MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

8 thay đổi trên cơ thể cần chú ý trước khi quá muộn

AN AN (THEO BRIGHT SIDE) LDO | 17/11/2021 11:17

Nếu luôn luôn sống trong sự lo lắng, nghi ngờ vấn đề sức khoẻ một cách mơ hồ thì bạn sẽ rất mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu có nền tảng kiến thức về sức khoẻ thì bạn sẽ biết cách theo dõi sự thay đổi của cơ thể, thậm chí là những triệu chứng tưởng như vô hại. Những thay đổi này có thể cảnh báo tình trạng sức khoẻ bất thường và giúp chúng ta tìm gặp bác sĩ kịp thời. Tờ Bright Side đã đưa ra lời khuyên về những thay đổi trên cơ thể cần được lưu tâm. 

1. Môi khô hoặc nứt nẻ
Da môi khô bong tróc là một dấu hiệu của dị ứng. Trong trường hợp này, hãy xem xét loại mỹ phẩm mà bạn sử dụng cũng như các sản phẩm vệ sinh răng miệng, thực phẩm ăn uống và thậm chí cả thuốc đang dùng nếu có. Các vết nứt ở khóe miệng cho thấy cơ thể thiếu vitamin B, A và E. Nếu xuất hiện thêm tình trạng khô mắt, khô miệng và các vấn đề về hệ tiêu hóa, bạn nên đến gặp bác sĩ vì có thể đó là dấu hiệu đặc trưng cho chứng rối loạn của hệ thống miễn dịch.
2. Lông mày rụng
Rụng lông mày định kỳ là điều khá bình thường nhưng nếu bạn nhận thấy lông mày rụng quá nhiều hoặc thậm chí là rụng hẳn một mảng lông mày thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ. Đó có thể là dấu hiệu liên quan đến vấn đề của tuyến giáp.
3. Thay đổi màu sắc và cấu trúc móng tay
Bất kỳ sự thay đổi nào về màu sắc hoặc cấu trúc của móng tay đều là một tín hiệu đáng báo động. Móng tay mỏng và nhợt nhạt có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu và cơ thể thiếu chất sắt. Trong khi đó nếu móng tay chuyển sang màu vàng có thể là dấu hiệu của rối loạn gan và đường dạ dày. Các đốm và sọc trắng trên móng tay cho thấy cơ thể thiếu kẽm, i-ốt, và móng tay có thể trở nên rất giòn khi thiếu vitamin, canxi, sắt.
4. Mặt đỏ
Những thay đổi sinh lý tự nhiên như thay đổi nhiệt độ, xoa bóp mặt hoặc uống rượu khiến mặt đỏ là điều bình thường. Đối với phụ nữ sau 40, mặt đỏ có thể là dấu hiệu sụt giảm nồng độ hormone cho thấy thời kỳ mãn kinh sắp bắt đầu. Mặt đỏ cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh nhiễm trùng. Ngoài ra mặt đỏ đi kèm với các cơn chóng mặt đột ngột thì bạn cần uống thuốc hoặc gặp bác sĩ ngay.
5. Gót chân khô
Da chân bị khô do thiếu vitamin A và E. Nó cũng có thể do tình trạng nấm ảnh hưởng đến lớp biểu bì. Nếu tình trạng khô ráp và sần sùi không biến mất ngay cả khi được chăm sóc đúng cách và bổ sung đầy đủ vitamin thì đây có thể là dấu hiệu rối loạn nội tiết .
6. Khô da tay và da trên cơ thể
Da khô là hiện tượng phổ biến trong mùa lạnh nhưng việc sử dụng kem dưỡng ẩm, uống nhiều nước và bổ sung vitamin là khá hữu ích. Nếu các giải pháp nêu trên không giúp cải thiện tình trạng thì tốt hơn hết bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu vì da khô cũng là một trong những dấu hiệu phổ biến của bệnh tiểu đường và suy giáp. Nếu da của bạn không chỉ thô ráp và bong tróc mà xuất hiện vết nứt, nó có thể là dấu hiệu viêm da do tiếp xúc với hóa chất.
7. Vết ố trên răng
Răng nhiễm fluor là tình trạng bề mặt răng xuất hiện các đốm màu sắc trắng đục và thường là các đốm trắng li ti hoặc các mảng màu nhỏ không đều và nằm rải rác khắp bề mặt các răng. Nếu bệnh nhân mắc bệnh răng bị nhiễm fluor thì có thể không điều trị tận cùng được mà răng sẽ bị đổi màu răng và gây ra các tình trạng xấu khác cho răng miệng như mô răng bị phá huỷ.
8. Rụng tóc
Trung bình một người rụng khoảng 100 sợi tóc mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy tóc rụng nhiều hơn, tốt hơn hết nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ vì có rất nhiều bệnh có thể ẩn sau triệu chứng này. Chúng có thể bao gồm nhiễm trùng da, rối loạn tuyến giáp, rối loạn tự miễn dịch,...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn