MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

20.10 không có quà của những phụ nữ "đặc biệt" chợ Long Biên

Duy Hiệu LDO | 20/10/2017 12:00

Là phụ nữ nhưng ngày 20.10 đến với bác Hậu, một trong hàng trăm người phụ nữ kéo hàng ở chợ đêm Long Biên thật bình thường. Không nghỉ ngơi, không hoa, không quà, đôi tay chai sần của bác vẫn tiếp tục kéo những chuyến hàng với mong muốn kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

Ở chợ Long Biên, không ai còn xa lạ với hình ảnh những người phụ nữ kéo hàng chục thùng hàng trên chiếc xe kéo chông chênh. Thậm chí, số lượng phụ nữ làm công việc này ngày một nhiều hơn đàn ông.
Bác Nguyễn Thị Hậu (52 tuổi) quê ở Nam Định cùng chồng lên Hà Nội, làm ở chợ Long Biên đã hơn 10 năm nay. Trước đây vợ chồng bác làm nhiều việc khác nhau như: thồ hàng, bốc vác,… bây giờ chuyển sang kéo xe. Tuy nhiên, chồng bác về quê cách đây 2 năm, còn bác vẫn bám trụ với công việc này đến tận bây giờ.
Khi ánh đèn đường lờ mờ trong màn đêm, bác mới bắt đầu ngày làm việc của mình. Hành trang theo bác là một chiếc xe kéo hai càng cùng một túi nhỏ để đồ lặt vặt. Hành trình bắt đầu từ 10 giờ tối và chỉ kết thúc khi trời sáng, chợ đã tan.
Hàng bác kéo chủ yếu là hoa quả, mỗi đêm đi làm bác kéo được 3 đến 5 chuyến, tuy nhiên cũng có những hôm mưa gió chẳng được chuyến nào. Trên mỗi xe hàng của bác luôn là hàng chục thùng hoa quả, tổng khối lượn nặng khoảng 600-700kg. Ảnh: Minh Hoàng
Nói là kéo hàng nhưng ngoài việc kéo, bác Hậu cũng phải tự tay vận chuyển những thùng hàng lên xe tải. Vận chuyển hàng chục thùng nhưng chia trung bình cả công kéo và bốc hàng chỉ được 2000-3000 đồng/thùng.
Những “ngày tuần” (ngày cuối tháng, đầu tháng, ngày rằm âm lịch) cả khu chợ chật chội người mua kẻ bán, xe tải xếp thành hàng dài. Đây là những ngày bác Hậu có thể “kiếm” được nhiều hơn ngày bình thường. Mặc dù hàng nhiều nhưng để có được một chuyến hàng bác cũng phải cạnh tranh với rất nhiều xe kéo khác. 20-10 năm nay vào đúng mùng một âm lịch, và công việc của bác sẽ lại ròng rã trên chiếc xe kéo.
Tuy vất vả mỗi đêm là vậy nhưng trở về nhà bác Hậu vẫn dành những khoảng thời gian để kể những câu chuyện vui trong ngày cùng những người hàng xóm. Bác Hậu tâm sự rằng cái nghề này có vất vả nhưng đã nuôi bản thân bác cũng như nuôi 4 đứa con của bác, bác luôn vui vì điều đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn