MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Phương Bắc - chủ tịch Công đoàn bộ phận ga Đồng Chuối - chăm sóc đàn gà . Ảnh: L.NGUYÊN

Về ga Đồng Chuối, xem công nhân nuôi gà, nuôi ong

LINH NGUYÊN LDO | 04/04/2018 06:23
“Ngày 6.2, bọn em xuất 40 con gà lứa đầu tiên về Hà Nội. Tết ông Công, ông Táo vừa rồi, xuất tiếp 40 con toàn trống, cũng về Hà Nội, giá 120.000/kg. Ong thì nuôi 10 ổ gửi dưới núi, ít nữa, khi trời ấm sẽ mang lên...”. Đấy là câu chuyện vào 1 chiều mưa lạnh với anh em nhân viên ga Đồng Chuối (thuộc Chi nhánh khai thác Đường sắt Nghệ Tĩnh).

Thật bất ngờ, ở giữa rừng núi lại được nghe và chứng kiến mô hình sản xuất đang đem lại nguồn lợi, cải thiện đời sống người lao động. Với anh em nhân viên ga - những đoàn viên công đoàn, thì được như thế là nhờ chủ trương của công đoàn.

Thả gà lên rừng, chiều gõ kẻng gọi về...

Ga Đồng Chuối nằm trên đỉnh đèo Khe Nét (Quảng Bình) ở km 414 +930. Cứ theo đường vào xã Hương Hoá, huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) sẽ thấy ga Đồng Chuối nằm ở giữa rừng. Trước đây có tàu hàng, tàu khách và tàu chợ. Nay ga chỉ còn đón tàu hàng và tàu khách. Ga có 10 người và 2 người của thông tin tín hiệu. Ra phía sau dãy văn phòng ga, giật mình vì được đón tiếp bằng... tiếng quang quác của đàn gà được nhốt trong khoảnh đất quây bằng tôn và lưới. Trên 100 con gà, con nào lông cũng mướt, thấy có người cùng kêu ầm ĩ đòi ăn.

Trực ban Nguyễn Phương Bắc - chủ tịch công đoàn bộ phận - dẫn tôi ra phía sau dãy nhà văn phòng ga, bảo ở ga, anh em thay phiên nhau, ngày không lên ban sẽ chăm sóc gà, cho ăn 3 bữa. Thường thì gà được thả lên khu rừng ngay phía sau dãy nhà văn phòng, đến chiều chỉ việc gõ kẻng gọi gà. Ấy thế mà lần nào đàn gà cũng về đủ, không thiếu con nào. Gà giống được mua dưới huyện. Thức ăn là cám ngô và cơm thừa. Cũng có lúc, gà ăn nhiều quá, vốn ít, không đủ tiền mua cám, những anh em không lên ban lại cùng nhau vào rừng chặt chuối, về băm ra, trộn với cám làm thức ăn.

Đàn gà quang quác “chào” khách lúc nãy đã nuôi được 4 tháng, lúc đầu có 180 con, ngày 6.2 có 40 con đủ tiêu chuẩn xuất chuồng về Hà Nội. Mỗi con nặng trên dưới 1,3 kg. Thịt gà thì khỏi nói, vừa chắc, vừa ngọt, vừa thơm. Tết ông Công, ông Táo vừa rồi xuất tiếp 40 con toàn trống, cũng về Hà Nội, giá 120.000/kg. Tổng số tiền thu về, anh em để dành trả vốn vay. Chỉ tiếc, đất rộng nhưng đợt gà này không để đẻ trứng vì mưa rét. Năm 2016, anh em ga Đồng Chuối đã nuôi gà, nhưng chỉ là tăng gia tự phát. Cũng năm ấy, mấy yến gà chết vì dịch bệnh do những chuyến tàu chợ lúc đó mang theo gà đã đem dịch đến.

Giấc mơ về thương hiệu mật ong

Không dừng ở nuôi gà, anh em ga Đồng Chuối còn gây dựng cả đàn ong để nuôi lấy mật. 10 ổ ong gửi dưới đồng bằng sẽ được mang lên ga khi trời ấm. Khá ngạc nhiên, vì nuôi gà thì có vẻ đơn giản, nhưng nuôi ong lấy mật lại cần kỹ thuật, mà anh em nhân viên ga Đồng Chuối không những dám nuôi mà còn quyết tâm xây dựng thương hiệu mật ong. Giải toả nỗi thắc mắc, Bắc chia sẻ, có gia đình 1 nhân viên của ga đã nuôi nhiều ong nên có kinh nghiệm. Nhân viên này truyền kinh nghiệm cho anh em trong ga, từ nơi lấy giống, cách sang đàn, lấy mật và ... bán mật. Nói rồi Bắc chỉ về phía rừng cây ngút ngàn phía sau dãy nhà văn phòng, nơi gà được thả lên, bảo: Các ổ ong sẽ được để trên đó, ong sẽ tha hồ tìm hoa hút mật, đảm bảo mật ong của anh em ga Đồng Chuối là loại ngon. Ngay diện tích trồng keo và tràm đó cũng đem lại nguồn thu. Sau khi thu hoạch lứa đầu tiên, anh em đã có 1 khoản để chia nhau tăng thu nhập, số còn lại đầu tư mua tiếp cây giống để trồng.

Chủ trương của công đoàn là đòn bẩy

Trước đây, từ những năm 2003 - 2004, anh em ga Đồng Chuối đã đào ao thả cá. Cuộc sống ở khu ga nằm trên đèo heo hút sẽ thiếu thốn thực phẩm nếu không tự tăng gia vì xa chợ. Nhưng cá cũng chỉ nuôi được cá gáy vì nước ở đây lạnh và thức ăn cho loại cá này dễ kiếm hơn, phấn lớn là cơm thừa. Cá nuôi ở ao chủ yếu phục vụ bếp ăn tập thể của ga.

Câu chuyện về gà, ong, cá chợt chùng xuống vì câu hỏi: Ở đây, xa mọi thứ thế này có buồn không? Nguyễn Kim Nhã - nhân viên thông tin tín hiệu tại ga - nói chân thành: Đúng là ở đây hơi buồn, thời tiết gần như mưa quanh năm, nhưng điều kiện sinh hoạt thì đầy đủ, từ wifi, bình nóng lạnh đến máy giặt, máy sưởi vì có sự quan tâm của Công đoàn Chi nhánh. Sau giờ lên ban, anh em chơi bóng chuyền, chơi thể thao; thỉnh thoảng chơi xong, thịt 1 con gà liên hoan. Với đàn gà phát triển từ vốn vay của Công đoàn Chi nhánh, anh em không chỉ bán được, thu tiền về (số tiền này được giữ lại để trả vốn vay) mà bữa ăn còn thường xuyên được cải thiện. Từ tết đến nay, anh em làm thịt hơn chục con.

Từ chỗ nuôi gà, thả cá tự phát, đến nay, gà và ong đã được vào “quy hoạch” vì nhân viên của ga - những đoàn viên công đoàn - thực hiện chủ trương của công đoàn. Thực hiện chương trình hành động vì lợi ích của đoàn viên công đoàn năm 2017, để đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, cải thiện đời sống của người lao động trong toàn Chi nhánh khai thác Đường sắt Nghệ Tĩnh, Ban Thường vụ Công đoàn Chi nhánh yêu cầu các công đoàn bộ phận trực thuộc phối hợp cùng chuyên môn chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc của cán bộ công nhân viên trong đơn vị; nghiên cứu mô hình sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với đơn vị mình. Công đoàn Chi nhánh phối hợp cùng chuyên môn sẽ hỗ trợ cho các đơn vị vay vốn để sản xuất kinh doanh. Thời gian vay là 12 tháng, không tính lãi, nguồn kinh phí nằm trong “Quỹ hỗ trợ việc làm” của chi nhánh. Để có được khoản vay này, các đơn vị phải lập dự án, dự toán kinh phí cụ thể để phát triển sản xuất kinh doanh tại đơn vị. Công đoàn Chi nhánh cũng nhấn mạnh, ưu tiên các đơn vị vay vốn để phát triển kinh tế như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản… nhằm tăng thêm thu nhập và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho cán bộ công nhân viên.

Sau khi lập dự án đầu tư mô hình và có đơn xin vay vốn, Công đoàn ga Đồng Chuối được vay 15 triệu. Trả lời thắc mắc “sao toàn những người chỉ biết đến tín hiệu, toa tàu, đường ray… lại có thể lập dự án thuyết phục được về nuôi gà, nuôi ong”, Bắc bảo: ”Khó nhưng phải tìm cách để làm, mà còn làm việc này thật tốt nhưng không ảnh hưởng đến công tác chuyên môn”. Thì ra, anh em đã cùng nhau đọc thêm sách chăn nuôi, xuống đồng bằng gặp những người có kinh nghiệm để học. Đó là những cơ sở quan trọng để lập dự án cụ thể về việc mua giống gà, ong, thức ăn, xây chuồng, lập đàn…có kèm theo dự trù kinh phí cụ thể cho từng mục.

Giờ đến ga Đồng Chuối, có thể thấy mô hình chăn nuôi đã hình thành và chắc chắn là sẽ phát triển bền vững. Nhưng để có được như vậy, ngoài yếu tố quan trọng là chủ trương cho làm, cho vay vốn của công đoàn còn là sự thống nhất, đồng thuận chung tay của toàn thể đoàn viên trong công đoàn bộ phận.

Khi chuẩn bị làm, Chủ tịch công đoàn Nguyễn Phương Bắc đã họp anh em. Những rủi ro cũng như thành công của việc nuôi gà, nuôi ong đều được bàn đến. Bởi, khi đã vay vốn làm thì không còn là tự phát, nghĩa là phải chấp nhận nếu thua lỗ anh em phải bù tiền vào để trả. May mắn là anh em đều nhất trí. Hỏi lại cái cảm giác lúc bàn bạc, đi đến quyết định làm đó như thế nào, anh em bảo: Thực ra, cũng có lo lắng, vì dù thế nào cũng chỉ là việc tay ngang mà nuôi đến gần 200 con gà, sau này có khi còn nhiều hơn, rồi cả ong, nhưng rồi nguồn động viên lớn nhất chính là chủ trương và số vốn Công đoàn Chi nhánh cho vay.

Đi dọc các tuyến của đường sắt, thấy hầu hết các ga, các cung đường có điều kiện đều nuôi gà, thả cá, nuôi lợn để cải thiện đời sống cho người lao động, nhất là những nơi xa khu dân sinh thì đây là nguồn thực phẩm chính. Nhưng có hẳn mô hình như ga Đồng Chuối đang là mơ ước của nhiều nơi.

Mùa này, càng về chiều, đỉnh đèo Khe Nét càng trầm lặng. Tất cả đều bị mưa mù che phủ. Anh em nhân viên ga, người lên ban, người lo bếp núc, người chuẩn bị cho gà ăn. Hằng tháng, Công đoàn ga Đồng Chuối đều tổ chức sinh hoạt công đoàn. Hỏi vui, việc chăn nuôi có là một trong những nội dung sinh hoạt không? Tất cả anh em cùng cười. Họ bảo sinh hoạt công đoàn là bàn đến việc trách nhiệm của đoàn viên công đoàn đối với thực hiện chuyên môn, trong đó có làm thế nào để đảm bảo công tác an toàn chạy tàu, an toàn đèo dốc, vệ sinh nơi làm việc…, và có một phần nội dung về cải thiện đời sống cho anh em.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn