MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

BRT di chuyển chậm, đề xuất đường riêng cho xe buýt: Liệu có khả thi?

TÔ THẾ - HOÀI ANH LDO | 30/11/2020 11:23

Với việc BRT hoạt động chưa thật sự hiệu quả, liệu việc Hà Nội tiếp tục đề xuất đường riêng cho xe buýt có khả thi?

Mới đây, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội đã có văn bản kiến nghị UBND và Sở GTVT TP Hà Nội ưu tiên triển khai 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt nhằm cải thiện điều kiện vận hành, nâng cao năng lực vận chuyển, góp phần thu hút hành khách sử dụng dịch vụ, từ đó giúp giảm phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc giao thông. Trước đó vào năm 2017, hệ thống xe buýt nhanh của Dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội cũng được đi vào hoạt động.
Sau 3 năm đưa vào khai thác, tình trạng tắc đường trên các tuyến đường có xe buýt nhanh BRT đi qua vẫn thường xuyên diễn ra. Đặc biệt là tại các nút giao như Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương,…
Theo ghi nhận của phóng viên, vào đầu giờ sáng, một số nút giao có BRT lưu thông xuất hiện tình trạng ùn tắc.
Người dân lấn làn BRT, đi lên vỉa hè vào giờ cao điểm.
Vỉa hè bỗng trở thành “làn thứ 3” tại đường Tố Hữu.
Anh Phí Quang Phú (Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ): “Mỗi sáng đi làm, tôi phải di chuyển trên 2 tuyến xe buýt, 1 xe buýt thường và 1 xe BRT. Với xe BRT, tôi lên ở bến Kim Mã và xuống bến Lê Văn Lương. Tôi di chuyển hết 15 phút và tôi nghĩ như vậy là nhanh so với xe buýt thường. Tuy nhiên có một số đoạn đường tôi thấy vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc vì xe máy cũng như ôtô lấn sang làn BRT quá đông”.
Nhà chờ Khuất Duy Tiến thưa thớt người.
Ông Hoàng Văn Đức (Đường Láng, Đống Đa, Hà Nội): “BRT lưu thông nhanh hay chậm cũng tuỳ theo từng giờ. Vào khoảng 8 rưỡi - 9h thì lưu thông tốt, nhưng khoảng 7h – 7 rưỡi thì xe bị cản trở do xe máy lấn vào làn BRT. Tôi cảm thấy BRT vẫn chưa được như những kì vọng của tôi”.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ, Trường đại học GTVT, BRT là một giải pháp tiết kiệm giúp làm giảm ùn tắc trong nội đô. Tuy nhiên, lượng người đi BRT chưa nhiều và hệ thống các xe BRT cũng như tần suất các xe chưa đủ “hấp dẫn” để người dân chuyển từ xe máy sang xe BRT. Vì vậy, vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc tại các nút giao và dẫn đến việc xe máy lấn làn BRT.
Về đề xuất xây dựng làn riêng cho xe buýt thường, ông Toản cho biết, để thật sự hiệu quả cần tính toán kĩ lưỡng. “Những đường trục chính của Hà Nội: Giải Phóng, Trần Duy Hưng, Phạm Văn Đồng, Khuất Duy Tiến,… và những đường có từ 4 làn xe trở lên, có dải phân cách thì nên có một làn ưu tiên cho xe buýt. Sau khi tổ chức làn riêng cho xe buýt xong, cần điều chỉnh lượng xe máy lưu thông trên những con đường này: cấm, điều chỉnh chiều, quy định chủng loại,… để không xảy ra tình trạng ùn ứ. Có như vậy, chúng ta mới có thể có chất lượng giao thông tốt hơn”, ông Toản nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn