MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

An Giang: Câu cua núi bằng cần câu “độc”

Tạ Quang LDO | 17/01/2022 15:00

An Giang – Chỉ bằng chiếc dây thun, que tre người dân ở huyện Tịnh Biên (An Giang) có thể bắt được những con cua nằm sâu ở trong hang, hốc đá.

Với độ cao trên 700m so với mặt nước biển, Núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) được biết đến như nóc nhà của vùng ĐBSCL. Nơi đây không chỉ là nơi hành hương mà còn độc đáo với chuyện câu cua bằng dây thun.
Với nhiều năm kinh nghiệm bắt cua, anh Nguyễn Trọng Hưng (40 tuổi, huyện Tịnh biên) cho biết, mồi câu của các con cua là những cọng dây thun buộc thành chùm ngay đầu cần trúc có chiều dài khoảng 1,5 m.
Theo anh Hưng, người cầm cần câu chỉ cần nhấp nhử chùm dây thun trước hang, cua thấy chùm dây thun tưởng mồi nên dùng càng kẹp bắt, người câu cua chỉ cần giật mạnh là kéo được cua ra khỏi miệng hang.
Anh Hưng chia sẻ thêm, cua núi có thể săn bắt quanh năm nhưng rộ nhất vào mùa mưa. Khi đó, cua thường bò xuống các con suối kiếm ăn hoặc sinh sản.
Nhờ cách câu cua bằng dây thun này, công việc của anh cũng như bà con trở nên nhàn hơn. Nếu săn đúng vụ mùa cua núi sinh sôi nảy nở, người câu cua có thể kiếm vài trăm ngàn đồng thậm chí tiền triệu mỗi ngày.
Mỗi một cân cua có giá từ 250 – 300 nghìn đồng.
Loài cua đá nhỏ như cua đồng có màu sắc tím, đỏ. Đặc biệt, chúng rất khỏe, hung dữ và di chuyển rất nhanh.
“Bản thân tôi thường hay khuyên anh em làm nghề câu cua trên núi Cấm nếu gặp những con cua nhỏ hoặc cua cái sắp đẻ thì nên thả để giữ gìn. Bởi, nếu chỉ khai thác mà không bảo tồn thì ngày nào đó loài cua núi chỉ còn là một phần ký ức về núi Cấm mà thôi”, anh Hưng nói.
Được xác định là loài cua đặc hữu của nóc nhà ĐBSCL, cua núi Cấm không chỉ đẹp về màu sắc độc về hình dáng, cua núi Cấm còn có hương vị thơm, ngon.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn