MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cận cảnh bữa cơm 0 đồng của học trò Miệt Thứ

NGUYÊN ANH LDO | 14/07/2020 08:00
Những bữa cơm 0 đồng của trò nghèo Miệt Thứ không chỉ thơm ngon, sạch sẽ mà còn mang hương vị ấm áp nghĩa tình. Hơn một năm qua, những học trò nghèo, những người khó khăn tại xã Đông Hưng B, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang tựu chung về một ngôi nhà thứ hai chính nhờ những bữa cơm ấm tình người.
Trời tờ mờ sáng, 10 thành viên trong mô hình “suất cơm nhân ái” đã tập trung tại một ngôi miếu gần Trường Tiểu học Danh Coi để nấu nướng.
Người góp tiền, người góp công, người góp nồi, xoong, tủ lạnh... không ai bảo ai nhưng cùng nhau chung tay nấu ra những bữa cơm thơm ngon, ấm áp nghĩa tình.
Sở dĩ gọi là cơm 0 đồng bởi vì những phần cơm này hoàn toàn miễn phí, những người làm ra cơm đã cùng nhau đóng góp tiền của, công sức.
Đông Hưng B (An Minh) là một xã mà đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Theo Hội chữ thập đỏ xã cho biết, có rất nhiều hoàn cảnh các em học sinh nghèo, mỗi ngày đi học phải ôm bụng đói đến trường.
Cận cảnh những hộp cơm thơm ngon, nóng hổi chuẩn bị phát cho mọi người.
Nhìn thấy những hoàn cảnh khó khăn, bà Võ Thị Thêm (áo nâu, bìa trái) đã đứng ra vận động các chị em trong xã cùng nhau chung tay đóng góp nấu cơm phát cho các em học sinh, những người nghèo khó, lang thang, bán vé số... Những người dân trong xã nhìn thấy việc làm ý nghĩa nên đã chung tay ủng hộ cho nhóm. Với kinh phí tự đóng góp nên những bữa cơm chỉ được 2 lần trong tháng, mỗi lần phát khoảng gần 300 phần.
Bà Võ Thị Thêm tâm sự: “Muốn làm nhiều, phát nhiều lần hơn nhưng kinh phí còn hạn hẹp. Mọi người đã cố gắng rất nhiều để làm sao các em học trò có được bữa cơm ngon và sạch”.
Để duy trì và phát triển việc làm ý nghĩa này, Hội chữ thập đỏ của xã đã đăng kí làm mô hình dân vận khéo 2020 và cho phép thành lập mô hình “suất cơm nhân ái” để hoạt động được tốt hơn. Khi việc làm lan tỏa, không phải chỉ những người khá giả mà ngay cả những người khó khăn cũng góp công góp sức. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Mình góp tiền ít thì mình góp công nhiều hơn miễn sao giúp ích cho mọi người là hạnh phúc rồi”, bà Võ Thị Tám – một người tình nguyện tham gia đóng góp - tâm sự.
Chị Phan Thị Đượm, không may khi sinh ra đã có khiếm khuyết. Sống với cha nhưng cha đã mất, mỗi ngày chị Đượm đi nhặt ve chai kiếm tiền. Chính chị cũng không có được những bữa cơm “lành lặn” cho đến khi đến với những bữa cơm 0 đồng.
Ông Đoàn Văn Quảng, làm nghề bán vé số dạo. Từ khi có phát cơm nhân ái ông Quảng cũng đến nhận và chia sẻ: “Có những bữa cơm thế này thật sự thấy ấm lòng, nhiều lúc bán không được mà có cơm ăn thiệt mừng không tả nổi. Ở đây làm sạch sẽ và rất ngon chứ không phải làm cho có đâu”.
Chị Trần Diệu Hiền, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đông Hưng B, cho biết: “Chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục vận động để mở rộng mô hình phát cơm được nhiều lần hơn trong tháng. Ngoài các thành viên chính, hiện mô hình cũng thu hút nhiều người tham gia phụ giúp. Một địa bàn ấp khác cũng học theo mô hình và đang bắt đầu thực hiện phát cơm”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn