MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bên trong lò bánh hỏi mặt võng nức tiếng tại Cần Thơ

TẠ QUANG - PHONG LINH LDO | 25/03/2022 06:30

Cần Thơ - Nam bộ là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo. Riêng với ẩm thực, hơn 100 loại bánh dân gian cũng góp phần tạo nên nét độc đáo cho vùng Nam bộ. Trong số đó, bánh hỏi mặt võng là một trong những loại bánh góp phần níu chân du khách khi đặt chân đến TP.Cần Thơ nói riêng và Nam bộ nói chung.

Cách trung tâm TP.Cần Thơ khoảng 15km, lò bánh hỏi mặt võng Út Dzách (ấp Nhơn Bình A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền) đã đi vào hoạt động và tồn tại gần 60 năm.
Sở dĩ bánh có tên mặt võng vì cách tạo hình của bánh như những mắt lưới chiếc võng. Từng sợi bánh hỏi mềm, dai trong được cuốn thành hình mặt võng bắt mắt xếp khéo léo trên chiếc lá chuối tươi xanh.
Giống như nhiều loại bánh dân gian khác, bánh hỏi là món ăn được làm từ bột gạo.
Bà Huỳnh Thị Thủy - chủ lò bánh cho biết, đây là món bánh gia truyền của gia đình bà. Mẹ chồng bà làm nghề từ năm 20 tuổi, đến nay bà đã 80 tuổi. Vừa yêu nghề vừa muốn giữ gìn truyền thống, vì thế qua bao năm, gặp bao nhiêu khó khăn, bà cũng không không thể bỏ.
Từ khi đưa lò bánh đi vào hoạt động, gia đình bà đã nhận được nhiều tín hiệu tốt. Trước là tăng thêm thu nhập cho gia đình, sau là phát huy những tinh hoa ẩm thực vùng Nam bộ.
Bà là nghệ nhân đã đạt huy chương vàng trong hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ X được diễn ra tại Cần Thơ năm 2016.
Chị Nguyễn Khả Ngân (35 tuổi, du khách đến từ Đà Lạt) chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị đến TP.Cần Thơ và cũng là lần đầu tiên chị tự tay mình làm ra những chiếc bánh hỏi. “Có dịp về nhà vườn ở huyện Phong Điền, tôi cảm thấy rất thích thú khi làm ra những chiếc bánh. Tuy bánh không được như ý nhưng đã cho tôi nhiều trải nghiệm khi đến với vùng sông nước. Trông chiếc bánh nhìn cách làm rất giản đơn nhưng tôi không nghĩ quá trình làm ra lại vô cùng kỳ công”, chị Ngân nói.
Chị Ngân nói thêm, chị biết đến bánh hỏi ở huyện Phong Điền đã lâu thông qua báo chí, phim, mạng xã hội… cảm thấy hứng thú nên chị quyết định lập hội nhóm “ngao du” rời khỏi thành phố tới tận lò.
Bà Thủy cũng cho hay, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh cơ sở cũng tạm đóng cửa một thời gian để thực hiện công tác phòng chống dịch. Khi mở cửa trở lại, để đảm bảo an toàn khi đón khách du lịch, cơ sở yêu cầu khách phải tiêm phòng vaccine 2 mũi trở lên.
Bánh hỏi được ăn kèm với thịt nướng, rau sống, mỡ hành, đậu phộng, chấm nước mắm chua ngọt. Tất cả tạo nên một hương vị đặc trưng không thể nào quên.
Hiện tại, đa phần khách đến tham quan lò bánh là khách quen và được đặt trước qua điện thoại. Thời gian tới, cơ sở sẽ tiếp tục đón nhiều khách du lịch, cũng như để chào mừng “Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ IX năm 2022” sắp tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn