MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

10 năm lên bờ nhưng cái nghèo vẫn đeo bám những cư dân vạn đò

PHÚC ĐẠT - NGUYỄN LUÂN LDO | 04/04/2023 09:41

HUẾ - Hơn chục năm trước, việc đưa hàng chục hộ dân sống bấp bênh trên sông nước lên bờ được đánh giá là dự án thành công trong việc tái định cư dân vạn đò của tỉnh Thừa Thiên Huế. Giờ đây, cuộc sống của các cư dân vạn đò đã không còn bấp bênh theo con nước, tuy nhiên, sau hơn một thập niên từ sông lên bờ, nghèo khổ vẫn tiếp tục đeo bám với những phận đời nơi đây. 

Với mục tiêu giúp người dân khu vực ven các sông trên địa bàn tỉnh có thể “thuận canh, thuận cư", năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành mở cuộc di dân quy mô lớn, đưa những cư dân không nhà không cửa, sống chênh vênh dưới sông lên bờ tái định cư.
15 năm trước, riêng TP. Huế có hơn 1.000 hộ dân vạn đò với khoảng 6.000 nhân khẩu sống trôi dạt trên sông Hương và các nhánh sông. Họ sống tập trung ở 7 phường thuộc TP. Huế, trong đó đông nhất là các phường Gia Hội, phường Thuận Lộc, phường Vỹ Dạ.
Vòng xoay cuộc sống luôn vật lộn với nghèo đói, thất nghiệp, thất học, sinh nhiều con, tệ nạn xã hội… không lối thoát; năm 2019, cuộc đưa dân vạn đò trên các dòng sông ở Huế lên bờ định cư được hoàn tất. Tỉnh Thừa Thiên Huế tổng kết, đánh giá “đây là dự án thành công nhất trong việc tái định cư dân vạn đò“.
Sau 15 năm mang trong mình niềm hy vọng tốt đẹp về cuộc sống mới ở trên cạn, từ những ngư dân vô gia cư, dân vạn đò nay đã có một nơi trú ngụ bằng công trình bê tông cốt thép, được gọi là các khu chung cư của dân vạn đò. Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ thế, bởi thích nghi với điều kiện ở trên cạn vốn không dễ dàng đối với những người dân không vốn liếng, không biết tờ giấy khai sinh là gì, không rõ cội nguồn và đặc biệt là ít được học hành.
Theo các hộ dân sống tại khu tái định cư Phú Hậu cho biết, sau khi rời sông lên bờ sinh sống, họ được chính quyền cấp cho căn phòng rộng chừng 60m2, một căn phòng trống không, ai vào ở đều phải bỏ thêm tiền xây vách ngăn, dựng thêm gác lửng để có đủ chỗ sinh hoạt cho cả nhà.
 Mỗi hộ đều phải bốc thăm để chọn vị trí khu vực mà mình ở và tùy vào diện tích, họ được chính quyền thông báo mức giá phải trả để sử dụng những căn phòng này.
Theo tìm hiểu, khu chung cư tái định cư Phú Hậu bao gồm 5 dãy nhà gồm I, Q, K được xây dựng từ năm 2000 và đưa vào sử dụng từ năm 2005; còn 2 dãy P, A được sử dụng từ năm 2008. Mặc dù sử dụng chỉ mới trong vòng 10 đến 15 năm nhưng hệ thống mạng điện đã mục nát lộ dây đồng rất nguy hiểm, hệ thống nước không còn sử dụng được; hầm cầu tắc nghẽn, đèn điện thắp sáng hành lang không có.
Ông Lê Trò (75 tuổi) sống ở khu tái định cư Phú Hậu chia sẻ: “Tôi cứ tưởng khi chuyển lên đây ở thì được hỗ trợ miễn phí nhà ở, vì thế gia đình tôi mới chuyển lên đây. Nhưng ai ngờ, ở mới được một thời gian không những phải lo chuyện tiền nhà mà còn đối mặt với nhà cửa xuống cấp, nhếch nhác. Nhà phong rêu thì tôi chấp nhận được nhưng các ống nước mục nát hết rồi, nhiều lúc không có nước sinh hoạt, rất bất tiện”.
Bà Hoa vợ ông Trò dùng soong liên tục hứng nước từ nhà vệ sinh tầng trên của hàng xóm thấm nước nhỏ giọt liên hồi xuống sát chỗ ngủ. Được biết, gia đình hai ông bà còn có thêm 3 người con chưa vợ chưa chồng, cả 5 người hiện đang sống chen chúc, cực khổ trong gian nhà bí bách này.
Chung cảnh ngộ, hộ gia đình ông Bùi Xuân Lộc (59 tuổi) cũng là một cư dân vạn đò xưa, lên bờ định cư đến nay đã được 14 năm, quần quật quanh năm nhưng cuộc sống vẫn không khá lên được. Theo ông Lộc, ngày xưa ông sống cùng vợ con trên một con đò nhỏ dưới sông Hương, sau khi chuyển vào chung cư ở, ông đã bán đi chiếc đò với giá 13 triệu đồng. Chiếc đò này là tài sản duy nhất của mấy đời nhà ông để lại, nay bán đi để tu sửa nhà ở trong khu chung cư, khiến gia đình ông không còn phương tiện để tiếp tục kiếm kế sinh nhai.
“Sau khi thất nghiệp, tôi đã vay tiền mua lại chiếc xích lô cũ để kiếm thu nhập. Nhưng nay tuổi đã cao, sức đã yếu, đến công việc cuối cùng tôi có thể làm được cũng buộc phải dừng lại, kiếm được vài đồng bạc mà không đủ chi trả thuốc men”, ông Lộc tâm sự.
Nơi tái định cư xuống cấp.
"Tháng nào gia đình tôi cũng phải đi vay tiền từ bên ngoài. Tháng này, số tiền vay của gia đình là một triệu hai trăm nghìn; hai vợ chồng già không làm được gì, chỉ biết trông cậy vào đồng lương ít ỏi từ việc chạy xích lô của người con trai cả; mỗi ngày tôi phải trả góp năm mươi nghìn, nếu không đúng hạn người ta sẽ không cho vay nữa”, Nguyễn Thị Hoa (70 tuổi) nói.
Phần cơm nguội được người dân phơi nắng để làm cốm ăn dần, đó là một trong những cách “thắt lưng buộc bụng” để những người dân nghèo giảm bớt chi tiêu.
Việc lên bờ định cư là ước mơ bao đời với không chỉ các hộ dân vạn đò mà còn của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cần có những giải pháp cụ thể để tạo điều kiện hơn nữa cho những cư dân vốn chịu nhiều thiệt thòi, yếu thế. Liệu sẽ có những chính sách mới nào để tạo kế sinh nhai cho hàng nghìn cư dân này?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn