MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cận cảnh khu thí điểm xử lý mùi bãi rác Nam Sơn vừa lắp đặt "bảo bối Nhật"

Hà Giang LDO | 31/12/2020 10:00

Dự án thí điểm xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn đã tiến hành lắp đặt thiết bị xử lý và bắt đầu vận hành. Kết quả thí điểm này dự kiến được công bố trong trong tháng 1.2021.

Thông tin từ JVE Group cho biết, dự án thí điểm xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn đã tiến hành lắp đặt thiết bị xử lý và bắt đầu vận hành tại vị trí đã được giao (hồ H4) trong Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn.
Cụ thể, Sở Xây dựng Hà Nội đã ra văn bản số 12232/SXD-HT về việc lắp đặt thiết bị thí điểm xử lý mùi tại các ô chứa nước rỉ rác tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. Sở Xây dựng thống nhất giao cho JVE Group xử lý thí điểm tại hồ H4 tại khu LH XLCT Nam Sơn đã chứa sẵn nước rác chưa xử lý.
Thiết bị công nghệ Bio-Nano Nhật Bản (công suất của loại máy nano dự kiến sử dụng lớn gấp 5 lần công suất của máy nano đã lắp đặt thí điểm tại sông Tô Lịch) lắp đặt trực tiếp vào các ô chứa nước rỉ rác, hồ sinh học với số lượng hợp lý để đưa lượng lớn các bọt khí siêu nhỏ kích thước micro và nano "lặn" xuống để phân hủy tận gốc các khí gây ra mùi hôi thối như khí Hydro Sunfua H2S (mùi trứng thối), khi Amoniac NH3(mùi khai), CH4...trong các ô nước rỉ rác.
Nhân viên kỹ thuật lắp đặt "bảo bối công nghệ Nhật Bản" xuống khu vực thí điểm xử lý mùi H4.
Theo chuyên gia, sục khí thông thường sẽ chỉ tạo ra bọt khí to (đường kính từ 1~2mm) chỉ tồn tại khoảng 5 giây là nổi lên mặt nước và vỡ ra. Do vậy, bọt khí oxy thông thường không tồn tại được lâu trong nước và ở dưới đáy được nên không gặp và không phản ứng được với các khí gây ra mùi hôi thối trong nước rỉ rác. Do vậy, nếu sử dụng máy sục khí thông thường thì càng sục càng bốc mùi hôi thối vì các khí độc chưa bị phân hủy và và bay lên.
Trong khi nếu sục khí nano sẽ tạo ra đồng thời 2 loại bọt khí siêu nhỏ kích thước micro (đường kính <50μm) bọt khí nano (đường kính <50nm) của Nhật Bản sẽ “lặn” vào trong nước và xuống tầng đáy, và thời gian “lặn” 1 lần của bọt khí nano khi sục khí tối thiểu là 8 tiếng tức thời gian “lặn” vào trong nước và xuống tầng đáy dài hơn bọt khí thông thường là 5.760 lần.
Do vậy, hiệu quả mùi hôi thối được xử lý rất nhanh trong thời gian ngắn bởi khi “lặn” và tồn tại lâu trong nước và tầng đáy thì nó gặp và phân hủy tức thì các khí độc như H2S (mùi trứng thối), NH3 (mùi khai), CH4, do vậy hiệu quả xử lý mùi rất nhanh và càng sục nano càng hết mùi hôi thối, chuyên gia lý giải thêm. Theo ghi nhận, các thiết bị hoạt động khiến bọt khí nano phun ra trắng xóa mặt hồ chứa nước rác tại bãi rác Nam Sơn.
Mùi hôi thối bốc lên từ nước rỉ rác có thể cảm nhận bằng cảm quan cho thấy mùi nồng nặc, khó chịu. Sau khi Đơn vị đánh giá độc lập của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành đo mùi định lượng bằng thiết bị của Nhật Bản thì cho thấy giá trị là 999 vượt cả ngưỡng đo của thiết bị.
Kết quả xử lý sẽ được đánh giá khách quan bởi Đoàn đánh giá của các Sở, ban, ngành, đại diện UBND, người dân 3 xã (Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ) cùng đơn vị đánh giá độc lập của Bộ Tài nguyên và Môi trường và sẽ dự kiến được công bố trong trong tháng 1.2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn