MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bún Song Thằn tiến vua trăm tuổi rộn ràng vào Tết

NGUYỄN TRI LDO | 02/02/2019 13:30

Cách TP. Quy Nhơn khoảng 30km, thôn An Thái (xã Nhơn Phúc, TX. An Nhơn, tỉnh Bình Định) là một trong những làng nghề cổ truyền ở Bình Định chuyên sản xuất một loại bún đặc biệt đã tồn tại hàng trăm năm.

Sở dĩ có tên gọi “Song Thằn” vì khi làm bún, người ta thường bắt dây bún từng đôi một, nhiều người đọc thành bún "song thằn". Dưới thời phong kiến, các quan lại địa phương đều mang theo bún Song Thằn tiến lên vua nên gọi là bún tiến vua.  
 Theo ông Võ Văn Tâm (65 tuổi, xóm Mỹ An, thôn An Thái), bún Song Thằn được làm chủ yếu bằng bột đậu xanh. Để làm ra bún, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn công phu và phức tạp.
 Đầu tiên, đậu phải lựa cho thật đều, phơi nắng thật khô rồi đem ngâm vào nước lạnh, sau đó tiến hành xay đậu vào ban đêm trên các bãi sông. Nếu xay vào ban ngày giữa tiết trời nắng nóng, bột sẽ bị hỏng ngay.
 Sau đó, bột xay xong phải qua khâu gạn lọc và phân loại bột nhất, bột nhì. Tinh bột đem phơi nắng cho thật khô mới đem làm bún. Thông thường, cứ 4kg đậu làm ra 1 kg bún.
“Bún Song Thằn chỉ An Thái mới làm được, gia đình tôi đã có 3 đời làm bún, hiện các con vẫn tiếp tục theo nghề. Giá bán vào mùa Tết là 200 ngàn/kg, năm nào làm nhiều thu nhập được khoảng vài chục triệu một năm. Thế nhưng, hiện trong xóm chỉ còn 3 hộ còn theo làm nghề này”- ông Tâm chia sẻ.  
 Ngoài sản xuất bún Song Thằn truyền thống, người dân An Thái còn tập trung mở rộng làm các loại bún khô, bún gạo bột mù, bánh phở, bánh tráng…
 Vài năm trở lại đây, các hộ dân làm bún - bánh An Thái đã biết đầu tư dây chuyền sản xuất bánh tráng - bún để nâng cao năng suất, cơ giới hóa làng nghề.
 Nhờ vậy, năng suất tăng cao, phát triển mạnh, vươn ra các thị trường như các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, TPHCM, thậm chí vươn ra các thị trường ở Lào, Campuchia…
 Theo chị Huyền Anh (chủ cơ sở làm bún gạo khô ở An Thái), vào ngày bình thường, mỗi ngày gia đình làm khoảng 1 tấn gạo, cho ra 800 kg bún khô. Vào mùa Tết, nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao nên gia đình tăng lên gấp rưỡi. Thế nhưng, vào dịp cuối năm thường ít nắng lại hay mưa, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất bún.
 “Vào mùa này, khi nào ngày nào nắng to thì tranh thủ làm nhiều, còn mưa thì nghỉ. Để có bún tiêu thụ dịp Tết, ngoài huy động nhân công trong gia đình, tôi phải thuê thêm 4 lao động làm công với giá 150.000 đến 200.000 đồng/ngày”- chị Anh chia sẻ thêm

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn