MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Uma trong một hoạt động thiện nguyện. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Uma “lên đồng”

HOÀNG VĂN MINH LDO | 02/04/2017 06:00
Sinh năm 1986, Nguyễn Nhật Minh Phương - đã quen thuộc với nickname Uma - có thể đã ghi tên vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam khi là người đầu tiên tạo ra một dòng tranh độc đáo: Tranh “vẽ” bằng chất liệu dây đồng. Cô gái quê Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) cũng dường như đang “lên đồng” khi say sưa kể về cách khởi nghiệp không “đụng hàng” và lý tưởng “sống cho đi” đầy nhân bản, phóng khoáng...

Nghịch chơi cho vui…

Vì sao lại là Uma? Tôi thắc mắc ngay khi vừa gặp nhau ở điểm hẹn là một quán càphê nhưng chủ yếu bán tượng Phật, pháp khí và cả không gian trị liệu bằng tiếng chuông có xuất xứ từ Nepan ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Uma cười bẽn lẽn: “Uma là kỷ niệm với một anh chàng người Hàn Quốc nay đã thành quá khứ và tình cờ là sự liên quan với câu thần chú Úm ma ni bát di hồng trong Phật giáo Tây Tạng”.

Ngó qua ngó lại dung nhan, thấy đối diện mình như một cô người Mông chính hiệu còn rất trẻ so với tuổi 31 áo váy xùng xình chẳng theo mùa nào; tay chân thì vòng to vòng nhỏ với đủ chất liệu… nhìn chẳng ăn nhập gì với gốc gác Quảng Nam đã tốt nghiệp sư phạm chuyên ngành mầm non và từng giảng dạy ở nhiều trường mầm non quốc tế ở TPHCM như lời giới thiệu qua email trước đó. Chưa kịp thắc mắc, Uma giải thích luôn: “Em thấy thoải mái với trang phục và phong cách này. Có lẽ vì thế nên ông trời bắt em phải chuyển nghề, nghỉ làm cô nuôi dạy trẻ giữa chừng với bệnh viêm họng hạt và tắc mạch máu mà theo lời bác sĩ là “nếu dạy học tiếp sẽ bị câm suốt đời”. Sau khi nghỉ dạy, em về nhà mẹ ở Củ Chi để dưỡng bệnh và bắt đầu mày mò với việc “vẽ” tranh bằng kim loại”.

Nhưng vì sao lại là tranh bằng dây đồng mà không phải là vật liệu khác? Uma bảo mọi chuyện bắt đầu từ năm cô 19 tuổi. Một ngày tình cờ cô cầm trên tay một cuộn dây đồng và sau một hồi nghịch chơi cho vui, không ngờ cuộn dây đồng lại “biến” thành một món đồ trang sức lạ mắt. “Lúc đó em cảm thấy những sợi đồng, sợi kẽm như có ma lực. Nó kích thích em sáng tạo không ngừng nghỉ hết mẫu này đến mẫu khác. Để rồi từ chơi cho vui, những sản phẩm của em biến thành hàng hóa độc đáo, được thị trường trong nước ưa chuộng, sau đó được xuất đi các thị trường New Zealand và Mỹ cho đến bây giờ”. Những ngày nghỉ dạy học về Củ Chi dưỡng bệnh, có lần vô tình Uma search mạng thấy hoa sen và lập tức cô bị thu hút, thôi thúc phải làm ra một bông sen. “Sức sáng tạo khiến em làm bông thứ hai và trí tưởng tượng thử thách em làm một cái ao sen hoàn chỉnh gồm hoa, lá, nụ và cả chuồn chuồn. Ráp lại trên nền đất ximăng... ra bức tranh đẹp hơn bức em vẽ trong đầu. Bức tranh đầu tay của em ra đời như thế”.

Sau sen, Uma lại thấy hứng thú với Phật và làm luôn một loạt tranh Phật “và đây là loạt tranh em làm hoàn toàn bằng dây đồng. Sau đó, để phù hợp hơn với các tác phẩm tiếp theo, em sử dụng thêm dây nhôm, dây kẽm màu và cả dây điện. Vậy nên, tranh của em chính xác phải là tranh vẽ từ dây kim loại. Đây là dòng tranh do em sáng tạo ra, ở Việt Nam và thế giới hiện chưa có ai làm tranh kiểu này”. Thú vị là cũng như đồ trang sức, ban đầu với sen, Uma chỉ nghĩ mình làm theo kiểu nghịch chơi cho vui, làm để thỏa mãn trí tưởng tượng và không ngờ bây giờ nó lại thành một nghề. Hiện tranh của Uma được bán với giá dao động trên dưới 2.000USD một bức, chủ yếu ở trong nước nhưng thường cung không đủ cầu. Uma bảo vì tranh chất liệu chủ yếu là đồng nên mỗi khi ai hỏi đang làm gì thì cô trả lời “đang lên đồng”. Nhưng như “lên đồng” đúng nghĩa cũng là cách cô say sưa kể về công việc của mình với người đối diện. Cô bảo niềm vui sướng lớn nhất của mình khi “lên đồng” là “sự sáng tạo luôn vượt qua mọi giới hạn của bản thân và điều tuyệt vời nhất là chính em cũng không biết được tiếp theo nó sẽ là cái gì”.

 Tranh của Uma có những bức được mua với giá 2.000USD.

“Tín đồ” thiện nguyện…

Song song với việc “vẽ” tranh, Uma còn là một “tín đồ” thiện nguyện. Gần như dấu chân thiện nguyện của em đã có mặt ở hầu khắp các vùng miền tổ quốc trong nhiều năm qua. Uma kể mọi chuyện bắt đầu từ việc em chơi đá cầu ở công viên 23.9 sau mỗi chiều đi học sư phạm về. Em quen một bạn gái chơi đá cầu chung, thân một chút thì bạn rủ em ra dạy học cho trẻ em đường phố ở bến Bạch Đằng. Em ra dạy học, quen các bạn trong nhóm của bạn gái ấy và bắt đầu đi thiện nguyện cùng nhóm. Mỗi chương trình mang lại cho em những cảm xúc và trải nghiệm rất tuyệt vời. Em cứ thế mà đi và giữ nguyên lửa nhiệt huyết cho đến bây giờ và chắc chắn sẽ còn đi cho tới già. Không chỉ có đi và kêu gọi ủng hộ mà thường Uma trích 30% tiền các đơn hàng bán được trong thời gian gây quỹ của chương trình, ủng hộ vật phẩm, mua quà, kêu gọi bạn bè hỗ trợ thêm, làm chương trình tạo ra sản phẩm gây quỹ...

Trên facebook của Uma có slogan rất ấn tượng là “giữ tâm sáng để bay xa rộng khắp”. Hỏi, nên hiểu thế nào? Uma cười: “Đơn giản là châm ngôn cuộc sống của em. Nghĩa là luôn cố gắng giữ tâm và cuộc sống của mình trong sạch, chân chính, tươi đẹp để có thể ngẩng cao đầu tự hào đi khắp mọi nơi. Em chọn câu này vì nó hướng em sống một cuộc sống tươi đẹp, thanh thản, tự do”.

Uma cho hay đã từng từ chối những người mách nước cách kiếm tiền từ hoạt động thiện nguyện. Rồi Uma say sưa kể về những dự định cho tương lai. Cô bảo “nếu không có gì thay đổi thì cuối năm nay, em sẽ mở một nhà hàng bán đồ ăn chay, trong đó có một phần diện tích dành để dạy nghề “vẽ” tranh và làm trang sức cho trẻ em khuyết tật. Em có tham vọng biến không gian đó thành một địa điểm ăn uống, mua sắm và tham quan dành cho bạn bè quốc tế đến Việt Nam. Trên hết, nó là nơi để em truyền nghề cho trẻ em khuyết tật để giúp các em “cần câu” cải thiện chất lượng cuộc sống. Thời gian qua, cũng có rất nhiều người đến xin em truyền nghề nhưng em chỉ truyền cho trẻ khuyết tật”.

Ngạc nhiên nhất là chuyện Uma kể có người đặt vấn đề “mua nghề” với giá 500 triệu đồng nhưng cô không bán và có nhiều hơn nữa cũng không bán. “Mới đây có một chị thích tranh của em ngỏ ý muốn bỏ vốn - tiền tỉ ra đầu tư cho em “làm lớn” nhưng em không chịu với lý do: Em muốn tự mình đi chứ không cần ai phải cõng! Em muốn khám phá và trải nghiệm con đường đi của riêng mình chứ không muốn đi lại con đường mà người khác đã đi dù biết sẽ rất khó khăn, gian khổ…”. Nghe chợt nhớ một câu nói của Donald Trump thời còn là doanh nhân, chưa làm tổng thống Mỹ: “Đã nghĩ là phải nghĩ lớn”. Chỉ riêng việc không muốn ai cõng mình dù biết chắc tự đi sẽ rất gian nan, thậm chí là thất bại của Uma thôi cũng đủ là tấm gương cho những người trẻ muốn lập nghiệp soi thấy điều gì đó có ích cho bản thân mình...

“Điếc không sợ súng”

Uma - Nguyễn Nhật Minh Phương sinh năm 1986, quê ở Quảng Nam, hiện đang sinh sống và làm việc ở TPHCM; tốt nghiệp sư phạm chuyên ngành mầm non và từng làm việc tại một số trường mầm non quốc tế ở TPHCM. Cô từng trải nghiệm Gap Year 2 năm (2007-2009): Tham gia và học hỏi các chương trình thiện nguyện trong nước, tự tổ chức chương trình riêng dành cho trẻ em mồ côi và khuyết tật, và trang trải cuộc sống bằng nghề tay trái - bán lẻ các sản phẩm tự làm từ dây đồng. Đã tham gia triển lãm “Nghệ thuật từ đôi tay lần 5” vào tháng 7.2016 tại TPHCM và được đón nhận - công nhận một loại hình nghệ thuật mới: “Làm tranh bằng dây đồng”. Tác phẩm đầu tay “Trong đầm gì đẹp bằng sen”, Uma tặng gây quỹ cho chương trình “Góp nắng xuân 2016” của nhóm Ngàn Hạc Giấy... Xem tranh và những mẫu trang sức của Uma, rất khó để tin là cô gần như không biết gì về hội họa. Uma cười lớn: “Đó là sự thật một trăm phần trăm. Mãi cho đến gần đây em mới biết sơ sơ về những khái niệm của hội họa như tỉ lệ, đường chân trời, tranh chấp, màu nóng lạnh… Nhiều người bảo em làm được là vì em điếc không sợ súng! Và cũng chính nhờ vậy mà em đã pha được ra những màu rất lạ mà không nhiều người pha được!”.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn