MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cận cảnh khu vực đất sạt lở, cầu sập, đường sụp vì nắng nóng, khô hạn

NGUYÊN ANH LDO | 28/03/2024 06:00

Nắng nóng, khô hạn đã làm cho lề lộ bị sạt lở, đất rạn nứt; đường, đê bao, cầu, nhà dân sụp gãy... đời sống bà con 2 xã vùng đệm huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) gặp nhiều khó khăn.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 3.700m đường (hơn 2.000m sạt lở, hơn 1.600m rạn nứt có nguy cơ sạt lở). Trong đó, Đường tỉnh 965 là 210m; đường giao thông nông thôn 1.880m và một số tài sản của người dân, Nhà nước bị ảnh hưởng.
Trên địa bàn xã An Minh Bắc có 53 điểm sạt lở với chiều dài hơn 3.200m, trên địa bàn xã Minh Thuận có 21 điểm sạt lở với chiều dài 451m. Nắng nóng kéo dài, mực nước dưới kênh xuống thấp, gây sụt lún một số tuyến đê bao thuộc vùng đệm U Minh Thượng, nguy cơ sẽ sụt lún, sạt lở nghiêm trọng hơn.
Tại khu vực Kênh 19, ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc, cứ cách vài chục mét lại thấy có những vết nứt trên mặt đường bê tông, đất khô cằn, nhô ra bộ rễ của những gốc cây to, lòng kênh cũng đã cạn nước.
Theo UBND xã An Minh Bắc, do mới hoàn công, đất còn xốp, nắng nóng, khô hạn, nước dưới kênh cạn đã làm cho lề đường dưới mé sông nứt hoàn toàn, một số đoạn đã sạt lở, 80m gãy sụp. Công trình hiện đang trong thời gian bảo hành, UBND xã đã trình Ban quản lý dự án huyện xử lý.
Không chỉ vậy, cầu bắc qua kênh cũng đột ngột gãy sụp trong đêm. Bà Trương Thị Đẹp, người dân ấp Kênh 5 kể lại: “3h sáng, nghe tiếng động lớn thì ra xem phát hiện cây cầu sập, mà cũng may là cầu này chỉ dẫn qua trụ sở ấp và nhà văn hóa, ít người qua lại. Nắng hạn quá, nước khô cạn hết, ảnh hưởng trồng trọt, chăn nuôi lại thêm sạt lở đường dọc bờ kênh, bà con mong có nước để đường đừng sạt lở, còn làm ăn nữa”.
Cũng tại ấp Kênh 5, nhà dân bị sạt lở phía bờ kênh, xe cộ qua lại cần chú ý khu vực sạt lở.
Nước dưới kênh cũng đã cạn, xuồng ghe nằm trơ đáy.
Bà Võ Thị Lan, ngụ ấp An Thạnh cho hay, từ lúc đường sụp gãy bà phải chất đống đầy xe máy các loại rau củ quả, bò qua đoạn đường đất để qua được chỗ đường bị gãy ngang. “Rất lo không có đường thì nông sản ùn ứ, không mua bán được, dân khổ lắm. Bà con tha thiết mong sớm sửa lại đường, mấy đứa nhỏ còn đi học, người lớn thì đi lại buôn bán”.
Ông Nguyễn Văn Đen, Bí thư - Trưởng ấp Kênh 5 cho hay: “Ấp đang vận động xin cây gỗ để bắc cầu tạm đi qua, giải quyết khó khăn trước mắt. Cũng vận động bà con mé nhánh, chặt bớt những cây lớn để giảm bớt sạt lở. Dưới kênh cạn nước, xuồng ghe không chạy được, đường sụp thì đã cấm xe ô tô rồi, bà con đi tạm bằng xe lôi tự chế chở hàng từ trong ấp ra đường chính”.
Theo bà Dương Thúy Hằng, Chủ tịch UBND xã An Minh Bắc, UBND xã đã chỉ đạo làm rào chắn, gắn biển cấm các loại ô tô, xe tải không được lưu thông đối với những tuyến đường có khả năng sạt lở và đang sạt lở. Cập nhật tình hình sạt lở đường giao thông nông thôn, báo cáo nhanh và làm tờ trình trình UBND huyện, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện gia cố, sửa chữa.
Ông Huỳnh Thanh Tuấn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện U Minh Thượng cho biết, do diện tích sản xuất rất lớn, nhu cầu sử dụng nước ngọt để tưới tiêu đã làm cho mực nước các trục kênh trong đê bao xuống nhanh, kết hợp với tình trạng nắng nóng kéo dài gây ra tình trạng khô, cạn nước mặt trên các kênh làm sạt lở (sụt lún) đường.
“Năm nay đa số các hộ đã chủ động trữ nước sản xuất, nhưng tình hình này kéo dài quá lâu thì khả năng sẽ thiếu. Chúng tôi cũng vận động bà con sử dụng nước tiết kiệm, có kế hoạch nạo vét các kênh cạn để trữ nước phục vụ sản xuất, đề nghị cơ quan cấp trên xem xét sớm sửa đường để bà con đi lại”, ông Tuấn thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn