MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án nhà ở xã hội Lan Hưng (thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh). Ảnh: Vĩnh Hoàng

Bên trong các dự án nhà ở công nhân Bắc Ninh bị ế do vướng đối tượng mua

Trần Tuấn - Vĩnh Hoàng LDO | 03/12/2023 07:37

Được đánh giá là có giá cả phải chăng, đầy đủ tiện ích đáp ứng đa dạng nhu cầu của người thu nhập thấp nhưng hiện nay nhiều dự án nhà ở công nhân trên địa bàn Bắc Ninh đang bị ế do vướng mắc về đối tượng được mua.

Dự án nhà ở xã hội Lan Hưng (thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Lan Hưng làm chủ đầu tư, được xây dựng từ năm 2019, tổng mức đầu là trên 920 tỉ đồng. Dự án có quy mô 4,5 ha, gồm 4 toà nhà với tổng số 1.400 căn nhà ở công nhân. Mức giá được Sở Xây dựng phê duyệt tại dự án là 12,4 triệu đồng/m2. Tuy vậy, giá chủ đầu tư bán ra cho khách hàng phổ biến ở mức 10 - 11 triệu đồng/m2.
Căn hộ của vợ chồng anh Dương Đình Tôn (sinh năm 1991), một công nhân tại thị xã Thuận Thành, có diện tích 58 m2 với giá 600 triệu đồng. Trong đó, có 30% anh Tôn vay từ Ngân hàng Chính sách với lãi suất là 4,8%/năm. 
"Căn hộ 2 phòng ngủ, 1 phòng vệ sinh đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt của gia đình gồm vợ chồng và hai con nhỏ. Từ khi an cư, vợ chồng tôi cũng yên tâm làm ăn kinh tế để trả nợ, nuôi con và tích luỹ", anh Tôn nói.
Chị Lê Thị Hiên (sinh năm 1985) là công nhân trong KCN Thuận Thành, sống cùng 2 con nhỏ trong căn hộ rộng 64,6 m2 tại dự án Lan Hưng. Chị Hiên cho biết, mua căn hộ tại đây vì giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo và có nhiều không gian vui chơi, sinh hoạt chung cho cư dân.
Chị Hiên dành một góc trong căn hộ để trưng những bức ảnh gia đình.
Ông Vương Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng - cho biết, hiện dự án đã xây dựng xong 2 toà với tổng số gần 700 căn hộ nhưng mới bán ra được khoảng 90 căn, lý do là bởi chỉ được bán cho đối tượng là công nhân tại thị xã Thuận Thành.
“Rất nhiều người thu nhập thấp, sĩ quan quân đội, công an và công nhân trên địa bàn các huyện, thị lân cận có nhu cầu mua nhà tại dự án nhưng không được phê duyệt trong khi nhiều căn hộ lại bị ế. Đó là nghịch lý", ông Toàn nói và cho biết, doanh nghiệp đã có nhiều văn bản gửi cơ quan Trung ương và tỉnh Bắc Ninh đề xuất mở rộng đối tượng được mua nhà tại dự án là 10 đối tượng theo Nghị định 100.
Cũng trong tình cảnh tương tự là dự án nhà ở xã hội Viglacera Yên Phong do Viglacera làm chủ đầu tư. Dự án hiện đã hoàn thiện được hơn 500 căn hộ nhưng mới bán và cho thuê được 90 căn. Đại diện chủ đầu tư cho biết vướng mắc nhất là điều kiện mua nhà chỉ dành cho đối tượng là công nhân trong các khu công nghiệp. Trong khi đó đa số công nhân là người ngoại tỉnh, có tính chất cư trú không ổn định, thường xuyên di chuyển, thay đổi vị trí việc làm.
Gia đình chị Bùi Thị Thu (sinh năm 1991), công nhân sản xuất trong Công ty Samsung, KCN Yên Phong, Bắc Ninh chuyển về ở trong căn hộ tại dự án Viglacera cách đây hơn 1 tháng.
"Tháng 7.2023, tôi đã nộp hồ sơ tới Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh và được xét duyệt đủ điều kiện mua nhà, sau đó tiến hành các thủ tục thanh toán và chuyển về ở. Mọi thứ rất nhanh chóng, thuận tiện", chị Thu nói.
Khu vui chơi bên trong dự án nhà ở xã hội Viglacera.

Báo cáo số 108 của UBND tỉnh Bắc Ninh gửi Bộ Xây dựng vào tháng 8.2023 nêu rõ, địa phương đã triển khai đầu tư 22 dự án nhà ở công nhân, quy mô xây dựng 31.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 105.000 người. Trong đó, có 7 dự án đã hoàn thành, 15 dự án đang chuẩn bị đầu tư xây dựng.

Thời gian qua, các chủ dự án đã rao bán gần 1.700 căn nhà ở công nhân nhưng số lượng bán được ít, hiện 7 dự án vẫn còn 1.324 căn nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn