MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cận cảnh cây cầu luôn luôn tắc ở ngay cửa ngõ Thủ đô

Hải Nguyễn LDO | 18/03/2021 14:16
Cầu Thanh Trì (Hà Nội) được báo chí và người tham gia giao thông mệnh danh là cây cầu luôn luôn tắc mỗi ngày và đặc biệt tắc nghiêm trọng vào giờ cao điểm. Kèm theo đó là các vụ tai nạn giao thông, với 69 vụ tai nạn làm 21 người chết và 35 người bị thương trong 5 năm trở lại đây.

Được đánh giá là cây cầu dài nhất Đông Dương với tổng chiều dài 12km, rộng 33m với 6 làn xe trong đó có 4 làn xe chạy tốc độ 80km, thời gian gần đây cầu Thanh Trì liên tục xảy ra tình trạng kẹt xe, tai nạn tăng 62% so với 2 năm trước.

Là cây cầu thứ 6 bắc qua sông Hồng trên địa bàn TP.Hà Nội tính từ phía thượng lưu, cầu Thanh Trì là tuyến lưu thông huyết mạch kết nối 4 thành phố lớn là Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng – Hải Dương.
Năm 2007, cầu Thanh Trì chính thức được đưa vào sử dụng với lưu lượng thiết kế khoảng 15.000 lượt xe/ngày đêm.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, lưu lượng phương tiện qua cầu khoảng 120.000 lượt xe, vượt thiết kế 8 lần.
Việc lưu lượng tăng gấp nhiều lần khiến tình trạng kẹt xe xảy ra mọi khung giờ trong ngày, kéo theo trình trạng tai nạn gia tăng. Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), tính từ năm 2018-2020, số vụ tai nạn có thiệt hại về người tăng 62% so với 2 năm trước khiến cho người tham gia giao thông e sợ mỗi khi tham gia giao thông qua cây cầu này.
Để giảm thiểu, phòng tránh tai nạn, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã điều chỉnh giảm tốc độ lưu thông trên cây cầu “tử thần” từ 80km/h xuống 60km/h ở 4 làn dành cho xe ô tô; làn hỗn hợp vẫn được lưu thông với tốc độ như cũ là 50km/h.
Theo thống kê 5 năm trở lại đây của Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội, trên cây cầu “tử thần” này đã xảy ra 69 vụ tai nạn giao thông khiến 21 người chết, 35 người bị thương.
Mặc dù 4 làn hỗn hợp đã điều chỉnh tốc độ lưu thông nhưng tình trạng kẹt xe hoặc di chuyển dưới tốc độ cho phép vẫn tiếp diễn. Ngay trong sáng 18.3, phóng viên báo Lao Động đã khảo sát trên cây cầu này thì tốc độ lưu thông của các phương tiện dưới tốc độ cho phép 60km/h. Ngoài việc điều chỉnh tốc độ, Phòng cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cũng đã kiến nghị bỏ dải phân cách cứng giữa làn ô tô và làn hỗn hợp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về giao thông, việc bỏ dải phân cách cứng giúp làn ô tô di chuyển thuận lợi hơn nhưng đổi lại mức độ rủi ro về an toàn giao thông lại tăng.
Theo gợi ý của các chuyên gia, để giảm thiểu thiệt hại về người, cần tách biệt làn ô tô và xe máy riêng, điều này cũng góp phần tăng độ linh hoạt và tốc độ lưu thông của làn xe ô tô.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn