MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bến xe Vĩnh Niệm dừng hoạt động từ chiều 8.1 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: Đặng Luân

Bến xe ở Hải Phòng đóng cửa giáp Tết, nhiều người loay hoay đường về quê

Đặng Luân LDO | 09/01/2022 12:01
Hải Phòng - Bước sang ngày thứ 2 tạm dừng hoạt động theo quyết định của Sở GTVT TP.Hải Phòng, Bến xe Vĩnh Niệm - bến xe có quy mô lớn nhất Hải Phòng im lìm, nhiều hành khách do không rõ quy định mới nên phải ngậm ngùi quay về, lo lắng tìm phương tiện về quê dịp Tết. 
Ngày 8.1, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.Hải Phòng có văn bản số 82/SGTVT-QLVT về việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ. Theo đó, từ 8.1, hoạt động vận tải khách tại bến xe khách Vĩnh Niệm và bến xe khách Đồ Sơn tạm dừng hoạt động. Hải Phòng tiếp tục tạm dừng hoạt động đối với vận tải khách tuyến cố định liên tỉnh tại bến xe khách Thượng Lý và bến xe khách phía Bắc Hải Phòng cho đến khi có thông báo mới. Ảnh: Đặng Luân 
Theo ông Nguyễn Ngọc Đễ - Trưởng ban quản lý Bến xe Vĩnh Niệm - 17h30 ngày 8.1, Ban Quản lý nhận được văn bản chỉ đạo của Sở GTVT về việc tạm dừng hoạt động. Ngay sau đó, 17h40 cùng ngày, Bến xe có thông báo tới các nhà xe về việc tạm dừng hoạt động để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Ảnh: Đặng Luân 
Ghi nhận của PV Lao Động, 9h ngày 9.1, Bến xe Vĩnh Niệm đìu hiu. Khu vực phòng chờ nhà ga đi không có một bóng khách. Ảnh: Đặng Luân 
Cũng theo ông Đễ, thời điểm giáp Tết những năm trước, lượng khách tăng 200-300% so với ngày thường. Năm nay bến xe đóng cửa đúng thời điểm cao điểm vận tải hành khách liên tỉnh, nhiều nhà xe "khóc dở, mếu dở" nhưng vẫn chấp hành nghiêm quy định của thành phố. Ảnh: Đặng Luân 
Theo Ban Quản lý bến xe, ngày thường, bến xe Vĩnh Niệm có 450 chuyến xuất bến đi/đến 27 tỉnh, thành phố. Trước khi có quy định tạm dừng hoạt động, mỗi ngày có khoảng 150 chuyến xuất bến nhưng lượng khách trên xe không nhiều. Các nhà xe chủ yếu kết hợp vận chuyển hàng hoá để duy trì hoạt động, bù vào chi phí dầu xăng, phí đi đường. Ảnh: Đặng Luân 
Do chiều muộn ngày 8.1, thành phố mới có chỉ đạo tạm dừng hoạt động nên trong sáng 9.1, có nhiều hành khách do không nắm được thông tin, vẫn đến bắt xe về quê, trong đó, phần lớn đều là những trường hợp có nhu cầu cấp thiết. Bà Nguyễn Thị L. (66 tuổi, quê Nam Định) cho biết - Bà L. ra Hải Phòng trông cháu ngoại hơn 1 tháng nay. Mới đây, gia đình ở quê có người ốm nặng nên bà L. bắt xe về quê. "Đến bến xe tôi mới biết các nhà xe dừng hoạt động, không có xe về quê nên lại phải ở lại Hải Phòng. Tình hình này khả năng đến Tết cũng không bắt được xe về, phải về xe máy" - bà L. lo lắng. 
Các lối vào bến xe đều có nhân viên thông tin, hướng dẫn hành khách lựa chọn phương tiện khác để di chuyển do bến xe tạm đóng cửa phòng dịch. Ảnh: Đặng Luân 
Một sinh viên bắt xe đi Hà Nội phải nhờ người thân quay lại đón do không nắm được thông tin các nhà xe dừng hoạt động. Việc nhiều bến xe lớn ở Hải Phòng tạm dừng hoạt động căn cứ vào thông tin về cấp độ dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố do CDC Hải Phòng công bố ngày 8.1 (Căn cứ theo Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12.10.2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”). Theo đó, cấp độ dịch toàn thành phố là cấp độ 4, nguy cơ rất cao. 10/15 quận, huyện là "vùng đỏ" gồm: quận Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Dương Kinh, Đồ Sơn, Hải An, Kiến An, huyện Kiến Thuỵ, Thuỷ Nguyên, An Dương. Về cấp độ xã, phường, Hải Phòng có 131/218 xã, phường thị trấn nguy cơ rất cao (vùng đỏ), 71 xã, phường thị trấn nguy cơ cao (vùng cam), 10 xã phường cấp độ 2 (vùng vàng) và 6 xã, phường vùng xanh. Ảnh: Đặng Luân 
Trước đó, theo quy định của UBND TP.Hải Phòng, các địa phương (quy mô cấp xã, phường) ở cấp độ 4: Không tổ chức các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời; ngừng vận chuyển hành khách bằng phương tiện đường bộ (trừ xe chở bệnh nhân đi cấp cứu, xe công vụ); ngừng hoạt động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, cưới, hỏi. Hải Phòng yêu cầu ngừng hoạt động các cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao: trò chơi điện tử, bi-a, làm tóc (bao gồm cả cắt tóc), làm đẹp, bán hàng rong. Đồng thời, ngừng các hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch, lễ hội, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; hạn chế tối đa đi lại của người dân đến từ các địa bàn.  
Ghi nhận tại quận Lê Chân (địa phương có 100% phường vùng đỏ), nhiều cơ sở ăn uống bán hàng mang về. Tuy nhiên vẫn có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn phục vụ khách tại chỗ. Theo báo cáo của CDC Hải Phòng, nhiều ngày liên tiếp, Hải Phòng ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao, trong đó phần lớn các ca ghi nhận trong cộng đồng. Chỉ riêng ngày 8.1, Hải Phòng ghi nhận 751 ca, trong đó 612 trường hợp tự đi làm xét nghiệm, 5 Test nhanh dương tính, 39 trường hợp sàng lọc tại công ty thuộc các khu công nghiệp của An Dương và Thủy Nguyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn