MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những tờ giấy bạc mang sứ mệnh lịch sử đã được ra đời tại nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam, tại huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình. Ảnh: Khánh Linh

Bên trong nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam độc lập

Bài và ảnh Khánh Linh LDO | 27/12/2022 14:45

Hoà BìnhNhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946-1947) nằm ở đồn điền Chi Nê - nơi ra đời “giấy bạc Cụ Hồ” mang sứ mệnh lịch sử.

 Trở lại khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền - đồn điền Chi Nê (xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ) những ngày cuối năm, trong cơn gió lạnh cuối đông, không gian khu di tích càng trở nên trầm mặc.
Chị Bùi Thanh Hường - cán bộ tại đây giới thiệu: “Khu di tích bao gồm 3 địa điểm: ngôi nhà trung tâm của đồn điền xưa - nơi được đón Bác Hồ tới nghỉ và làm việc khi Người về thăm Lạc Thuỷ năm 1947, Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền Cách mạng và kho để tiền sau khi in”. 
  Cũng theo lời cán bộ tại khu di tích, năm 1946, trước tình hình chính trị căng thẳng, để bảo vệ an toàn cho việc in tiền, lãnh đạo Bộ Tài chính đã ra lệnh tháo dỡ, vận chuyển toàn bộ máy móc còn lại ở Hà Nội lên Cố Nghĩa - Chi Nê. Gia đình ông Đỗ Đình Thiện - một nhà tư sản lớn - đã đón đoàn cán bộ, công nhân viên của nhà máy in tiền Tô - panh về ở và làm việc tại đồn điền của mình.
Tại đây, gia đình ông đã dành một địa điểm thích hợp, đồng thời cho mượn nhà xưởng, máy điện, nước của đồn điền Chi Nê cùng một số cơ giới kho tàng để đặt nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do ông Phạm Quang Chúc phụ trách. Về quy mô, nhà máy có hai dãy nhà xưởng in tiền – trước đó là đồn điền của một người Pháp, về sau được ông Thiện mua lại.
 Chiếc máy in thô sơ, được nhập khẩu từ Nhật Bản với hệ thống dây điện chằng chịt. Chính nhờ chiếc máy này, những tờ “giấy bạc Cụ Hồ” đầu tiên mang sứ mệnh lịch sử lớn lao trong những ngày đầu độc lập đã ra đời.
Nhà máy in tiền trong buổi sơ khai của chính quyền cách mạng còn hết sức đơn giản. Cách thức in tiền cũng rất thô sơ, in lần lượt từng màu, số sê -ri, sau đó mới cắt. Mệnh giá lớn được in ốp -xét, mệnh giá nhỏ được in bằng máy sốp, ti pô.
Để tránh bị địch phát hiện, công nhân phải làm việc chủ yếu từ 16h chiều đến 3h sáng hôm sau.
Mẫu tiền Con trâu xanh do họa sỹ Nguyễn Huyến thể hiện - là tờ tiền có mệnh giá lớn nhất khi đó. Cho đến nay, nếu quy đổi, tờ tiền này có giá lên tới hơn 30 triệu đồng.
Theo chia sẻ, để con trâu thật trên tờ tiền sống động, thanh thoát và có thần... họa sĩ Nguyễn Huyến (ảnh) đã phải chạy ra cánh đồng làng Láng (Hà Nội) để tận thấy một con trâu đang gặm cỏ.
Ngược lên khoảng 500m trong khuôn viên khu di tích là ngôi nhà của vợ chồng ông Đỗ Đình Thiện.
Nơi đây vẫn lưu giữ những kỷ vật của hai vợ chồng ông bà Thiện - Điền trong quá trình sinh sống. 
Chân dung nhà tư sản Đỗ Đình Thiện và vợ, bà Trịnh Thị Điền.
Trao đổi với PV, ông Đinh Ngọc Tân - Phó Ban quản lý các khu di tích huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình cho biết: “Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền đã được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2007 và được đầu tư trùng tu nâng cấp năm 2014 với tổng diện tích trên 15ha”.
Mỗi năm, ban quản lý các khu di tích đón tiếp hàng ngàn lượt người đến tới tham quan, dâng hương và nghiên cứu lịch sử.
 Theo ông Tân, cùng với di tích Nhà máy in tiền, công trình nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân nhà máy in tiền khánh thành, đưa vào khai thác từ tháng 5.2019. Nơi đây, tại gian chính đặt ban thờ Bác Hồ, ban phụ hai bên thờ hai vợ chồng ông Đỗ Đình Thiện, và những cán bộ, công nhân nhà máy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn