MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nơi xảy ra trận chiến ác liệt giữa tàu không số 235 và máy bay, tàu chiến của địch.

Vang vọng bản hùng ca 235

Ghi chép của Nhiệt Băng LDO | 14/07/2017 06:23
49 năm trôi qua, con tàu không số mang mật danh 235 vẫn là bản hùng ca bất tử. Liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh và 13 chiến sĩ anh dũng hy sinh vẫn sống mãi trong lòng tổ quốc. Đảo Phan Vinh (thuộc quần đảo Trường Sa) là nơi mặt trời đến sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam, biển Ninh Vân - nơi các anh nằm xuống luôn trong xanh biêng biếc...
Đêm quyết tử cho tổ quốc quyết sinh

Đường tới Ninh Vân (Khánh Hòa) bây giờ ngoài đường biển, còn có con đường nhựa uốn lượn xẻ chân núi Hòn Hèo dẫn đến tận xã. Ở đây, phong cảnh mê hoặc, con người thắm tình. Bà con xã Ninh Vân chính là bờ vai che chở, cưu mang những người lính anh hùng năm xưa trên con tàu không số mang mật danh 235.

49 năm trước (đêm 29.2, rạng sáng ngày 1.3.1968), 20 cán bộ, chiến sĩ tàu không số 235 - làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường Quân khu VI - đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng với 7 tàu chiến và 2 Liên đoàn biệt động Mỹ, ngụy.

Người chỉ huy tàu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh (SN 1933, quê xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) mưu trí, kiên cường chiến đấu, cùng đồng đội thả hàng xuống biển an toàn và kịp thời. Dẫu bị địch phát hiện, biết mình đang ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết, các anh vẫn tỉnh táo quyết định kích nổ tàu, không để lại dấu vết.

Hành động này được một sĩ quan Hải quân Sài Gòn viết trên tạp chí Lướt Sóng vào thời đó: “Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ cùng Quân lực Việt Nam Cộng hòa có phi cơ yểm trợ, đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt Cộng (thực tế chỉ có 20 thủy thủ trên tàu 235) gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập tiếp tế cho Mặt trận giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy, không để lại một dấu vết…”.

Ông Nguyễn Bá Cường - nguyên Trạm trưởng Trạm xá căn cứ Hòn Hèo, nguyên Bí thư Huyện ủy Ninh Hòa - kể: “Ngày ấy, 1 trung đoàn địch nhận tiêu diệt những người lính còn sót lại trên tàu 235. Sau hơn 10 ngày đêm truy kích tìm không ra manh mối, chúng đã thu gom xác của những chiến sĩ còn sót lại trên bờ chôn tạm vào một hố”. Sau giải phóng, bà con Ninh Vân đã đào ngôi mộ tập thể này lên, chia thành 14 phần xương nhỏ, tạo nên 14 ngôi mộ, người có tên, người không tên, xương cốt các anh trộn lẫn vào nhau.

Sau giải phóng, đêm xuống, người dân Ninh Vân đi biển, ngang qua nơi các anh nằm xuống, họ... nghe các anh hát bài ca cách mạng, bài ca chiến thắng. Đó là lý do, vài hôm sau, họ lập ngay miếu thờ, thắp hương cho các anh, trước khi tại đây có Bia tưởng niệm di tích cấp tỉnh vào năm 2011 và Di tích cấp quốc gia vào năm 2014.
Nhà thờ mà vợ chồng bà Phạm Thị Hường xây dựng ở phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) để tưởng nhớ sự hy sinh của các liệt sĩ tàu 235. Ảnh: NB
Nguyện ước tột cùng

Trong ký ức bà Phạm Thị Hường (từng làm việc tại bến K67, đơn vị làm nhiệm vụ tiếp nhận hàng từ tàu 235), những ngày đón 5 chiến sĩ may mắn còn sống, gồm các anh: Nguyễn Duy Phong, Lê Duy Mai, Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thật là những ngày tháng đói khổ vô cùng. 13 ngày đêm địch càn quét là ngần ấy thời gian các anh đói khát, là ngần ấy thời gian các anh chống cự với thương tích khắp mình. Trừ anh Mai Văn Khung trong lúc cố bò xuống dòng suối tìm nước uống bị địch bắt, các anh còn lại đều thoát chết diệu kỳ.

Khi địch càn quét qua, toàn bộ lương thực, thực phẩm ở bến K67 lẫn trạm xá đều bị chúng đốt phá. Tìm gặp, tiếp nhận các anh về trạm xá, bà Hường phải leo rừng đào khoai mài về nấu cho các anh ăn và nhặt từng tấm dù pháo sáng nằm trên mặt đất về kết lại làm võng cho các anh nằm. “Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in, lúc chia tay trở về Bắc, các anh còn nắm chặt tay tôi, khóc, Hường ơi, những bọc võng em đã may cho tụi anh, sau này tụi anh sẽ cho vào bảo tàng” - bà Hường rưng rưng kể.

Trong tâm khảm bà Hường, nơi các anh ngã xuống có miếu thờ, có bia di tích quốc gia, coi như thỏa nguyện rồi. “Nhưng nếu có điều kiện, các đơn vị có trách nhiệm hãy trục vớt tàu lên, rồi đầu tư thêm nhà trưng bày, bỏ các mảnh tàu, hiện vật vào đấy một cách trang trọng. Nếu có điều kiện nữa, chính quyền, đơn vị chức trách hãy xây cho các anh một ngôi chùa hay một nhà thờ. Để hằng ngày tiếng chuông chùa ngân ra phía biển, như nói với các anh rằng, nơi này đã hòa bình, hòa bình có được đổi lấy bằng máu thịt của các anh. Để trong thẳm sâu của tầng tầng lớp lớp rong rêu, linh hồn các anh được siêu thoát...” - bà Hường ước nguyện.

Ít ai biết, vợ chồng bà Hường bỏ tiền xây hẳn một nhà thờ trong khuôn viên Đài tưởng niệm phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, ngày ngày thắp hương cho các anh. Rảnh rỗi, bà Hường đi kêu gọi tài trợ ghế đá, cây cảnh cho nơi này thêm đẹp. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 1.3, vợ chồng bà Hường tổ chức đám giỗ cho các anh ngay tại xã Ninh Vân, nơi xảy ra trận chiến lịch sử của tàu 235. Bà Hường rơm rớm nước mắt: “Các anh hy sinh cho mình được sống, nay mình ăn ngon, mặc đẹp, mình không ở nhà lầu nhưng cũng ấm áp hơn các anh, cho nên phải xây chùa hoặc nhà thờ cho các anh cũng có mái ấm như mình vậy”.
Bia tưởng niệm 14 chiến sĩ tàu 235 đã anh dũng hy sinh vì sự bình yên của tổ quốc. Ảnh: N.B

Không chỉ giỗ riêng cho các chiến sĩ tàu không số, bà Hường còn lấy ngày 27.7 hằng năm là ngày giỗ chung cho các liệt sĩ đã hy sinh trên núi Hòn Hèo. Bà lại khóc: “Ngày 27.7 tôi cũng cúng lớn lắm. Làm 5-7 bàn. Ngày 25 tháng chạp hằng năm tôi cũng tổ chức tất niên cho mấy anh. Kinh phí tôi xin được chừng nào thì xin, còn tự mình bỏ ra. Miễn các anh vui là được”. Nhìn đôi mắt ngấn lệ của vợ, ông Cường chồng bà bảo: “Bà ấy rất có tâm với đồng đội. Cứ nhắc các anh, kể chuyện các anh là
bà khóc”.

Đêm chiến đấu ác liệt năm ấy, ông Nguyễn Bá Trọng - cựu cán bộ xã Ninh Vân - là một đứa trẻ chứng kiến những điều quá sức tưởng tượng của một đứa trẻ. “Cả đêm ấy, tôi trèo lên ngọn cây trên núi nhìn xuống và chứng kiến trận đấu không cân sức giữa các chiến sĩ tàu 235 và địch. Các anh, đặc biệt là thuyền trưởng Phan Vinh quá mưu trí, gan dạ, quả cảm, kiên cường…” - ông Trọng nhớ lại.

Lúc đó, ông Trọng chỉ mới 8 tuổi. Cái tuổi mà ông bảo như con chim còn nằm trong tổ, ông đã ở trong hang đá theo lời mẹ, nhưng ông liều mình ra ngoài nhìn các anh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đó là lý do ông trở thành người lính từ sau năm 1970. “Ngày ấy, các anh may mắn sống sót sau 13 ngày đêm đói khát được đưa về trạm xá, tôi chạy lên thăm các chiến sĩ và các anh rất thương tôi” - ông Trọng nói. Đó là kỷ niệm ông Trọng không thể nào quên.

Bao nhiêu năm qua, là người con đất Ninh Vân, sau này là cán bộ phục vụ nhân dân, ông Trọng vẫn vẹn nguyên tâm tư: “Việc xây dựng bia lịch sử hơi chậm. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng chưa đạt yêu cầu của một di tích lịch sử cấp quốc gia, chưa xứng tầm với công lao của các anh”. Ông đồng quan điểm với vợ chồng bà Hường là cần thiết phải trục vớt xác tàu lên, xây dựng nhà trưng bày, đưa hiện vật đặt vào đấy. “Đó là hiện vật lịch sử vô giá, cần gìn giữ” - ông Trọng nói.

“Cho đến bây giờ Ninh Vân vẫn chưa được công nhận là xã anh hùng. Sau giải phóng, ngôi làng bên con tàu 235 vẫn là một thôn mang tên Đầm Vân (thuộc xã Ninh Phước). Có thể một thôn không thể là thôn anh hùng nên danh hiệu này phong cho xã Ninh Phước. Bây giờ chúng tôi đã tách khỏi xã Ninh Phước rồi nên cũng cần xem xét lại cho phù hợp. Vì sao? Vì ở đây có 25 liệt sĩ, nhưng chỉ có khoảng 2.200 nhân khẩu, đặc biệt đây là nơi cưu mang các chiến sĩ tàu không số 235 anh hùng” - ông Trọng nói.

Chúng tôi rời Ninh Vân lúc trời đổ bóng. Trước mặt di tích biển trong xanh đến lạ, những rạn san hô đẹp mê hồn. Và nghe còn đây nỗi buồn, niềm thương nhớ các anh...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn