MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cận cảnh sụt lún nghiêm trọng tại nhiều điểm đê ở Hà Nội

Tô Thế LDO | 21/10/2021 06:30

Những ngày qua, trên địa bàn TP Hà Nội và nhiều địa phương lân cận đã có mưa lớn kéo dài nên mực nước các sông Bùi, sông Đáy dâng cao. Thời điểm này, nhiều điểm đê tại Hà Nội cũng xảy ra sụt lún nghiêm trọng.

Đường đê Đáy đoạn trạm bơm tưới xã Xúy Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) đã bị sụt lún, đứt gãy từ ngày 14.10.2021 do mưa bão, nước sông Đáy dâng cao. 
 Theo báo cáo mới nhất của UBND xã Xúy Xá (báo cáo ngày 19.10), tổng chiều dài đoạn sụt lún, đứt gãy là 27m, điểm sụt sâu nhất khoảng 1m làm đứt gãy rầm, đường bê tông.
Các vết đứt gãy kéo dài uy hiếp an toàn hệ thống đê điều. 
 Theo lãnh đạo xã Xúy Xá, ngay khi ghi nhận tình trạng sụt lún, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng chức năng chất hàng trăm bao tải cát xung quanh điểm đứt gãy để phòng trường hợp vỡ đê.
50 dân quân và 10 cán bộ Công an thực hiện chốt chặn từ xa và ứng trực 24/24h để theo dõi điểm sụt lún và mức nước hàng ngày.
Hệ thống đèn điện được kéo ra để phục vụ công tác ứng trực tại chỗ. Hiện UBND xã Xúy Xá đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền quan tâm xử lý và khắc phục sự cố trên nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Đê hữu Đáy, đoạn xã Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội) cũng đang gặp sự cố sụt lún nghiêm trọng sau nhiều trận mưa lớn thời gian qua.
 Đoạn sụt lún gần 150m, điểm sâu nhất khoảng 0,5m trên đê hữu sông Đáy đoạn qua xã Đồng Quang.
Ghi nhận vào chiều ngày 20.10, đoạn sụt lún đã được căng bạt và đổ đất tạm thời nhằm hạn chế nước mưa thấm xuống đất trong những ngày tới. 
 Trong lúc chờ thi công sửa chữa, người dân đã căng bạt và dựng các rào chắn để bảo vệ đoạn đê trên, đồng thời đảm bảo an toàn đi lại của người dân.
 Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Quản Văn Hoặc (Điếm trưởng điếm canh đê nơi xảy ra sụt lún) cho hay, ngay khi xảy ra sự cố sạt lở, ông cùng với đồng nghiệp đã có mặt để ghi nhận và đặt biển cảnh báo để người dân di chuyển qua điểm sạt được an toàn.
 "Hiện chúng tôi đang cố định các tấm bạt để hạn chế nước mưa thấm xuống điểm sụt lún. Tình trạng sạt lở đã diễn ra một thời gian dài, tuy nhiên lần này là nghiêm trọng nhất. Người dân ở đây cũng rất mong muốn các đơn vị chức năng xử lý được dứt điểm tình trạng này để an tâm sinh sống và việc di chuyển được an toàn", ông Hoặc cho hay.
 Hiện các biện pháp khắc phục chỉ là tạm thời, chưa thể xử lý dứt điểm. Cách điểm này khoảng hơn 1km cũng đang xuất hiện một điểm đứt gãy mặt đê khác thuộc xã Yên Sơn (Quốc Oai, Hà Nội).
Đê tả Đáy, đoạn xã Sơn Công (Ứng Hòa, Hà Nội) cũng đang gặp sự cố tương tự sau nhiều trận mưa lớn vừa qua.  
 Điểm sụt lún này dài khoảng 40m, sâu nhất khoảng 1m. Hiện biển cảnh báo đã được dựng ở 2 đầu điểm sụt.
 Bao cát, bạt được sử dụng để xử lý tạm thời sự cố.
 "Nếu trời tiếp tục mưa mà không có biện pháp khắc phục chỗ này thì có khi kéo trôi cả đoạn đê xuống dưới. Ban ngày người dân đi lại vẫn có thể quan sát được, tuy nhiên ban đêm đoạn này rất tối dễ xảy ra tai nạn nếu không để ý", ông Hưng (người dân xã Sơn Công) chia sẻ.
Người dân mong muốn đoạn sụt lún được khắc phục càng sớm càng tốt, đặc biệt là phải xong trước mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn. 
 Trước đó tại thôn Đồng Dâu (Tốt Động, Chương Mỹ) và tổ dân phố Bùi Xá (Thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ) đã xảy ra ngập úng nhiều ngày do nước sông Bùi dâng cao. Người dân phải dùng thuyền di chuyển trong các ngõ xóm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn