MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bến xe Cần Thơ vẫn “ế chỏng chơ” sau 10 ngày hoạt động

Tạ Quang LDO | 02/11/2021 17:56

Cần Thơ – Tính đến thời điểm hiện tại Cần Thơ đã thống nhất cho hoạt động lại 15/29 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, bến xe vẫn im lìm vắng bóng hành khách.

Sau thời gian dài đóng cửa phòng, chống dịch COVID-19, từ ngày 22.10, TP.Cần Thơ cho phép một số xe khách liên tỉnh hoạt động trở lại, tuy nhiên sau khoảng 10 ngày hoạt động bến xe Trung tâm TP vẫn vắng khách.
Khu vực chờ lên xe cũng chỉ lác đác một vài hành khách.
Không có hành khách, nhiều xe chuyển sang chở hàng hóa.
Sau nhiều tháng đậu bến, một số xe được được dọn dẹp để hoạt động trở lại.
Anh Đàm Tấn Đạt (sinh năm 1984, quê Bình Định) làm phụ xe chạy tuyến Cần Thơ – Quy Nhơn cho biết, khi được hoạt động trở lại xe của anh cũng đã chạy được 4 tua, nhưng dịch bệnh không có khách đi. Thi thoảng có 1 - 2 khách nhưng vẫn phải chạy để giữ mối.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nhàn lái xe chạy tuyến Cần Thơ – Đồng Nai cho biết, xe của ông hoạt động từ 30.10 đến nay, chạy hầu như không có khách vì tâm lý dịch bệnh người dân còn hạn chế đi lại. Bên cạnh đó, giá xăng dầu cũng tăng cao đột ngột nên chạy rất lỗ. “Nếu tình hình không có khách và không có hàng như hiện nay chắc khoảng 15 ngày nữa phải tạm ngưng hoạt động”, ông Nhàn cho hay.
Anh Nguyễn Văn Bảy (34 tuổi, quê Trà Vinh) chia sẻ, anh lên Cần Thơ đã được 6 năm và là lao động tự do. Đợt trước chưa dịch, cứ khoảng 3 tháng anh về thăm nhà một lần nhưng từ khi dịch bùng phát đến nay 6 tháng anh không buôn bán được, cũng không thể về quê. “Biết dịch bệnh giờ cũng rất đáng lo ngại nhưng có xe về quê gần gia đình là vui lắm rồi“, anh Bảy nói.
Ông Lý Anh Tuấn – Đại diện Ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khách sạn - Du lịch - Vận tải Vũ Linh cho biết, doanh nghiệp cũng như hành khách đang rất e ngại về dịch COVID-19 như hiện nay vì thích ứng lại rất khó, mà linh hoạt lại càng khó hơn. “Hoạt động không có khách đưa doanh nghiệp vào cảnh kiệt quệ không đủ chi phí bù trừ. Xăng, dầu lại tăng cao, ngân hàng không giảm lãi...”, ông Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Tuấn, nếu ngân hàng không hỗ trợ tích cực thì cho doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục tạm ngừng hoạt động vì thua lỗ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn