MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bên dưới đào xới tứ tung, bên trên “chuồng cọp lơ lửng” ở KTT Nghĩa Tân

Thanh Hà LDO | 07/09/2023 16:54

Tại khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), thời gian này, nhiều khu vực được công nhân đào xới để làm đường, cải tạo lại hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, không ít người dân tỏ ra không mấy mặn mà với hoạt động này bởi họ cho rằng, những căn hộ tại đây đang xuống cấp, “chuồng cọp treo lơ lửng” tại các tầng nhà nhưng kế hoạch cải tạo lại vô cùng ì ạch.

Được xây dựng từ năm 1987, khu tập thể Nghĩa Tân gồm 23 nhà chung cư thấp tầng với khoảng 6.000 hộ dân. Do số lượng thành viên gia đình đông đúc, cùng diện tích sinh hoạt chỉ khoảng 10-15m2, đa phần các chủ hộ tại đây đều tự ý cơi nới để làm “chuồng cọp” tăng diện tích căn nhà.
Theo các hộ dân tại đây, gần như tất cả các căn nhà ở khu vực này đều được người dân cơi nới dùng làm ban công, phòng ở, nơi chứa đồ... Bên cạnh lan can mà bản chất là các lồng sắt, hệ thống dây điện phức tạp vắt ngang, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, chập điện.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều căn nhà cơi nới cả mét, tận dụng hết cỡ không gian trên không để sinh sống. Phần lớn các mô hình này được bịt kín bằng các song sắt, không có chỗ thoát hiểm và chỉ có một đường là cửa chính phía trước.
Nhiều hạng mục, công trình tại đây có dấu hiệu xuống cấp, dột nát, không đảm bảo điều kiện sống của dân cư.
Bà Bùi Thị Vinh (trú tại khu tập thể Nghĩa Tân) cho biết: “Mấy hôm nay thấy có nhiều công nhân đưa máy móc đến đào xới xung quanh các khu nhà A10 và A11 để tạo lại hệ thống cống và đường thoát nước. Tôi ủng hộ nhưng cảm thấy khá thắc mắc bởi, việc cải tạo lại các công trình nhà ở của người dân cũng quan trọng như việc sửa đường, sửa cống thoát nước của chính quyền địa phương vậy. Nhưng đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn chờ đợi và chưa biết đến khi nào vấn đề cấp bách này của người dân Nghĩa Tân mới được giải quyết”.
Còn bà Hoàng Thị Tuyết (trú tại khu tập thể Nghĩa Tân) cho biết, vì diện tích các căn nhà tại đây khá khiêm tốn, chỉ từ 15 -20m2 nên buộc gia đình nào cũng phải cơi nới thêm. Với các hộ có đông người sinh sống, diện tích cơi nới càng phải tăng thêm. Việc này dẫn đến tình trạng “chuồng cọp” chằng chịt, treo lơ lửng trên đầu người dân trong suốt thời gian dài, tiềm ẩn nguy hiểm.
Hình ảnh đào đường ở khu nhà C2.
Trao đổi với Lao Động về các thắc mắc của người dân khu tập thể Nghĩa Tân, ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân cho biết, hoạt động trên nằm trong kế hoạch chỉnh trang cơ sở hạ tầng tại khu vực, dựa trên đề xuất của người dân từ vài năm nay nhưng đến nay quận mới có thể đầu tư và triển khai thực hiện.
“Một số khu vực tại khu tập thể Nghĩa Tân đang được thực hiện cải tạo lại vỉa hè, hệ thống thoát nước và đường đi lại cho nhân dân. Bởi trước đây, khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng úng ngập và một số hạng mục đã xuống cấp cần phải tu sửa lại”, ông Nam thông tin.
Trước tình trạng xuống cấp, khu tập thể Nghĩa Tân đã trở thành một trong những địa điểm được TP Hà Nội lựa chọn quy hoạch chi tiết 1/500, xây dựng lại trong giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo phường Nghĩa Tân, hiện chính quyền phường này vẫn chưa nhận được văn bản hay thông tin chỉ đạo gì từ phía thành phố về việc quy hoạch, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân. Nếu có văn bản chỉ đạo, phường Nghĩa Tân sẽ chủ động thực hiện theo chủ trương từ thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn