MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

5 tòa nhà giãn dân phố cổ xây dựng khang trang nhưng bỏ hoang hơn 1 thập kỷ

Thiện Nhân LDO | 19/08/2023 15:55

Nghịch lý này khiến nhiều người không khỏi thắc mắc bởi 5 tòa nhà giãn dân phố cổ được xây dựng khang trang, tọa lạc trên khu đất đắc địa tại quận Long Biên, không quá xa trung tâm thành phố Hà Nội nhưng đã hơn 1 thập kỷ bị bỏ hoang mà không có người chuyển về ở.

This browser does not support the video element.

Hiện nay, khu nhà giãn dân phố cổ tại phường Thượng Thanh gồm 5 tòa nhà (N015A, N015B, N015C, N015D, N015E) nằm dọc đường Lý Sơn đã bỏ hoang hơn 11 năm mà không có người về ở, gây lãng phí lớn.
Theo những người dân sinh sống quanh khu vực này, các dãy nhà được xây dựng khá khang trang nhưng đang dần xuống cấp vì đã lâu không có người ở.
“Toàn bộ các căn đều trống trơn, hiện chỉ có sảnh tầng một tại dự án này được một số người lao động thuê lại để đồ đạc và sống tạm qua ngày”, một người dân tại phường Thượng Thanh chia sẻ.
Cỏ dại mọc um tùm quanh dự án giãn dân phố cổ.
Bên trong tòa nhà, nhiều hạng mục dự án xuống cấp, trở thành các kho chứa đồ và vật liệu xây dựng.
Trong khi đó, bên ngoài sân nền nứt vỡ, sơn tường bong tróc, những tấm mái che rơi vỡ tả tơi, tạo ra cảnh sập sệ nhếch nhác tại dự án này.
Theo tìm hiểu, đầu năm 2013, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 168/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án giãn dân khu phố cổ quận Hoàn Kiếm“. Theo UBND quận Hoàn Kiếm, giai đoạn I của đề án (2009-2015) thực hiện di dời 1.530 hộ từ khu phố cổ sang sinh sống tại khu nhà ở giãn dân Việt Hưng (quận Long Biên).
Giai đoạn II của đề án (2013-2020) thực hiện di dời nốt 5.020 hộ dân đang sống trong khu phố cổ sang khu đô thị giãn dân mới Thượng Thanh, Long Biên. Quỹ đất dùng để xây dựng chung cư giãn dân ở Thượng Thanh rộng khoảng 30ha, có vị trí đẹp. Đề án giãn dân phố cổ giai đoạn II đã kết thúc vào năm 2020. Tổng mức đầu tư ước tính cho dự án là hơn 4.900 tỉ đồng.
Tuy kế hoạch đề ra là vậy, nhưng thực tế người dân lại không mặn mà. Cụ thể, sống ở phố cổ đã nhiều năm, gia đình chị Đinh Thị Lý bán đồ ăn sáng ngay tại lối đi chung của khoảng 10 căn hộ tại ngõ phố Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm) và gặp không ít bất tiện bởi đang ở chung với ông, bà và 2 con nhỏ trong căn nhà chỉ rộng vỏn vẹn hơn 10m2. Chị Lý kể: “Trước đây nắm được kế hoạch chính quyền địa phương sẽ cho người dân phố cổ di dời sang bên Long Biên sinh sống, gia đình cảm thấy vừa mừng vừa lo. Mừng vì sẽ thoát khỏi cảnh chật chội, bất tiện và lo vì không biết sẽ làm gì để sống vì cả nhà tôi đều dựa vào nồi phở bán buổi sáng”.
Đây cũng là vấn đề chung của nhiều người dân phố cổ khi họ đã quen với cuộc sống bám trụ tại các ngóc ngách trong lòng phố. Đa số người dân cho rằng, họ sẵn sàng rời đi nhưng không mong muốn sống trong một căn nhà tiện nghi, rộng rãi mà tương lai lại bất định, không có kinh tế và kế sinh nhai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn