MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bên trong xưởng bánh "lạ" giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo

Bảo Trung LDO | 01/03/2020 08:00

Suốt gần 40 năm nay, hàng trăm hộ dân ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã thoát khỏi cảnh nghèo khó nhờ việc liên kết, đùm bọc nhau phát triển nghề làm bánh tráng truyền thống.

Nghề làm bánh tráng ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) có từ những năm 80 của thế kỷ nước. Ngày ấy, nơi này rất nghèo, người dân làm quần quật vẫn không đủ ''chạy cơm'' ngày 3 bữa. Sau này, một nhóm người ở Bình Định về nơi đây lập nghiệp mang theo nghề làm bánh tráng bằng bột gạo đã phần nào giúp diện mạo của vùng quê nghèo ngày ấy từng bước đổi thay.
Chị Lê Thị Phi (ngụ khu vực trên) cho biết, làm bánh tráng rất đơn giản, chỉ cần khéo tay và chịu khó. "Tôi đã làm nghề này từ hồi rời Bình Định lên Đắk Lắk lập nghiệp với hai bàn tay trắng, thấm thoát đã hơn 20 năm. Dù buổi đầu gặp nhiều gian khổ nhưng nghề này đã giúp vợ chồng tôi có nhà cửa khang trang, con cái được ăn học đủ đầy".
Nguyên liệu để làm bánh tráng chủ yếu là gạo. Tuy vậy, gạo được chọn để làm bánh phải là gạo chất lượng tốt, không hạt mốc, lẫn tạp chất. Gạo được ngâm trong nước vài giờ rồi đem đãi sạch, xay thành bột. Hiện rất nhiều hộ dân ở nơi đây vẫn làm bánh tráng theo cách thức thủ công như hàng chục năm về trước.
Theo Hội Nông dân xã Ea Bar, nghề này xuất hiện ở vùng từ khoảng 40 năm trước, đã giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đến nay, một số người vì sức khỏe có hạn đã nghỉ ngơi, còn khoảng hơn 40 hộ dân vẫn duy trì sản xuất.
Bột gạo sau khi làm chín bằng nhiệt sẽ được đem đi phơi khô trong khoảng 2 tiếng, trở thành bánh tráng. Khi phơi, người thợ canh thời gian chuẩn xác để lấy bánh vào nếu không sẽ rất dễ hỏng.
Trên đường khắp các thôn ở xã này, không khó để bắt gặp cảnh người dân hối hả, tranh thủ chút nắng nhẹ buổi sáng sớm để phơi bánh tráng .
Đang đợt nghỉ học vì dịch COVID-19, một đứa trẻ cũng tranh thủ phụ giúp bố mẹ.
Từng vỉ bánh được xếp ngay ngắn để đưa về đóng gói, giao cho khách hàng.
Tiếng lành đồn xa, nhiều thương lái ở từ bắc chí nam đã lặn lội về tận địa phương để đặt hàng với số lượng lớn, chuyển đi tiêu thụ. Một số người đánh giá bánh của người dân nơi đây sản xuất có mùi vị khá đặc biệt, thơm, dòn và bảo quản được lâu.
Bánh trước khi xuất đi phải có mùi thơm dịu của gạo. Mỗi ngày, trung bình một người dân nơi đây sản xuất được hơn 1.000 chiếc bánh, 1 túi bánh (10 chiếc) có giá thành khoảng 10.000 đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn