MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ TNMT cho biết, ước tính trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam có khoảng 22 triệu tấn, riêng mỏ đất hiếm Yên Phú ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái có trữ lượng ước tính khoảng 20.000 tấn. Ảnh: Bảo Nguyên

Bên trong mỏ đất hiếm khiến nhiều sếp doanh nghiệp vướng lao lý

Bảo Nguyên LDO | 21/10/2023 08:51

Yên Bái - Trữ lượng đất hiếm ở huyện Văn Yên khoảng 20.000 tấn trong khi Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương đã tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép hơn 11.000 tấn.

Hơn chục ngày qua, đoàn công tác Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đã phong tỏa, làm việc tại mỏ đất hiếm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương) và Nguyễn Văn Chính (Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng) về tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị can (từ trái qua phải). Ảnh: Bộ Công an
Ngoài ra, Đặng Trần Chí (Giám đốc Công ty Hợp Thành Phát), Phạm Thị Hà (Kế toán công ty); Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam) và Nguyễn Thị Hiền (kế toán công ty) cũng bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị can (từ trái qua phải). Ảnh: Bộ Công an
Theo Bộ Công an, các bị can nêu trên được xác định có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ quặng đất hiếm, quặng sắt tại mỏ Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương.
Công an cũng khám xét khẩn cấp 21 địa điểm khai thác, tập kết, kinh doanh và nhà riêng của các đối tượng có liên quan tại tỉnh Yên Bái và 3 tỉnh, TP khác có liên quan; tạm giữ ước tính khoảng 13.715 tấn quặng đất hiếm và hơn 1.400 tấn quặng sắt.
Quá trình điều tra ban đầu xác định, Đoàn Văn Huấn và Nguyễn Văn Chính đã chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép hơn 11.000 tấn quặng đất hiếm có trị giá khoảng 440 tỉ đồng và hơn 152.000 tấn quặng sắt có trị giá khoảng 192 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính tổng số tiền khoảng 632 tỉ đồng.
Ngoài ra, Huấn và Chính còn thỏa thuận với Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam và Công ty Hợp Thành Phát trong quá trình mua bán quặng đất hiếm và quặng sắt, xuất hóa đơn VAT giảm số lượng và đơn giá bán thực tế.
Hành vi trên giúp Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương để ngoài sổ sách kế toán hơn 28 tỉ đồng thu được từ việc bán quặng đất hiếm và quặng sắt, không thực hiện nghĩa vụ kê khai nộp thuế, gây thiệt hại (tạm tính) cho Nhà nước hơn 7,5 tỉ đồng.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan để mở rộng điều tra, làm rõ bản chất vụ án, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Theo Bộ TNMT, đất hiếm là tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn gồm Scandi (Sc), Ytri (Y) và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu).
Đất hiếm là tài nguyên quý làm nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, quang điện, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế, công nghệ bán dẫn… Do đất hiếm nằm rải rác với số lượng ít tại nhiều nơi dẫn đến việc khai thác, tinh chế khó khăn, tốn kém nên đây là nguồn tài nguyên quý, có giá trị cao.
Cũng theo Bộ TNMT, Việt Nam đã bắt đầu khai thác đất hiếm từ khoảng năm 2014. Tuy nhiên, việc khai thác, xuất khẩu đất hiếm của Việt Nam chưa tương xứng tiềm năng, hình thức khai thác vẫn nhỏ lẻ. Đồng thời, Việt Nam vẫn chưa có khả năng chế biến sâu đất hiếm để phân tách các nguyên tố đất hiếm riêng lẻ, mà chủ yếu xuất khẩu tài nguyên này dưới dạng quặng thô, giá thành không cao. Dự kiến, mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái. Ảnh: Bảo Nguyên

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn