MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bãi tro xỉ "khủng" tập kết trái phép nhiều năm, xã nói không biết

Phong Quang LDO | 15/04/2022 09:14

Tuyên Quang - Những đống tro xỉ chất cao như núi, trải dài trên diện tích gần chục nghìn m2 tại xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) đang ngày đêm bức tử môi trường. Trái phép và hoạt động đã nhiều năm nay nhưng kỳ lạ thay, chính quyền địa phương lại không hề biết đến sự tồn tại của bãi tập kết này cho đến khi nhận được phản ánh của PV.

This browser does not support the video element.

Bãi tập kết tro xỉ không phép tại thôn Đất Đỏ (xã Vĩnh Lợi, Sơn Dương, Tuyên Quang) đang bức tử môi trường.
Bãi tập kết tro xỉ thải rộng ước chừng gần chục nghìn m2 trên địa bàn thôn Đất Đỏ, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương, Tuyên Quang) tiếp giáp với khu xử lý nước thải của Nhà máy giấy An Hoà hoạt động công khai, rầm rộ trong suốt nhiều năm qua với những đống xỉ thải chất cao như núi. 
Theo một công nhân vận hành máy xúc tại đây, bãi đá hoạt động nhiều năm nay, số tro xỉ than này được lấy từ một đơn vị chuyên cung cấp điện và nhiệt cho Nhà máy giấy An Hoà (xã Vĩnh Lợi) tập kết về đây để pha trộn với một số phụ gia khác rồi đem bán cho các cơ sở sản xuất gạch nung. 
Số tro xỉ than này sau khi được tập kết về đây sẽ pha trộn thêm với một số phụ gia khác để bán cho các nhà máy sản xuất gạch nung. 
Tro xỉ than không phải là chất thải nguy ngại nhưng nằm trong danh mục chất thải rắn công nghiệp thông thường. Việc tập kết trên đất đều phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, được sự cấp phép của các cơ quan chức năng cũng như đảm bảo nghiêm ngặt các quy định về môi trường. 
Tuy vậy, theo ghi nhận của PV, tại đây không hề có bất kỳ một biện pháp bảo vệ môi trường nào được lắp đặt như bạt che chắn, hệ thống phun sương giảm bụi. Tác động của bãi tập kết này tới môi trường đất, nước, không khí cũng làm thay đổi và biến dạng hiện trạng sử dụng đất tại địa phương là điều dễ dàng nhận thấy.
Một người dân sống gần bãi tập kết tro xỉ than cho biết, bãi tập kết chỉ cách khu dân cư có một hàng cây, những đống xỉ thì lúc nào cũng cao vượt quá ngọn cây nên gió to là bụi bay vào nhà. Còn mưa thì nước ngấm xuống chảy ra cống, ra ruộng đen ngòm, trong khi đó dân ở đây chủ yếu dùng nước giếng khoan.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Nhà máy giấy An Hoà khẳng định, khu đất nói trên đã được đơn vị ký hợp đồng cho Công ty CP Hưng Long Tuyên Quang thuê với mục đích kinh doanh thương mại với điều kiện sử dụng theo đúng các quy định của pháp luật.
Trong khi đó, ông Lương Xuân Quyền - Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh, xã đã phối hợp với phòng Tài nguyên môi trường huyện Sơn Dương kiểm tra bãi tập kết này. Bước đầu xác định có hoạt động tập kết tro xỉ than trên diện tích gần 7.900 m2, chủ bãi không xuất trình được các giấy tờ liên quan. Hiện xã đã đình chỉ hoạt động của bãi tập kết này và làm báo cáo gửi UBND huyện chờ xử lý.
Lý giải nguyên do một bãi tập kết tro xỉ than lớn như vậy hoạt động không phép trong nhiều năm mà chính quyền địa phương không nắm được, ông Quyền cho rằng, vì thuộc một phần đất của Nhà máy giấy An Hoà nên xã không kiểm tra, xử lý. Khi PV đề nghị cung cấp biên bản cuộc kiểm tra và báo cáo của xã về bãi tập kết, ông Quyền liên tục từ chối. 

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 55/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có thể xử phạt đến 160.000.00 đồng đối với hành vi vi phạm trong hoạt động xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và phạt tăng thêm từ 40% đến 50% số tiền phạt so với mức phạt tiền tương ứng.

Đồng thời, tịch thu phương tiện vi phạm, đình chỉ hoạt động của cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 3 tháng đến 6 tháng.

Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu và phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn