MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ám ảnh kẹt xe trên tuyến đường huyết mạch nối TPHCM và Bình Dương

MINH QUÂN LDO | 07/09/2022 07:00

TPHCMQuốc lộ 13 kết nối TPHCM với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước nhưng nhiều năm qua đã trở thành nỗi "ám ảnh" của người dân vì kẹt xe triền miên.

Theo ghi nhận, đều đặn mỗi ngày, sáng từ 7h-10h, tối từ 17h-19h, Quốc lộ 13 đoạn từ cầu vượt Bình Phước đến ngã tư Bình Triệu và ngược lại đều ở trong tình trạng kẹt xe kéo dài.
Có thời điểm, xe máy, xe khách, ôtô con ùn ứ kéo dài hơn 2 km đoạn từ cầu vượt Bình Phước đến cầu Đúc Nhỏ. Cao điểm buổi sáng, hàng nghìn xe máy từ Bình Dương, Thành phố Thủ Đức phải len lỏi giữa các khoảng hở, di chuyển chậm chạp vào trung tâm TPHCM.
Đặc biệt, tình trạng tắc xe cục bộ xuất hiện tại đoạn cầu Đúc Nhỏ do mặt cầu hẹp, xe cộ phải nhích từng chút một. Chỉ cần có hai chiếc xe ôtô chạy song song nhau là chắn mặt cầu, kẹt xe càng thêm kẹt.
Từ 9h sáng - thời điểm xe tải được lưu thông vào Quốc lộ 13 để vào trung tâm TPHCM giao hàng hóa, tình trạng kẹt xe càng trở nên nghiêm trọng. Theo các tài xế, đây là trục đường chính ra vào nội đô TPHCM, lại gần bến xe Miền Đông, ôtô ra vào nhiều nên ùn tắc thường tái diễn. "Nhiều hôm hành trình hơn 20km từ Thủ Dầu Một (Bình Dương) đến nội đô TPHCM mất hơn 2 giờ vì kẹt xe" - anh Thắng (40 tuổi) tài xế lái xe tải nói. 
Vào giờ cao điểm sáng, nhiều người chạy xe máy phải leo lề mong kịp giờ làm, nhưng việc này khiến giao thông thêm hỗn loạn.
Lượng xe trên Quốc lộ 13 rất đông bởi đây là tuyến đường huyết mạch từ các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương đến TPHCM. Ở phía Bình Dương, tuyến quốc lộ này khang trang, thông thoáng sau nhiều lần được nâng cấp và đang mở rộng từ 6 lên 8 làn xe. Trong khi đoạn qua TPHCM hiện chỉ 4-6 làn, tạo “nút thắt cổ chai” nên luôn ùn tắc nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Văn Thanh (60 tuổi, phường Hiệp Bình Phước) chia sẻ: “Quốc lộ 13 có tới 3 nút thắt là cầu Đúc Nhỏ, cầu Ông Dầu và đường ray tàu hoả. Chưa kể, từ khi tuyến đường này được đầu tu sửa chữa lại hệ thống thoát nước thì khi hoàn trả mặt bằng tệ đến nỗi khiến cho mặt đường gần như bị thu hẹp hơn”.
Dự án nâng cấp, mở rộng đoạn quốc lộ 13 dài hơn 5 km từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu đã có chủ trương mở rộng từ năm 2002. Sau 22 năm không triển khai, dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.600 tỉ đồng (theo hình thức BOT) đến nay đã tăng lên gần 10.000 tỉ đồng (vốn ngân sách).
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, hiện nay loại hình đầu tư theo hình thức BOT không còn phù hợp vì nằm trên tuyến đường cũ, hơn nữa chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn. Do đó TPHCM đang nghiên cứu đầu tư mở rộng Quốc lộ 13 bằng vốn đầu tư công từ nay đến năm 2030.
Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho biết đang nghiên cứu nguồn vốn để cân đối cho dự án Quốc lộ 13, trong đó kiến nghị Trung ương tăng tỉ lệ điều tiết cho thành phố hoặc tăng thêm vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng thời, TPHCM cũng đang nghiên cứu có thể phát hành trái phiếu địa phương để xây dựng hạ tầng đô thị nhằm thực hiện dự án này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn