MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

45 năm - cuộc chuyển mình mạnh mẽ của nền nông nghiệp "Đất Chín Rồng"

TRẦN LƯU LDO | 30/04/2020 09:39

Từ một vùng đất nghèo khó, vùng ĐBSCL đã không ngừng đi lên, trở thành vựa lúa, vựa trái cây, trung tâm thủy sản lớn nhất nước. 45 năm sau ngày thống nhất non sông, nền nông nghiệp "Đất Chín Rồng" đã có cuộc chuyển mình ấn tượng.

Nếu như năm 1975, toàn vùng ĐBSCL canh tác chỉ hơn 2 triệu ha lúa, tổng sản lượng chỉ hơn 5 triệu tấn, sau 45 năm, diện tích gieo trồng lúa tăng lên khoảng 4,3 triệu ha, đạt sản lượng gần 25 triệu tấn/năm.
Kinh tế vùng ĐBSCL với nền nông nghiệp là chủ lực đã không ngừng đi lên. Từ chỗ canh tác thô sơ, lạc hậu đã áp dụng mạnh mẽ những tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tăng năng suất, sản lượng... Ảnh: Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL.
Đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một cường quốc xuất khẩu gạo nhất nhì trên thế giới với sản lượng xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn/năm. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2020, dù bị ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng xuất khẩu gạo vẫn đạt 929.000 tấn, thu về hơn 430 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và tăng 38% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Hoạt động tại một doanh nghiệp xuất khẩu ở Tiền Giang.
Những tháng đầu năm 2020, vùng ĐBSCL đã phải hứng chịu đợt hạn mặn khốc liệt chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, triển khai nhiều giải pháp phòng chống hiệu quả, nên vụ lúa đông xuân vẫn thu hoạch thắng lợi với sản lượng gần 10,8 triệu tấn.
Nếu như cả nước có khoảng 1 triệu ha diện tích trồng cây ăn trái thì khu vực ĐBSCL chiếm tới 600 nghìn ha, tổng sản lượng cây trái hàng năm đạt hơn 6,6 triệu tấn, chiếm khoảng 67% sản lượng của cả nước. Trong đó, có nhiều loại cây ăn trái đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Hoạt động thu mua bưởi Năm Roi, một loại trái cây đặc sản của vùng ĐBSCL.
Từ chỗ nuôi trồng nhỏ lẻ trong những năm đầu giải phóng, đến nay, vùng ĐBSCL đã trở thành trung tâm thủy sản của cả nước. Trong năm 2019, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước đạt khoảng 1,3 triệu ha, sản lượng nuôi đạt 4,38 triệu tấn, trong đó, vùng ĐBSCL chiếm hơn 50% diện tích thả nuôi và sản lượng. Ảnh: Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL.
Năm 2019, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự đóng góp của vùng ĐBSCL; tổng sản lượng thủy sản cả nước đạt khoảng 8,15 triệu tấn, tăng 4,9%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,6 tỷ USD. Ảnh: Hoạt động tại một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL.
Những năm gần đây, vùng ĐBSCL đã chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Từ chỗ bị thiệt hại, cư dân trong vùng đã chuyển sang thích ứng, sống chung với lũ, né mặn, sống chung với mặn, khai thác những nguồn lợi của thiên nhiên. Nhiều diện tích trồng lúa trên đất kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng màu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Một cánh đồng trồng rau màu ở ĐBSCL.
Bên cạnh đó là những công trình ngăn mặn, trữ ngọt cùng với những giải pháp phi công trình đã giúp vùng ĐBSCL từng bước thích ứng với thiên tai, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Ảnh: Công trình cống Âu Thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu) có tổng vốn 400 tỉ. đồng đang giúp chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu, và nuôi tôm của các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn