MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bên trong mỏ thiếc lớn nhất Đông Nam Á một thời

Tân Văn LDO | 15/08/2024 08:00

Cao Bằng - Từ sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ), mỏ thiếc Tĩnh Túc hình thành và tồn tại cho đến ngày nay.

Trong lòng dãy Phia Oắc, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) có một khu mỏ thiếc nằm trong thung lũng treo Tĩnh Túc, khu mỏ mang tên mỏ thiếc Tĩnh Túc. Nơi đây còn ghi những dấu ấn thời kỳ Liên Xô giúp đỡ nước ta xây dựng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nơi địa đầu Tổ quốc.
Nằm cách thành phố Cao Bằng khoảng 60km là mỏ thiếc Tĩnh Túc, nằm ở thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình.
Mỏ thiếc Tĩnh Túc chính là “đứa con đầu lòng” đặt nền móng cho ngành khai khoáng kim loại màu Việt Nam. Công trình hoàn thành đi vào sản xuất từ năm 1955, khi đó có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, do Liên bang Xô Viết hỗ trợ xây dựng và sản xuất.
Theo các tài liệu còn lưu giữ lại, ban đầu mỏ thiếc này được phát hiện bởi người Pháp khoảng những năm 1905, sau khi người Pháp rút đi, mỏ thiếc được Việt Nam và Liên Xô cùng xây dựng.
Mỏ thiếc Tĩnh Túc nay được quản lý và vận hành bởi Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng (thuộc Tổng Công ty Khoáng sản - Vinacomin).
Theo tài liệu của Đảng bộ Mỏ thiếc Tĩnh Túc, năm mỏ đạt sản lượng cao nhất là năm 1962, với tổng số 619 tấn quặng thiếc khai thác được. Đến năm 1967 là thời điểm số lượng công nhân của mỏ đạt đỉnh với tổng số 3.000 người. Những kết quả này góp phần biến nơi đây thành nơi đặt nền móng cho ngành khai khoáng kim loại màu ở Việt Nam.

This browser does not support the video element.

Thông tin từ UBND huyện Nguyên Bình, trước đây thị trấn Tĩnh Túc khá sầm uất, tấp nập là nhờ mỏ khai thác thiếc, khi ấy công nhân rất đông. Nay mỏ thiếc giảm lượng công nhân, cuộc sống của người dân trở về với nếp yên bình cũ. Tuy vậy, với sự phát triển của xã hội, người dân nơi đây đang hòa mình và thích nghi với nhịp sống hiện tại, đến nay đời sống của người dân vẫn được ổn định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn