MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh mô phỏng hầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm của dự án cải tạo sông Tô Lịch.

Cải tạo sông Tô Lịch: Hình ảnh mô phỏng hầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm

Hà Phương LDO | 11/07/2022 13:10

Hà Nội - Những hình ảnh phối cảnh 3D mới nhất về hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm của dự án cải tạo sông Tô Lịch.

Công ty Cổ phần tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE Group) vừa công bố bản phối cảnh 3D mới nhất về đề xuất xây dựng "hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh".
Với mong muốn giải quyết 3 vấn đề dân sinh của Thủ đô Hà Nội, bao gồm: Ô nhiễm môi trường nước, ùn tắc giao thông nội đô xảy ra hàng ngày và úng ngập khi mưa bão, JVE Group đã đề xuất cải tạo dòng sông Tô Lịch. Dự án nếu được chấp thuận dự kiến hoàn thành dự án vào năm 2030. 
Mô hình cải tạo sông Tô Lịch thành hầm chống ngập, công viên lịch sử văn hóa tâm linh và các thiết chế văn hoá, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông.
Theo đề xuất, khi có hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc, khi mưa lớn nước sẽ chảy vào hệ thống này và thoát nhanh xuống.
Đặc biệt, lượng nước mưa chảy vào hệ thống không liên quan đến mực nước của dòng sông.
Hình ảnh 3D thiết kế hầm ngầm chống ngập, kết hợp cao tốc ngầm của hệ thống và phía trên là công viên Tô Lịch.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) – đơn vị đề xuất dự án, cho biết: "Hệ thống đường cao tốc ngầm hoạt động 2 chiều riêng biệt kết nối vào ra tại các điểm nút giao thông huyết mạch của Thủ đô. Hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ".
Do đó, hệ thống hầm ngầm giống như dòng sông ngầm ở dưới sông Tô Lịch có tác dụng tích trữ nước, khi mưa bão đi qua mới bơm nước ra ngoài. 
Khi mưa lớn, nước mưa sẽ chảy vào hầm ngầm.
Hình ảnh bể điều áp bên dưới.
Phối cảnh lối vào cao tốc ngầm tầng trên.
Phối cảnh cao tốc ngầm tầng dưới.
Phối cảnh hầm cao tốc ngầm tại lối ra Đào Tấn.
Hệ thống cửa thoát hiểm khi xả nước hoặc xảy ra sự cố.
Hệ thống điều hành tại trung tâm điều khiển.
TP.Hà Nội đã nghiên cứu đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm sông Tô Lịch.
Liên quan đến đề xuất này, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, JVE mới chỉ đề xuất các giải pháp về không gian kiến trúc, cảnh quan và thoát nước trong ranh giới sông Tô Lịch mà chưa có sự nghiên cứu trong mối liên hệ tổng thể giữa sông Tô Lịch với sông Lừ, sông Sét cũng như hệ thống thoát nước, tưới tiêu, thu gom nước thải… của TP.
Về đề xuất làm hầm thoát nước kết hợp đường cao tốc dài 11 km dọc sông Tô Lịch, ông Tuấn cho rằng đây là những giải pháp tương đối mới về kỹ thuật và công nghệ, cần được xem xét. Bên cạnh đó nguồn lực để thực hiện đề xuất là rất lớn, cần có phương án tính toán kinh phí xây dựng, hình thức đầu tư để xem xét chứng minh tính khả thi của đề xuất. Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị phía JVE tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề xuất cải tạo sông Tô Lịch để làm cơ sở lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn