MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để làm được con quay (cù) chất lượng, người chơi phải làm thủ công, tỉ mỉ từng chút một. Ảnh: A Lù.

Cách chế tạo con cù lạ lẫm của người Mông Tây Bắc

A Lù LDO | 12/02/2022 07:04

Yên Bái – Chơi cù (quay) là trò chơi phổ biến của người Mông Tây Bắc mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Theo tiếng Mông, đánh cù, quay hay đánh gụ gọi là Tu lu. Đây là trò chơi dân gian phổ biến trong nhiều tộc người ở vùng cao Tây Bắc (tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái gọi là con cù). Tuy nhiên, con cù của mỗi dân tộc thường khác nhau về kích thước, hình dáng cũng như cách thức chơi, quy định thắng thua.
Ngày 11.2, có mặt tại bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, PV tận mắt được chứng kiến cách chế tạo con cù đặc biệt của đồng bào Mông nơi đây. Theo đó, để chuẩn bị cho cuộc chiến cù đầu xuân, những chàng trai nơi đây phải đi vào rừng sâu tìm gỗ về chế tác.
Gỗ để làm chiếc cù thường là gỗ già, cứng, chắc được lựa chọn từ cành, cây già, sau đó chặt khúc vừa với mỗi chiếc cù và tay cầm của mỗi người để tiết kiệm và bảo vệ rừng rồi mang về bắt đầu chế tạo.
Sau khi đem về, mọi người bắt đầu công việc đẽo tròn, hình thành dáng của chiếc cù theo mong muốn. Đối với người Mông Mù Cang Chải, hình chiếc cù thường đầu dưới thu nhỏ dần thành nhọn, đầu trên mâm xôi như quả chanh cắt lát hay dạng bán cầu.
Từ công việc đục, đẽo, gọt để làm cù. Rồi nắn chỉnh cho cân xứng để không bị vênh, quay tít đều được các chàng trai nơi đây tỉ mỉ từng chút một.
Tiếp đó, lại lựa chọn dây quấn cù (thường dùng dây mềm như vải, dây sợi bông, dây sợi gai, dây sợi đay… rồi cuốn, cuộn thành dây chắc. Riêng dây quấn cù của người Mông có buộc thêm một đoạn cây cứng có đường kính khoảng 1,5cm, dài 35 đến 40cm).
Sau khi cuộn dây, cần phải đi lựa 1 đoạn trúc, tre nhỏ cỡ ngón tay cái với chiều dài và kích cỡ phù hợp với sải tay của người chơi để nối với dây làm gậy.
Trao đổi với PV, ông Sùng A Chư, ở bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang cho biết: “Để chơi được con cù của người Mông, tùy từng loại cù, quấn vào phần trên hay phần dưới của chiếc cù. Sau đó văng mạnh xuống vị trí đất đã định. Khi văng cù, dây được đồng thời kéo mạnh ngược trở lại, tạo lực cho cù quay tít dưới mặt đất”.
Trước khi đem cù đi thi đấu, cần kiểm tra lại xem còn lỗi gì không để sửa rồi lập nhóm giao lưu. Thường một cuộc chiến cù tại đây được chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm 1 -2 người hoặc hơn tuỳ thuộc vào thôn, bản, rồi lựa chọn một khu vực đất trống trải để thi đấu, ông Chư chia sẻ.
Trước khi vào cuộc chơi, hai bên lựa chọn 1 người cùng thi văng mạnh cù của mình xuống đất để chọn bên thắng bên thua, bên thua cù sẽ là bên cù quay dừng trước cù của đối phương.
Lúc này, bên thua phải văng cù của mình xuống cho bên thắng bắt đầu đánh, ném đập chiếc cù đang quay của đối phương dưới đất, nếu cù của người nào dừng quay trước thì cù của người đó thua, cứ như vậy lần lượt hết số người trong nhóm nếu thắng được đối phương thì đảo lại chơi tiếp đến khi 1 trong 2 đội xin thua thì nghỉ.
Trao đổi với PV, ông Giàng A Lù (ở thị trấn Mù Cang Chải) cho biết: “Tham gia chơi cù đầu năm đối với đồng bào nơi đây là niềm vui, bởi mọi người cùng nhau vui chơi, hò hẹn sau một năm lao động vất vả. Dù giờ đã có nhiều yếu tố giao thoa của các dân tộc khác nhưng trò chơi đánh cù của người Mông vẫn mang đậm chất thể thao, phản ánh tính sinh hoạt của cộng đồng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn