên hiệu ứng truyền thông không nhỏ.

Công thức chung để lăng xê là tạo dựng những chuyện thật sướt mướt, trong đó có các cặp vợ chồng hiếm muộn, những bệnh nhân nan y tâm sự về 1 vị “thần y” nào đó ẩn dật nơi rừng thẳm núi hoang, sau đó phóng viên của các tờ báo, tạp chí hay chuyên trang nọ sẽ tìm về tận nơi rồi viết bài về chân dung thầy thuốc này. Phía cuối bài, như thể để tiện cho người đọc, tác giả còn để lại địa chỉ và số điện thoại của vị thầy lang, bôi đậm, đóng khung rất nổi bật.

Và tăng thêm chứng cứ xác thực, trong bài viết, những nhân chứng được các “thần y” chữa khỏi bệnh đều có địa chỉ và số điện thoại kèm theo. Thế nhưng, trên thực tế, dù có hàng chục “lương y” được lăng xê trong các bài viết khác nhau nhưng rốt cục, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy bệnh nhân.

Trả lời như nhau...

Đơn cử, số điện thoại 0165.4631.xxx, trong bài viết lăng xê “lương y” Triệu Thị Mấy (Thanh Hoá) có biệt tài chữa vô sinh ở báo Đ, thì người bệnh tên là Trang ở Hà Nam nhưng trong bài lăng xê “lương y” Tặng Thị Mụi (Thanh Hoá) trên báo P, lại tên là Thu ở Thái Bình. Trong bài viết ca ngợi lương y Triệu Thị Mế lại tên là Hoa ở Nam Định, tri ân “lương y” Tặng Thị Sệnh lại là Thảo ở Hòa Bình….

Tương tự, cùng là các số điện thoại để kiểm chứng, trong bài viết chữa bệnh trĩ thì số điện thoại được cho sẽ là bệnh nhân mắc trĩ, trong bài chữa gout thì số điện thoại đó lại bị gout và nếu bị thoái hóa đốt sống thì chắc chắn, chủ sở hữu số điện thoại cũng bị thoái hóa luôn… Cẩu thả và bất chấp đến tận cùng, nhóm người thậm chí còn “bê” nguyên xi bài viết từ báo này sang báo khác chỉ thay tên “lương y” và số điện thoại của họ. Nhóm PV cũng thực hiện nhiều cuộc gọi tới các số điện thoại để lại dưới mỗi bài viết và kiên nhẫn lắng nghe từng lời tư vấn.

Một bài báo đăng tới kỳ 58 về các “thần y” và những bài thuốc được coi như “tiên dược”.Ảnh: PV

Đầu tiên là trường hợp của “lương y” T.T.B ở Ba Vì (Hà Nội). Bà T.T.B liên tục xuất hiện trên nhiều bài báo, ở khoảng 10 tờ báo khác nhau với biệt tài điều trị xương khớp. Khi được hỏi thành phần của bài thuốc và liệu rằng, có phải lên tận nơi khám bệnh xương khớp hay không thì bên kia đầu dây gạt đi: “Nếu đọc báo sẽ thấy đây là 2 loại thuốc chuyên đặc trị các bệnh về xương khớp, ai uống cũng được hết. Bệnh nhân chỉ cần kể bệnh để được bốc thuốc chứ cũng không cần phải lên tận nơi”.

Tương tự, 1 “lương y” khác cũng có “độ phủ báo chí” rất mạnh là L.T.B.P (Ba Vì, Hà Nội). Khi PV gọi điện đến số điện thoại được cho thì cũng nhận được câu trả lời gần như giống hệt với “lương y” T.T.B. Sau khi nghe chúng tôi kể có người nhà đang bị bệnh xương khớp thì ngay lập tức, bên kia đầu dây lại hỏi những câu rất quen thuộc như một cái máy: “Triệu chứng bệnh bây giờ như thế nào, đi khám ở đâu chưa, đi khám người ta nói như thế nào, bị bao nhiêu lâu rồi…”

Cần xử lý nghiêm

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm - Chủ tịch Hội Đông y TP.Hà Nội - cho biết, có 2 hình thức để trở thành 1 lương y, một là những người đã được đào tạo bài bản qua các lớp học về Đông y để được cấp chứng chỉ lương y và giấy phép hành nghề của Bộ Y tế. Thứ hai là về các lương y gia truyền. Những người này thì sẽ phải đáp ứng được 3 tiêu chí, một là, đã có trên 3 đời làm thuốc; hai là, đã chữa khỏi cho trên 100 bệnh nhân, phải có sổ sách ghi chép lại cẩn thận, ba là, có xác nhận của chính quyền địa phương và của các cơ sở y tế. Với nhưng trường hợp tự xưng, đoàn đi kiểm tra mà phát hiện không có giấy phép, không đảm bảo các tiêu chí về 1 lương y thì có thể xử phạt, yêu cầu đóng cửa phòng khám.

Cũng theo bác sĩ Siêm, do thời gian gần đây báo chí, truyền thông quá dễ dãi nhận hợp tác và quảng cáo các bài thuốc của các lương y đã dẫn đến tình trạng loạn thuốc, loạn lương y. Những cơ quan này không hay biết những bài thuốc mà mình quảng cáo là gì, chỉ biết đăng để nhận tiền thì thực sự nguy hiểm, chính báo chí lại tiếp tay cho những lương y này.

“Tôi thấy mô típ chung của những bài viết này đều theo kiểu bệnh nhân cảm ơn lương y hoặc lương y nào đó là người đầu tiên tìm ra các loại thuốc chữa khỏi các bệnh mà thuốc tây không chữa được. Cái tốt của báo chí là tuyên truyền, tuy nhiên chỉ tuyên truyền, quảng cáo khi có lợi, bất chấp những hệ lụy về sau thì sẽ bị xã hội lên án,. Chính vì vậy, báo chí, truyền thông cần phải thay đổi, cần siết chặt quản lý, làm theo đúng luật báo chí” - ông Siêm nêu quan điểm.

Theo ông Siêm, mặc dù ngành y tế và nhà nước đã tăng cường quản lý nhưng cũng rất khó để kiểm soát hết được. Để quản lý được tốt hơn nữa thì cần phải dựa vào đội quản lý thị trường, công an và đặc biệt là dựa vào người dân. Người dân cần nâng cao dân trí, không mang hết của cải đi làm giàu cho những đối tượng bán thuốc lừa đảo, không để những thông tin sai sự thật bị đồn đoán sâu rộng.

Cũng liên quan đến vấn đề này, sau khi tiếp nhận thông tin từ PV Báo Lao Động, một cán bộ thuộc Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) tỏ ra hết sức bất bình, khẳng định, việc các đối tượng đăng quảng cáo tràn lan rồi qua đó lập đường dây để tự tư vấn, bán thuốc là sai phạm nghiêm trọng và cần được xử lý nghiêm.

“Việc mua thuốc không qua thăm khám có thể để lại nhiều hệ luỵ. Bởi nhiều bệnh có biểu hạn na ná nhau nhưng bản chất khác nhau. Hành vi của các nhân viên bán thuốc qua điện thoại tự mạo nhận là thầy thuốc, nếu không có chứng chỉ hành nghề, thì vừa là lừa đảo, vừa phạm pháp bởi rõ ràng, như thế là nhân viên này đang hành nghề chứ không phải người lương y kia” - vị này nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn